Đường Trần Nhân Tôn có nhiều xe khách đậu đỗ chờ đón khách |
Sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, xe dù, bến cóc trên địa bàn TP.HCM lắng xuống một thời gian, nay lại tái phát. Không chỉ ở các quận vùng ven mà ngay cả nội đô, mỗi ngày có hàng trăm xe dù ngang nhiên quần thảo.
Xe dù trong phố cấm
Ngày 15/6, ghi nhận của PV Báo Giao thông, xe dù hoạt động rất nhộn nhịp ở một số tuyến đường tại trung tâm Q1 và Q5 (TP.HCM). Tại đường Mai Chí Thọ (đoạn gần hầm Thủ Thiêm), dù trong hay ngoài khung giờ cấm đậu đỗ, xe khách vẫn ngang nhiên dừng đón, trả khách. Điển hình như các xe: Nam Phương, Hoa Mai, Toàn Thắng, Kumho Samco... lấy lòng lề đường làm nơi đón, trả khách. Cũng tại đây có hàng chục xe ôm chờ sẵn để chèo kéo khách gây nên cảnh tượng bát nháo, mất trật tự ATGT, khiến người dân rất bức xúc.
Tương tự, tại một số tuyến đường tại Q5 như: Lê Hồng Phong, Trần Phú, Trần Nhân Tôn..., xe dù cũng diễn ra nhức nhối. Sau khi tuyến đường Lê Hồng Phong bị cấm xe khách, nhà xe Thành Bưởi đã đối phó bằng cách lập bến cóc ngay tại đầu đường Vĩnh Viễn, cách bãi xe cũ khoảng 500m. Mỗi khi nhà xe này ra vào bến cóc đều phải luồn lách qua những đoạn đường nhỏ hẹp để ra khu trung tâm rất nguy hiểm.
Tại đường Trần Phú, nhà xe Trung Kiên, Kim Mã cũng thường xuyên dừng đón, trả khách ngay tại trạm đăng ký bán vé. Tại đường Trần Nhân Tôn, Hùng Vương..., PV bắt gặp nhiều xe đón trả khách các tuyến về miền Tây ngay trên đường. Đây là khu vực có nhiều trường đại học, lượng phương tiện tham gia giao thông tương đối lớn, rất dễ xảy ra ùn tắc và TNGT.
Sáng 15/6, trong vai hành khách từ TP.HCM đi Vũng Tàu, PV được nhân viên nhà xe TT hướng dẫn lên xe 7 chỗ trung chuyển từ đường Nguyễn Thái Bình đến đường Phó Đức Chính (Q 1) có xe 16 chỗ chờ sẵn. Trên xe lúc này đã có rất đông hành khách.
Đón trả khách trong giờ cấm (Chụp lúc 9h10 sáng 15/6) |
Lực lượng chức năng có… ngó lơ?
Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Đội TTGT số 5 (thuộc Thanh tra Sở GTVT TP.HCM) cho hay, tại “điểm nóng xe dù” trên đường Mai Chí Thọ, từ đầu năm đến nay, Đội đã xử phạt vỏn vẹn 22 trường hợp, với số tiền 20,75 triệu đồng. Có 8 trường hợp (trong đó có hai trường hợp nhà xe Hoa Mai, một trường hợp nhà xe Toàn Thắng) bị tước GPLX một tháng.
Cũng theo ông Việt, Thanh tra Sở đã kiến nghị thành phố triển khai nhiều phương án. Trong đó, đến giai đoạn này, xe hợp đồng không còn phù hợp nữa mà nên chuyển qua dạng tuyến cố định và du lịch lữ hành. Bởi, hai loại hình này có những ràng buộc và tiêu chuẩn cao hơn, công tác quản lý cũng tốt hơn. Phương án khác là, nên quy định chung một địa điểm để xe hợp đồng và du lịch tập trung vào một nơi để họ không phải đón, trả khách tràn lan bên ngoài. Nếu xe hợp đồng chạy tuyến cố định, chỉ cần kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, nếu cứ lặp đi, lặp lại các tuyến đường, sẽ xử lý theo hình thức tuyến cố định. |
“Mấy ngày đầu cắm biển, Đội tăng cường lực lượng kiểm tra. Hiện nay, chúng tôi duy trì lực lượng kiểm tra, xử phạt vào giờ “cao điểm” (8 - 10h). Ngoài ra, nếu người dân phản ánh vào đường dây nóng, TTGT sẽ đến xử lý. Đội cũng đã kiến nghị 11 điểm đón, trả khách tập trung trên địa bàn đảm trách, trong đó có 6 điểm trên xa lộ Hà Nội, 4 điểm trên QL1 và 1 điểm trên QL13. Sở GTVT đã đồng ý và đang triển khai xây dựng”, vị này nói.
Về trường hợp nhiều nhà xe ngang nhiên đậu đỗ đón trả khách trên phố Phó Đức Chính (Q1), ông Lê Hồng Việt, Phó chánh TTGT cho biết, không hề hay biết và không được cấp dưới (Đội TTGT số 3) báo cáo. “Tôi sẽ chỉ đạo Đội TTGT số 3 kiểm tra và xử lý vụ việc này”, ông Việt khẳng định.
Cũng theo ông Việt, TTGT đang khảo sát các điểm đón, trả khách theo tiêu chí của Bộ GTVT. Đối với các điểm bán vé, nếu nơi nào có giấy đăng ký kinh doanh mà tổ chức trung chuyển, họ đã làm đúng, đó không phải là bến cóc. Trường hợp khác, nếu cùng lúc doanh nghiệp vận tải hoạt động hai loại hình là tuyến cố định mà chấp hành trung chuyển theo quy định của Nghị định 86 và Thông tư 63 hoặc xe chạy hợp đồng ghi ngay địa điểm đó, họ đều thực hiện đúng quy định. “Riêng tuyến cố định phải nằm ở bến xe, chứ nếu đưa xe vào điểm đăng ký kinh doanh là sai. Còn xe hợp đồng nếu ghi hợp đồng ở địa điểm đó, họ có quyền lên xuống khách”, ông Việt khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận