Họ chia sẻ, nếu phải dừng chạy phà đều rất buồn. Nhưng vì sự phát triển chung của đất nước, họ sẵn lòng chấp nhận chia tay những chiếc phà…
Mừng vì huyết mạch giao thông được nối liền
Chiều muộn 16/5, chỉ còn 3 ngày nữa là cầu Vàm Cống chính thức khánh thành đưa vào khai thác, chúng tôi có dịp đi trên chuyến phà VR89027833 C200 của bến phà Vàm Cống do thuyền trưởng Phan Thế Sơn - người đã có 38 năm gắn bó với những chiếc phà cầm lái. Đây là chuyến phà tăng cường vì thời điểm này, lượng người và phương tiện tập trung về phà Vàm Cống rất đông. Dọc theo tuyến đường QL91 từ Thốt Nốt về phía Long Xuyên, hàng xe ô tô nối tiếp nhau mỗi lúc mỗi dài để chờ đến lượt qua phà.
Là người gắn bó với bến phà Vàm Cống hơn 20 năm, nếu phải dừng chạy, tôi cũng rất buồn. Nhưng vì sự phát triển KT-XH của đất nước, chúng tôi sẵn lòng chấp nhận chia tay những chiếc phà, hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích chung.
Ông Nguyễn Phúc Nguyên, |
Trưởng bến phà Vàm Cống
Tiếp chuyện chúng tôi ngay trên ca bin phà, ông Sơn tâm tư, chỉ còn vài ngày nữa thôi, cầu Vàm Cống sẽ được thông xe. Lúc đó, người và phương tiện tập trung đi qua cầu mà không còn đi qua phà Vàm Cống này nữa. Dù phà vẫn còn hoạt động, nhưng khi ấy phương tiện, người qua phà ít đi.
“Đã hàng chục năm gắn bó với những chiếc phà, nay phải chia tay là điều không dễ dàng”, ông Sơn chia sẻ và cho biết, mình đã có 38 năm gắn bó với những chiếc phà. Trong đó, có 17 năm làm ở phà Mỹ Thuận. Khi cầu Mỹ Thuận đưa vào khai thác, ông được điều chuyển về phà Cần Thơ công tác hơn một năm thì lại tiếp tục được điều chuyển về phà Vàm Cống từ tháng 10/2001.
Theo ông kể, khi ông chuyển đến, bến phà Vàm Cống còn rất đơn sơ và hoạt động trong kênh Lấp Vò. Phương tiện cũng rất nhỏ và cũ kỹ nên công việc của người lái phà rất vất vả. Năm 2003, bến phà dời ra vị trí hiện nay bên bờ sông Hậu. Năm 2008, phà Vàm Cống mới đón chiếc phà 200 tấn đầu tiên và đến năm 2010, khi phà Cần Thơ ngưng hoạt động, phà Vàm Cống mới được bổ sung thêm nhiều phà lớn 200 tấn.
“Khi biết tin ngày 19/5, cầu Vàm Cống sẽ thông xe đưa vào sử dụng, chúng tôi, những người phục vụ ở bến phà Vàm Cống ai cũng vui mừng vì huyết mạch giao thông đã được nối liền, người dân không còn phải chịu cảnh “cách trở đò giang” đi lại khó khăn như xưa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảm thấy hơi chạnh lòng khi nghĩ đến viễn cảnh mai này phải rời xa bến phà Vàm Cống. Khi đó, có thể bến phà sẽ không còn hoạt động hoặc có cũng chỉ với quy mô nhỏ nên không biết chúng tôi sẽ đi đâu về đâu”, ông Sơn tâm sự.
Cùng chung tâm trạng, ông Nguyễn Phúc Nguyên, Trưởng bến phà Vàm Cống cho biết, đến thời điểm này, bến phà Vàm Cống vẫn chưa nhận được chỉ đạo hay chủ trương gì liên quan đến việc ngưng chạy khi cầu Vàm Cống thông xe. Do đó, toàn bộ cán bộ, công nhân viên của bến phà vẫn tiếp tục làm việc bình thường chờ chỉ đạo của cấp trên.
Theo ông Nguyên, hiện bến phà Vàm Cống có 167 cán bộ, công nhân viên. Trong đó, có hơn 30 người là hợp đồng thời vụ. Bến có 10 chiếc phà, trong đó có 8 chiếc phà 200 tấn và 2 chiếc phà 100 tấn. Thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 600 chuyến phà phục vụ đưa đón khoảng 5.000 xe ô tô và 12.000 xe gắn máy. Riêng ngày thứ bảy, chủ nhật, mỗi ngày đêm có khoảng 800 chuyến phà đưa đón từ 6.500 - 7.000 ô tô và 22.000 xe gắn máy qua lại.
Ông Nguyên cho biết, khi cầu Vàm Cống được đưa vào khai thác, chắc chắn lượng người và phương tiện qua phà sẽ giảm mạnh nên bến phà sẽ cắt hợp đồng với những người làm thời vụ; số còn lại sẽ tiếp tục làm việc bình thường chờ chủ trương của cấp trên.
Người lao động sẽ không mất việc
Liên quan đến công ăn việc làm và cuộc sống của cán bộ, công nhân viên bến phà Vàm Cống sau ngày thông xe cầu Vàm Cống, ông Lê Văn Mười, Giám đốc cụm phà Vàm Cống cho biết, cụm phà Vàm Cống quản lý tất cả 5 bến phà gồm: Vàm Cống (An Giang), Đình Khao (Vĩnh Long), Đại Ngãi (Sóc Trăng), Kênh Tắc, Láng Sắt (Trà Vinh). Do đó, nếu bến phà Vàm Cống ngưng hoạt động, người lao động sẽ không mất việc làm.
“Anh em nào vì điều kiện không thể đi xa mà có nguyện vọng xin nghỉ thì cụm phà sẽ giải quyết chế độ chính sách theo quy định. Còn những người muốn tiếp tục làm việc sẽ bố trí ở các bến phà trong cụm nên không ai bị mất việc làm”, ông Mười khẳng định.
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều công nhân, tiểu thương khu vực bến phà Vàm Cống cho rằng, vì sự phát triển của đất nước, rồi đây, những bến phà đã hoàn thành sứ mệnh của mình sẽ lui dần để nhường lại cho những cây cầu phát huy tác dụng của nó. Đâu đó, vẫn còn những người ngậm ngùi, nuối tiếc khi một công trình cầu mới được khánh thành đưa sử dụng thay cho những chiếc phà. Nhưng chắc chắn, khi có cầu, cuộc sống của người dân sẽ ngày càng phát triển và sự ngậm ngùi, chạnh lòng sẽ qua đi, thay và đó là niềm vui, phấn khởi về một sự đổi thay đầy ý nghĩa.
Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối với cầu Vàm Cống
Ngày 19/5, dự án cầu Vàm Cống sẽ được khánh thành, đưa vào khai thác. Cầu Vàm Cống sau khi thông xe không chỉ giúp người dân thoát cảnh lụy phà mà còn phát huy hiệu quả khai thác của hệ thống giao thông vùng ĐBSCL. Ngoài tuyến QL1, các phương tiện từ TP HCM về Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên có thể đi theo tuyến QLN2 để tránh ùn tắc. Đến cuối năm 2020, khi tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thông xe, chắc chắc lượng phương tiện lưu thông theo hướng phía Tây này sẽ tăng lên rất lớn.
Hiện, mỗi ngày đêm có hơn 6.100 lượt phương tiện lưu thông trên tuyến N2. Tuy nhiên hiện tại tuyến đường này có nhiều đoạn đang xuống cấp, gây mất ATGT. Để phát huy hiệu quả cầu Vàm Cống, ông Trần Văn Cẩn, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tới đây cần sớm triển khai dự án đầu tư nâng cấp tuyến N2 đoạn Đức Hòa - Mỹ An. Bởi đây là một đoạn trong tổng thể dự án đường Hồ Chí Minh. Riêng đoạn trùng với QL62 dài 13km, từ thị trấn Thạnh Hóa đến thị trấn Tân Thạnh hiện rất đông xe từ các hướng đi vào tuyến N2 nên cần sớm có dự án nâng cấp, mở rộng thành 4 làn xe để tăng hiệu quả khai thác lâu dài.
Tuyến N2 khi đến Mỹ An cũng đang thành đường “cụt” mà không chạy thẳng đến cầu Cao Lãnh để nối qua cầu Vàm Cống được, bởi đoạn Mỹ An - Cao Lãnh chưa được đầu tư. Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, tới đây, cần sớm đầu tư đoạn Mỹ An - Cao Lãnh để tuyến này không bị đứt mạch, đồng thời phát huy hiệu quả đầu tư Dự án kết nối trung tâm Đồng bằng sông Mê Kông. Tuyến đường sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.
Cùng đó, Bộ GTVT đang giao cho Ban QLDA 7 nghiên cứu triển khai dự án cao tốc từ ngã ba An Hữu (Tiền Giang) và đến TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) song song với QL30. Dự báo sau khi cầu Vàm Cống thông xe, tuyến QL30 sẽ quá tải, vì vậy cần có một tuyến cao tốc để san sẻ bớt lưu lượng. Tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư xây dựng song song với QL30 hiện hữu, điểm đầu kết nối cao tốc với tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm cuối nối QLN2 đoạn Mỹ An - Cao Lãnh. Tổng chiều dài tuyến là 28km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Tháp là 20km và đoạn qua tỉnh Tiền Giang là 8km.
Trước mắt, tuyến cao tốc sẽ được thực hiện với 4 làn xe ô tô, không có làn dừng khẩn cấp, bố trí dải phân cách giữa và hàng rào bảo vệ 2 bên, trên tuyến có 26 cầu (chiếm 15% tổng chiều dài tuyến). Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.000 tỷ đồng, gồm vốn Trung ương, ngân sách tỉnh và kêu gọi đầu tư theo hợp đồng BOT. Dự kiến, thời gian thu phí khoảng 15 năm. Các nhà đầu tư cho rằng, cần sớm triển khai tuyến cao tốc này bởi khi cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành, lượng phương tiện đổ về QL30 rất lớn, nếu không triển khai sớm thì QL30 trở nên quá tải và sẽ không phát huy được hiệu quả khai thác của các dự án cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống.
Phan Tư
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận