- Dự án luồng sông Hậu:
Việc lắp đặt khối phủ Chinese Accropode đòi hỏi sự chính xác và kiên trì của những người lính. |
Gói thầu 10A - thi công đê biển phía Nam được xem là gói thầu khó khăn nhất của dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Và ở đó, tính can trường của những người lính 319 đã được thể hiện bằng sự quyết tâm trước sóng gió của biển trời miền Tây Nam bộ.
Thi gan cùng sóng, gió
Chiều 20/12/2015, mặt biển có phần êm lặng, sóng không lớn. Kỹ sư Đặng Thành Nam của Công ty 319 dẫn chúng tôi ra công trường thi công khối phủ đê biển phía Nam. Trên chiếc xuồng nhỏ, chúng tôi lướt trên những con sóng nhẹ ra đến đầu đê. Ở phía giữa thân đê, hai chiếc sà lan áp sát nhau cập bờ đê biển phía Nam.
Một sà làn chở đầy các khối phủ Chinese Accropode, một chiếc khác được cố định bằng dây chằng phía trên đặt cần cẩu 45 tấn. Trên sà lan có 5 người, trong đó có một tư vấn giám sát theo dõi các hoạt động, hai nhân viên buộc dây, một thợ lái cần cẩu và một kỹ sư ngồi ngay cạnh lái cẩu để chỉ đạo việc lắp đặt.
Từng khối phủ Chinese Accropode được bốc từ sà lan xuống để xếp lên đê biển phía Nam nhằm mục đích chắn cát, phá sóng bảo vệ bờ đê. Công việc đang tiến triển thuận lợi thì trời đổ mưa. Mưa ngày càng nặng hạt khiến sóng gió nổi lên. Chiếc xuồng của chúng tôi vội vã quay vào bờ. Công việc lắp khối phủ cũng phải ngưng giữa chừng dù lúc đó chỉ mới 15h. “Mỗi lần nghe miền Bắc có không khí lạnh là ở đây có gió chướng. Công việc cứ phập phù theo thời tiết có khi mấy ngày liền không lắp được khối phủ nào”, kỹ sư Đặng Thành Nam cho biết.
Sáng 21/12/2015, khi trời yên biển lặng, những người lính 319 lại ra công trường. Để lắp đặt các khối phủ Chinese Accropode đòi hỏi các công đoạn phải thực hiện một cách nhịp nhàng, chính xác. Các kỹ sư, lái cẩu, thợ buộc dây đều phải đào tạo qua một lớp huấn luyện về lắp khối phủ. Trên chiếc cần cẩu gắn một thiết bị định vị GPS được kết nối với một máy tính xách tay có cài đặt phần mềm để xác định vị trí của các khối phủ khi thả xuống. Các khối phủ được lắp đặt với 6 kiểu khác nhau tạo thành hình khối đan xen để không bị phá vỡ khi sóng đánh.
Trong chuyến kiểm tra công trình vào đầu năm 2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật biểu dương nỗ lực của các nhà thầu thi công gói thầu 10A, bởi đây là gói thầu rất khó khăn, thi công trong điều kiện phải phụ thuộc thời tiết. Và trong điều kiện khó khăn đó, tinh thần của những người lính 319 đã được thể hiện với sự can trường, quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn để thi công hoàn chỉnh tuyến đê biển phía Nam. |
Cần cẩu vươn cánh tay dài sang chiếc sà lan bên kia. Hai công nhân nhanh nhẹn buộc sợi dây vào khối Chinese Accropode. Việc buộc dây nhìn đơn giản nhưng cũng phải rất cẩn trọng sao cho khi cẩu nâng khối Chinese Accropode nặng 2 tấn lên không bị tuột nhưng khi thả xuống nước lại tự động tháo dây ra được.
Kỹ sư Nguyễn Xuân Vũ ngồi sát bên lái cẩu Trần Văn Hùng, mắt dán chặt màn hình máy tính để xác định chính xác vị trí rồi yêu cầu anh Hùng thả khối Chinese Accropode xuống. Việc lắp đặt trên cạn dễ hơn vì có thể quan sát được, nhưng lắp ở dưới nước biển đục ngầu thì tất cả chỉ được thực hiện bằng sự chính xác của thiết bị định vị và kinh nghiệm của kỹ sư, lái máy cẩu.
Mọi động tác thuận tiện thì việc lắp đặt một khối phủ chỉ diễn ra trong vòng 5 phút. Nhưng cũng có khi kéo dài thời gian hơn vì việc lắp đặt dưới nước sâu, có khi lắp không chính xác phải kéo lên hạ xuống nhiều lần. Kỹ sư Nguyễn Xuân Vũ cho biết, trung bình mỗi ngày nếu thời tiết thuận lợi cũng chỉ lắp được 200 khối, nhưng cũng có ngày ngồi chơi không vì đang làm thì trời đổ mưa, giông gió nổi lên phải nghỉ giữa chừng.
Đổi phương án vận chuyển, chấp nhận đội chi phí
Gói thầu 10A - xây dựng đê biển phía Nam thuộc dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu do liên danh Tổng công ty Lũng Lô, Tổng công ty 319, Tổng công ty Xây dựng đường thủy, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long thực hiện. Đây là gói thầu được đánh giá khó khăn nhất trong tất cả các gói thầu vì phải thi công giữa biển trong điều kiện sóng gió. Ông Trần Văn Chung, Giám đốc điều hành dự án gói thầu 10A của Tổng công ty 319 cho biết, Tổng công ty 319 được giao thực hiện việc đúc 2.187 khối Chinese Accropode loại 5 tấn và 30.252 khối loại 2 tấn, đồng thời vận chuyển từ bãi đúc ở Vũng Tàu về công trường và lắp đặt hoàn chỉnh.
Công việc tưởng chừng có phần nhẹ nhàng hơn việc thi công đê biển nhưng thực tế khó khăn rất nhiều. Ông Chung cho biết, theo kế hoạch lập ban đầu, việc đúc khối phủ ở Vũng Tàu sẽ được vận chuyển bằng đường biển ra đến tận công trình để lắp đặt. Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”, trong suốt từ tháng 10/2014 đến tháng 4/2015, vùng biển phía Nam chịu ảnh hưởng của “gió chướng”, sà lan vận tải biển không hoạt động được. Nhưng nếu không vận chuyển khối phủ đi thì không có diện tích cho bãi đúc và sẽ không kịp tiến độ lắp đặt sau này.
Trước tình hình đó, Trung tá Phan Phú, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty 319 đã chỉ đạo chuyển sang phương án vận chuyển bằng đường thủy nội địa và đường bộ. Sà lan từ Vũng Tàu men theo tuyến đường thủy nội địa qua kênh Chợ Gạo đến sông Tiền.
Những ngày biển không có sóng lớn, sà lan đi theo sông Tiền ra cửa biển Cổ Chiên đi đường biển về công trường. Ngày sóng lớn, sà lan phải đi từ sông Tiền theo kênh Măng Thít đến sông Hậu rồi về kênh Quan Chánh Bố, sông Long Toàn. Khối phủ được bốc lên hệ thống cảng thủy nội địa dọc sông Long Toàn rồi vận chuyển bằng đường bộ đến công trường, bốc xuống bãi, đến khi thi công mới bốc lên sà lan đưa ra ngoài đê. Nếu vận chuyển theo đường biển chỉ đi với đoạn đường 150km, nhưng đi đường thủy nội địa hơn 300km.
Việc bốc lên xếp xuống nhiều lần khiến chi phí tăng lên rất nhiều, đặc biệt là nhà thầu không chủ động được thời gian thi công.“Có hôm sà lan vận chuyển về đến công trường rồi nhưng sóng lớn không thi công được phải nằm chờ cả tuần. Chi phí mỗi ngày sà lan nằm chờ phải trả thêm 7 triệu đồng/ngày mà nhà thầu cũng phải chấp nhận”, Trung tá Phan Phú nói.
Thành quả của mồ hôi, nước mắt
Một điểm khó khác của Tổng công ty 319 là tiến độ thi công phụ thuộc vào các nhà thầu khác. Chẳng hạn muốn lắp các khối phủ thì Tổng công ty Lũng Lô và VINAWACO phải hoàn thành bàn giao phần thân đê trước.
Ông Trần Văn Chung cho biết, để không bị động lúc lắp đặt, hàng chục nghìn khối phủ đã được Tổng công ty 319 vận chuyển từ bãi đúc về tập kết tại các vị trí xung quanh công trường chờ có mặt bằng là sẵn sàng lắp đặt.
Còn nhớ, tháng 7/2015, lúc này chỉ Tổng công ty xây dựng Lũng Lô mới bắt đầu bàn giao được thân đê. Ngay lập tức, các đơn vị của Tổng công ty 319 được huy động tối đa nhân lực, thiết bị để lắp đặt khối phủ Chinese Accropode một cách khẩn trương. Khoảng tháng 9 hàng năm, biển miền Tây Nam bộ lại bắt đầu mùa gió chướng. Lúc đó nếu việc thi công đê biển không đạt cao trình +5,7m để lắp khối phủ Chinese Accropode thì thân đê có thể bị sóng đánh tơi tả, mọi công sức của con người thành “công Dã tràng”.
Ông Trần Văn Chung cho biết thêm, phải đến đầu tháng 9/2015, lúc này VINAWACO mới bàn giao được mặt bằng phía đầu đê. Bất chấp sóng gió của mùa gió chướng bắt đầu về, những người lính 319 được huy động tối đa nhân lực, phương tiện tập trung để “đánh” vào nơi khó nhất là phần đầu đê. Nhờ chủ động vận chuyển các khối Chinese Accropode về công trường trước, nên chỉ trong vòng hơn 1 tháng 2.187 khối Chinese Accropode loại 5 tấn đã được nhanh chóng lắp hoàn chỉnh tại vị trí phía đầu đê. Chính những khối phủ Chinese Accropode được lắp đặt kịp thời đã bảo vệ đoạn đầu đê một cách vững vàng, bất chấp sóng gió của biển miền Tây Nam bộ.
Hiện tại, việc lắp đạt các khối phủ Chinese Accropode vẫn được Tổng công ty 319 tiến hành một cách khẩn trương bất chấp sóng gió. Theo dự kiến, khoảng tháng 3/2016 sẽ hoàn chỉnh toàn bộ tuyến đê đảm bảo cho tàu thuyền lưu thông ra vào sông Hậu không bị ảnh hưởng của sóng gió.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận