Trồng rau màu, ăn chắc!
Khác với mọi năm, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các xã, thị trấn trong huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, tình hình thời tiết thất thường cuối năm cũng như diễn biến khó lường của thị trường… đang là nỗi băn khoăn của nhiều hộ nông dân khi bước vào vụ rau màu cuối năm.
Nông dân chăm sóc dưa leo vụ Tết.
Với nhu cầu tăng cao, những ngày giáp Tết luôn là “thời gian vàng” của thị trường rau màu ở miền Tây. Nắm bắt xu hướng tiêu dùng đó, đã hơn 1 tháng nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện Long Phú đã xuống giống và chăm sóc các loại rau màu để phục vụ thị trường Tết.
Theo ghi nhận của PV, phần lớn diện tích rau màu được nông dân ở Long Phú gieo trồng vào thời điểm này là dưa leo, dưa hấu, khổ qua, bắp cải, cải bông, củ cải trắng, bắp, cải tùa xại (cải làm dưa)…
Đây là những nông sản thường được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho nông dân. Do thời gian sinh trưởng lâu hơn nên các loại củ quả được trồng sớm hơn rau ăn lá.
Một nông dân trong Tổ hợp tác rau màu xã Châu Khánh, huyện Long Phú chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ khoảng đầu tháng 12 Dương lịch là các thành viên trong tổ hợp tác chuẩn xuống giống các loại rau màu để chuẩn bị phục vụ thị trường cuối năm".
Năm nay tình hình dịch bệnh khó khăn, chính vì vậy, bà con trồng rẫy ai cũng mong các mặt hàng rau cải dịp cuối năm sẽ dễ bán và bán được giá để mọi người có thêm nguồn thu nhập mà mua sắm Tết.
Bà con trong Tổ hợp tác cho biết, sau khi cải tạo đất rẫy sẽ xuống giống các loại rau ăn lá như cải xà lách, cải xanh, cải ngọt, hành lá và các loại rau thơm… Theo kinh nghiệm của bà con, lợi ích của việc trồng xen canh nhiều loại rau sẽ giúp chủ động đầu ra, tránh được tình trạng dội hàng, ế chợ.
Ông Đinh Văn Tỏa, ở ấp Ngãi Phước, thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú nói: “Dù làm rẫy quanh năm, nhưng mỗi khi chuẩn bị bước vào vụ rau màu Tết là tôi lại thấy nôn nao. Một phần vì đây là vụ cuối năm, nên rất mong sẽ trúng mùa, được giá.
Nhưng vẫn không biết thị trường cuối năm như thế nào khi tình hình dịch bệnh cứ ngày một phức tạp khiến tôi khá lo lắng. Hy vọng đợt dịch này sẽ sớm qua đi, bà con nông dân mình cũng yên tâm phần nào để tập trung cho các công việc đồng áng, vườn rẫy dịp cuối năm”.
Chăm sóc rau màu phục vụ Tết Nguyên đán.
Tính đến thời điểm này, tại thị xã Vĩnh Châu - “thủ phủ” hành tím của tỉnh Sóc Trăng, trong niên vụ (2021-2022) đã xuống được 1.200/1.600ha hành sớm, ước sản lượng hơn 19.000 tấn. Đây là vụ thu hoạch hành để bán Tết Nguyên đán 2022.
So với cùng kỳ năm trước, vụ hành sớm năm nay bà con nông dân xuống giống sớm hơn cùng kỳ hằng năm khoảng 20 ngày, do thời tiết thuận lợi vào các tháng 8, 9 ít mưa nên nông dân tranh thủ xuống giống.
Nhiều loại rau màu được trồng trong chậu làm kiểng như cây cải bắp, cây cải bông, cây bắp… cũng được nhiều hộ dân tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ bán ra ở mức 25.000-30.000 đồng/chậu để ngày Tết mọi người có thể vừa ngắm, vừa hái ăn dần.
Thời điểm này nhiều loại rau màu trồng trong chậu kiểng đã có khách hàng đến mua và bà con ở đây bán được sản phẩm giá cao hơn năm rồi ít nhất khoảng 5.000 đồng/chậu. Nhiều khả năng năm nay nhiều bà con tại địa phương sẽ không có đủ hàng để bán vì những tháng trước lo ngại đầu ra gặp khó vì dịch Covid-19 nên không sản xuất với số lượng nhiều…
Dưa hấu: đa dạng giống
Chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán, nông dân huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cũng trồng hơn 20 ha dưa hấu. Đến nay một số diện tích đã cho thu hoạch, bán dần. Dù thời tiết không thuận lợi nhưng nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, áp dụng màng phủ nông nghiệp nên dưa hấu đạt năng suất khá 3 tấn/công (1.000 m2).
