Tài chính

Nông dân phải vay chui lãi “cắt cổ”, ngân hàng ở đâu?

01/10/2016, 13:09

Kết quả điều tra cho thấy ở Tây Nguyên, có 86% các hộ gánh nợ nần, trong đó 77% là đi vay tư nhân...

17

Khó vay ngân hàng, nhiều hộ nông dân phải vay “nóng”với lãi suất tới 60%/năm

Sổ đỏ cả xã nằm trong tay một cửa hàng tín dụng

TS. Hoàng Cầm, Viện Nghiên cứu văn hóa cho biết vừa hoàn thành nghiên cứu về tình trạng tín dụng của nông dân là người dân tộc thiểu số. Kết quả cho thấy ở Tây Nguyên, có 86% các hộ gánh nợ nần, trong đó 77% là đi vay tư nhân (vay nóng) với trung bình từ 43-44 triệu đồng/hộ, cá biệt có những hộ nợ tới hơn 240 triệu đồng. Nợ xấu ở Tây Nguyên trung bình theo con số tuyệt đối là 20 triệu đồng/hộ.

Ông Cầm cho biết, tại những khu vực khảo sát, người dân trồng cà phê cần tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ... đều đi vay. Đáng nói, tình trạng vay nóng với lãi suất 3-5%/tháng (tương đương 36-60%/năm), thậm chí còn cao hơn khá phổ biến. Tình trạng “vay nhân, vay non” (vay tiền đầu vụ của các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp, cuối vụ trả bằng cà phê, ngô) với tỷ lệ 50-60% không hiếm. “Ở đây có những người lập cửa hàng tạp hóa chuyên cho vay tiền, cứ mỗi triệu thì trả lãi 30-50 nghìn đồng/ngày. Họ có hai cuốn sổ, một cuốn nháp, một cuốn đầy đủ cả chữ ký. Đến cuối vụ, họ cho người đi xe máy đến tận chân cầu thang tịch thu ngô, cà phê của từng hộ vay”, ông Cầm kể. Theo ông Cầm, người dân địa phương thường gọi những cửa hàng trên với cái tên khá đặc biệt: “Cửa hàng tín dụng”. “Có ông chủ tịch xã tiết lộ rằng sổ hộ khẩu của cả xã nằm trong tay của bà chủ “cửa hàng tín dụng”. Tôi hỏi sao không vay tín dụng chính thức thì ông ấy cho biết, từ 3 năm nay, ngân hàng đưa ra quy định: Tất cả thành viên trong sổ hộ khẩu phải đến ngân hàng trình diện mới được vay. Nếu cứ đi đi lại lại lo thủ tục mà trình diện như thế thì rất tốn kém”, ông Cầm kể lại.

Cũng theo kết quả điều tra của nhóm tác giả, tỷ lệ vay nợ để sản xuất của bà con dân tộc thiểu số tại các tỉnh Đắk Lắk là 68,3%, Lầm Đồng 67%, Thái Nguyên và Sơn La cũng trong tình trạng tương tự.

Tài chính vi mô: Bao nhiêu năm vẫn là ý tưởng

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, các thành viên của hiệp hội đều đang phải vay ngân hàng với lãi suất 11%/năm. Kinh nghiệm của Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ cho thấy để hỗ trợ nông nghiệp thì phải hạ lãi vay, mức cho vay phải theo vòng đời gia súc, cây trồng. “Trồng cà phê, nuôi lợn chỉ cho vay 6 tháng thì làm được gì, lấy gì trả gốc? Nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề này thì tôi nghĩ khi vào TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) thì năm, bảy năm nữa chúng ta ngồi đó mà ăn thịt lợn Mỹ!”, ông Lịch nêu vấn đề.

Bà Nguyễn Ngọc Mai (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) cho biết, bà đã tiến hành khảo sát về tín dụng đối với 600 người nghèo ở Hà Nội thì thấy tỷ lệ tiếp cận vốn của họ rất thấp, dưới 5%. “Trong đó, 50% vay chủ yếu để chữa bệnh. Số lượng còn lại đứng danh nghĩa người nghèo vay để kinh doanh. Có những người đã “xui” người nghèo đứng ra vay vốn để vay lại số vốn này, sau đó trả cho họ một khoản tiền”.

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Lân, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn lực cộng đồng nhận định, ngân hàng chưa tin người dân có thể trả được nợ nên ngay từ khâu xây dựng chính sách đã không chú trọng. Bà Lân ví dụ, Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách hỗ trợ lãi suất lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng Agribank hay các ngân hàng thương mại khác không thể cho vay 7% được khi huy động đã 7-8% rồi. “Chính vì thế, các ngân hàng luôn yêu cầu hồ sơ vay vốn của nông dân phải chứng minh tính khả thi, đầu ra, đầu vào... Chính vì thế, vùng chúng tôi vào khảo sát không ai có thể vay được”, bà Lân nói.

Nhiều ý kiến cho rằng nên phát triển tài chính vi mô để bù đắp thiếu hụt tín dụng cho các đối tượng trên. Nhưng theo ông Phí Trọng Hiển, đại diện Ngân hàng Nhà nước, hiện nay cơ quan điều hành đang rà soát các văn bản pháp luật, đặc biệt chính sách với đối tượng chưa được điều chỉnh (như tổ chức phi Chính phủ) để xây dựng văn bản pháp lý. Còn về thu xếp nguồn vốn cho tổ chức tài chính vi mô, ông Hiển cho biết đã được đặt ra từ lâu và không tháo gỡ một, hai tổ chức mà là cả hệ thống. “Cần xây dựng đầu mối để kêu gọi vốn cả trong và ngoài nước, nhưng giờ mới là ý tưởng”, ông Hiển nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.