Y tế

Nỗi sợ Tết của y bác sĩ khoa "10 người vào chỉ 1 người ra"

04/02/2019, 06:11

Kỳ nghỉ dài 9 ngày mỗi dịp lễ Tết là chuỗi ngày "đáng sợ" đối với các y bác sĩ, nhất là với khoa Hồi sức cấp cứu.

img
Bệnh nhân vào khoa Hồi sức cấp cứu đều là ca bệnh nặng thập tử nhất sinh

"Càng Tết chúng tôi càng sợ"

Tại khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai lúc nào cũng bệnh nhân cũng kín giường. Đặc thù của khoa là những bệnh nhân vào đây đều thập tử nhất sinh. Bệnh nhân nhiễm trùng máu, viêm tụy cấp nặng do rượu, nhồi máu cơ tim biến chứng sốc, suy đa tạng ngừng tuần hoàn do viêm cơ tim cấp, cúm biến chứng… và đủ thứ mặt bệnh khác nhau.

Để giành giật lại sự sống từ tay "thần chết" cho bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ nơi đây luôn vắt kiệt sức lực của mình cho mỗi ca bệnh. Cứ mỗi bệnh nhân cai máy thở là 1 lần các y bác sĩ lại thở phào nhẹ nhõm.

Khi thời gian đếm ngược đón năm mới chỉ tính bằng ngày, bằng giờ, GS. Nguyễn Gia Bình cùng hàng chục nhân viên y tế của khoa Hồi sức tích cực vẫn miệt mài chăm sóc người bệnh. “Ở đây không bao giờ hết việc cả và càng Tết chúng tôi càng sợ”, ông Bình cho hay.

GS. Bình cho biết, ngày Tết đủ thứ bệnh từ ngộ độc, tai nạn, bệnh mãn tính như tăng huyết áp biến chứng đái tháo đường nặng lên do ăn uống không điều độ cũng như quên dùng thuốc. Những ca cấp cứu do bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim dịp Tết cũng tăng lên. Có trường hợp vào viện chảy máu não vì bị tăng huyết áp, do Tết nhớ nhớ quên quên uống thuốc. Để rồi trong cuộc vui đột ngột huyết áp tăng lên tới hơn 200 mmHg đưa đến bệnh viện bác sĩ cũng chỉ còn biết lắc đầu vì không thể cứu được nữa.

Trong dịp Tết, những bệnh nhân "nghiện rượu" cũng tăng vọt vì nhậu nhẹt nhiều dẫn đến viêm tụy cấp, thậm chí đã suy đa tạng nặng... Tất cả đổ dồn vào khoa Hồi sức tích cực và chống độc trong những ngày Tết.

"Nếu ngày thường bệnh nhân cấp cứu còn có thể chuyển đến bệnh viện khác hoặc các phòng khám tư nhưng ngày lễ Tết các bệnh viện, phòng khám tư nghỉ và lượng bệnh nhân đổ dồn vào Bệnh viện Bạch Mai và từ các khoa trong viện bệnh nhân cũng dồn lên khoa Hồi sức tích cực. Vì vậy, khối lượng công việc cũng tăng nhiều, đè nặng lên vai nhân viên y tế", ông Bình chia sẻ.

Chẳng biết Giao thừa

GS. Bình ngao ngán lắc đầu: “Mọi người cứ chờ ngày lễ, ngày Tết để nghỉ ngơi chứ bác sĩ cứ ngày Tết, ngày nghỉ là sợ lắm. Vợ chúng tôi quen với cảnh sáng mồng 1 Tết là chúng tôi đi vào "xông đất" bệnh viện chứ chẳng bao giờ xông đất ở nhà”.

Theo chia sẻ của nhiều bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu, có những ca ngừng tuần hoàn, bác sĩ cấp cứu hàng tiếng đồng hồ. Nhiều đêm 30 Tết, mải miết cấp cứu hết ca này sang ca khác, lúc ngẩng mặt lên đã 3h sáng, nhân viên y tế nơi đây chẳng còn biết đến Giao thừa. Đến hết ca 7h sáng về đến nhà mệt lả ra nằm ngủ đến 4- 5 giờ chiều là hết ngày mùng 1. Thậm chí, chỉ dành được đôi chút thời gian ngắn ngủi qua chúc Tết ông bà nội ngoại rồi lại quay vào guồng công việc và chẳng thể đi đâu được nữa.

Đối với các bác sĩ tại đây, những lúc giành giật sinh mạng của bệnh nhân là những giờ căng thẳng nhưng hạnh phúc. "Được nhìn thấy bệnh nhân phục hồi vượt qua cửa tử và sắp được trở về nhà đón Tết cùng gia đình. Với chúng tôi, đây chính là món quà Tết nhiều ý nghĩa nhất với các y bác sĩ", BS. Trịnh Thế Anh, Khoa Hồi sức cấp cứu chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.