Chuẩn bị rau màu phục vụ Tết.
Có thương lái đến tận rẫy thu mua với giá 5.000 đồng/kg, nông dân lời mỗi công 5 triệu đồng, gấp 2-3 lần lúa Thu Đông. Những diện tích còn lại nông dân huyện Châu Thành A đang tăng cường chăm sóc để bán đúng dịp Tết Nguyên đán, với hy vọng đạt năng suất và đầu ra ổn định.
Năm nay tiết trời trở lạnh sớm, khiến cho nhiều hộ trồng dưa hấu khá lo lắng. Bởi “nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”, khi điều kiện thời tiết thiếu nắng sẽ làm cho dưa phát triển không đồng đều, nông dân phải tốn thêm tiền phân, thuốc bảo vệ thực vật, trong khi giá cả các mặt hàng này đang ở mức cao.
Ông Võ Hoàng Muôn, nông dân chuyên trồng dưa hấu ở ấp Nhất, xã Châu Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng tâm tư: “Không phải cứ đi mua hạt giống về trồng là có thể có được những trái dưa to tròn, căng bóng, bắt mắt để phục vụ thị trường Tết.
Bởi người trồng dưa phải trải qua rất nhiều công đoạn như đập đất, cắt ngọn, lót trái, tưới nước hàng ngày… Thời tiết cứ như này, chưa biết vụ dưa năm nay sẽ ra sao?”.
Là người gắn bó nhiều năm với nghề trồng dưa hấu bán dịp Tết, ông Võ Đình Tuấn, ngụ ở ấp Nhì, xã Châu Khánh cho biết: “Năm nay ngoài trồng dưa hấu tròn chưng Tết, tôi trồng thêm 2 giống dưa mới, đó là kim hồng và dưa lê 999 F1.
Dưa kim hồng có vỏ màu vàng óng ánh. Còn dưa lê 999 F1 là giống dưa do Thái Lan sản xuất, có vỏ mỏng, dày cơm, khi chín có mùi thơm ngào ngạt, ít nhiễm sâu bệnh so với các giống dưa khác”.
Theo ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Long Phú, ngoài năng suất, trồng dưa hấu Tết cần nhất là mẫu mã đẹp, trái to tròn đều, giòn, ngọt. Để đạt được điều này, việc chọn giống là rất quan trọng.
Do đó, nhà nông nên chọn các giống như dưa hấu An Tiêm có sức sinh trưởng mạnh, dễ ra hoa đậu trái, năng suất cao, trái tốt, trọng lượng trái từ 3-6 kg. Hiện nay đã có các giống An Tiêm 94; An Tiêm 95; An Tiêm 98, An Tiêm 100, hay giống Tiểu Hắc Long vỏ đen, hạt lép, trái ngon, ngọt, chưng lâu không bị úng, mỗi trái nặng từ 3-8 kg nên được người trồng và người tiêu dùng ưa chuộng.
Nông dân chăm sóc dưa hấu Tết.
Giống Hồng Cúc vỏ vàng cũng thích hợp để người trồng sáng tạo nhiều hình dạng đẹp mắt, phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.
Thời gian qua, việc liên kết trong sản xuất của nông dân, nhất là với những người chuyên trồng rau màu đã được chú ý, từ đó hình thành nên các tổ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã… chuyên sản xuất rau an toàn, sản xuất theo hướng VietGAP, nông dân trong huyện cũng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ ngành chức năng. Nhờ đó năng suất và chất lượng của nông sản ngày càng được nâng lên.
Điển hình như tổ hợp tác rau màu xã Châu Khánh, bên cạnh việc tìm kiếm các mối xuất hàng để mở rộng thị trường, lãnh đạo Tổ hợp tác còn tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kỹ thuật canh tác cho bà con, cũng như từng bước hướng đến sản xuất rau “xanh” thân thiện với môi trường và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Với sự thích ứng thị trường và chú trọng nâng cao chất lượng nông sản, sự chuẩn bị chu đáo của nhà nông, hy vọng thị trường Tết Nhâm Dần sắp tới, bà con sẽ trúng mùa, được giá, để người chuyên sản xuất rau màu có lợi nhuận cao, để họ đón Tết sung túc, đầm ấm, an vui và hạnh phúc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận