CSGT Nghệ An kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông trên QL7 - Ảnh: Thủy Tiên |
Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, tình hình trật tự ATGT lại diễn biến phức tạp và TNGT tăng đột biến. Một trong những nguyên nhân hàng đầu là do tình trạng lạm dụng rượu bia vô tội vạ của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Kỳ 1: Khi quán nhậu từ quê ra phố tràn lan tiệc rượu
Càng cận Tết, tình trạng sử dụng rượu bia càng tăng bất kể ở các thành phố lớn hay vùng quê xa xôi trong các cuộc hội họp, gặp mặt. Rất nhiều vụ TNGT thương tâm đã xảy ra cũng chỉ vì những “ma men” vô tư cầm tay lái sau những chầu nhậu say sưa...
Tất niên bất kể giờ giấc
Trưa 18/1, từ 13h - 13h30, dù không phải ngày nghỉ và đã đến giờ làm việc buổi chiều nhưng gần chục nhà hàng bia hơi, quán lẩu nằm trên trục đường chính của khu đô thị Làng Việt kiều (quận Hà Đông, nối đường Trần Phú và Tố Hữu) vẫn đông kín xe máy, ô tô. Không khí chúc tụng bia, rượu và thi thoảng những loạt âm thanh “zô, zô, uống” lại vang lên. Bên ngoài, nhân viên phục vụ của các quán đứng cả ra ngoài đường để mời khách.
Gần 12h30, ghé vào quán Quê hương, PV Báo Giao thông chứng kiến 5 dãy bàn đông kín thực khách đang nhậu, trong đó hai bàn toàn các nam nữ thanh niên, mặt người nào cũng đỏ gay. Khoảng 15 phút sau, các thực khách mới lục tục ra về và thản nhiên lên xe lái ô tô và xe máy.
"Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 10-20% số vụ có nguyên nhân từ vi phạm nồng độ cồn. Dịp trong, sau Tết Nguyên đán và lễ hội đầu Xuân là thời điểm người dân sử dụng rượu bia nhiều nhất. Nhiều trường hợp uống rượu bia điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ dẫn đến TNGT. Chính vì vậy, các lực lượng chức năng của tỉnh đã mở nhiều đợt cao điểm tập trung kiểm tra, phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông đã sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm những người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện”. Ông Đào Nguyên Quý |
Ở các quán bên cạnh Bếp Nghĩa, Vua lẩu, Bạch Dương..., lúc này các thực khách cũng bắt đầu lục tục lấy xe về, nhiều nam thanh niên mặt đỏ gay nhưng vẫn trực tiếp lái xe máy chở người khác. Nam nhân viên phục vụ quán Quê hương tên Thủy cho biết, gần một tuần nay quán đông hơn, hầu hết ăn buổi trưa để mừng thưởng Tết, ăn tiệc Tất niên.
“Thi thoảng có chị không uống được bia, rượu mới gọi nước ngọt, còn bàn nào cũng gọi bia, rượu. Có người uống nhiều, lúc về quát tháo cả bọn em, tưởng say nhưng vẫn lái xe máy vèo vèo anh ạ”, nhân viên này kể.
Hình ảnh tương tự ở quán bia 346 trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), dù hơn 13h hơn chục bàn vẫn còn khách ăn uống, bia liên tục được mang ra. Nữ nhân viên phục vụ tên Hằng cho biết, mấy hôm nay khách đến ăn Tất niên đông hơn, có bàn thực khách còn mang cả rượu từ nhà đến. “Nam giới ai đến đây cũng đều uống bia, rượu cả. Thường thì ăn uống xong họ tự về, phần nhiều là đi xe máy hoặc ô tô. Ít người nhờ bọn em gọi hộ taxi. Cũng có người thấy say say nhưng vẫn tự đi xe về”, Hằng cho biết.
Tại TP.HCM, ngày 18/1, PV có cuộc khảo sát ở các quán nhậu trên đường phố Sài Gòn. Dù mới đầu giờ sáng nhưng tại quán nhậu N.Q trên QL22 (huyện Hóc Môn) đã bắt đầu rôm rả tiếng nói cười xen lẫn tiếng cụng ly của các “lưu linh”. Nhân viên phục vụ phải tất tả chạy đôn đáo phục vụ các thực khách. “Nhậu chiều, nhậu đêm xưa lắm rồi! Tết nhất tới nơi, nhậu sáng mới gọi là “độc”. Thay vì cà phê, mình làm vài chai bàn chuyện đưa vợ con đi nghỉ Tết rồi làm việc sau”, ông T., một “bợm nhậu” cao giọng.
Theo nhân viên của quán N.Q, ngày thường hiếm có những cuộc nhậu sớm như vậy, nhưng càng cận Tết, thực khách càng đông. “Ban đầu 1-2 ông rủ nhau nhậu, khi hứng lên là 6-7 ông cũng bỏ việc chạy ra chung vui. Họ rôm rả chuyện ăn Tết cho đến tận trưa mới về…”, nhân viên này nói.
Cách đó không xa, tại khu vực chợ huyện Hóc Môn một nhóm đàn ông lao động xa quê cũng tổng kết năm bằng một tiệc nhậu ca cổ. Ông Chín Tiền, một người dân ngụ tỉnh Cà Mau nói: “Nhậu sớm bật dàn loa lên hát cải lương nghe mới sướng. Nhậu tối tạp âm nhiều, ồn ào lắm!”.
Cảnh ăn nhậu say xỉn không kể giờ giấc dịp cuối năm còn lan tỏa tới giới trẻ chứ không riêng gì những người trung niên. 12h, tại quán nhậu V.X nằm trên bờ kè kênh Nhiêu Lộc (quận 1) cũng có khá nhiều khách là thanh niên trai trẻ ghé vào. Đoạn đường này khá nổi tiếng với dân nhậu sớm bởi giá rẻ và thức ăn ngon. Dân nhậu ở khu này là cánh tài xế và nhân viên công sở...
Xem thêm video:
Không chỉ ở các thành phố lớn, nhiều địa phương, vùng quê cũng tràn lan cảnh nhậu nhẹt, Tất niên thâu đêm, suốt sáng. Ghi nhận của PV những ngày cận Tết, thời điểm 18h - 22h, tại TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai), những khu vực tập trung đông các quán ăn nhậu, rượu bia như khu vực đường Hồng Hà, đường Soi Tiền, đường bờ kè sông Hồng hay đường Trần Đại Nghĩa luôn trong tình trạng đông đúc, lượng khách ra - vào tập nập, tiếng “zô” vang vọng khắp khu phố.
Anh Kế (làm việc tại một cơ quan trên địa bàn TP Lào Cai) than, hai tuần nay hiếm có ngày nào anh không phải đi nhậu. “Ngày nào, tôi cũng nhận được 1 - 2 lời mời liên hoan tổng kết, Tất niên. Mỗi lần uống rượu xong cả người mệt nhoài nhưng cũng rất khó từ chối”, anh Kế nói và cho biết thêm, dù quy định tại các cơ quan, công sở ngày 29 tháng Chạp mới nghỉ Tết, nhưng đến thời điểm này mọi người đều có tâm lý nghỉ Tết.
Tại Nam Định, ghi nhận của PV, bên cạnh việc tự tổ chức liên hoan tại nhà, người dân thường ưa chuộng chọn những quán lẩu, nướng, quán bia bình dân hay những quán chân gà nướng, vịt nướng ven đường làm địa điểm liên hoan. Những quán này tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm huyện, thị trấn Yên Định (Hải Hậu) hay dọc các tuyến QL21, QL37B... Những ngày gần đây, các quán này thường đông nghịt khách, vào giờ cao điểm, thực khách đến muộn không có bàn để ngồi.
Cuối năm là dịp nhiều người mượn cớ để hội hè, chúc tụng (Ảnh minh họa) |
TNGT tăng đột biến
Liên tục những ngày cận Tết Nguyên đán, PV Báo Giao thông có mặt cùng lực lượng CSGT Bình Định ghi nhận thực trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn. Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Bình Định cho biết, những ngày cuối năm, người đi làm ăn xa về quê gặp nhau thường chè chén. Bên cạnh đó, các đám giