Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Ngọc Đức, Phó TGĐ Tổng công ty đảm bảo ATHH miền Bắc cho biết, từ năm 2020 trở đi, công tác nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải sẽ được thực hiện theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc (khoán gọn). Với hình thức này, luồng hàng hải sẽ được nạo vét ngay sau khi xuất hiện bồi lắng, duy trì độ sâu đúng chuẩn tắc thay vì chờ nạo vét 1 năm/lần như thời điểm hiện tại.
“Trước đó, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 73 về thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, trong đó, tuyến luồng Hải Phòng là một trong hai tuyến đưa vào nhóm thí điểm việc “khoán gọn” trong 2 năm 2015 - 2016. Việc nạo vét luồng lạch khi đó được TCT đảm bảo ATHH miền Bắc khoán cho một nhà thầu luôn bảo đảm độ sâu -7m trong suốt thời gian 2 năm. Thời điểm ấy, quá trình hành hải của tàu thuyền vào khu vực cảng vô cùng thuận lợi.
Đến năm 2017, việc nạo vét quay trở lại theo hướng duy tu 1 lần/năm, công tác nạo vét thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt và phải chờ làm thủ tục liên quan về đánh giá tác động môi trường, vị trí đổ thải nên quá trình duy tu luồng trễ hơn rất nhiều”, ông Đức cho hay.
Được biết, nhằm “khơi thông” ách tắc về luồng lạch, Chính phủ đã ban hành Nghị định 159 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển hàng hải và vùng nước đường thủy nội địa (có hiệu lực từ ngày 11/1/2019).
Tháng 9 vừa qua, Bộ GTVT cũng đã ban hành Thông tư 54 quy định về hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, trong đó, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đã đề cập đến hình thức “khoán gọn” và cụ thể hóa các quy định về đánh giá hồ sơ dự thầu thi công nạo vét duy tu luồng hàng hải theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc, lựa chọn nhà thầu thi công, dự toán kinh phí từ năm 2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận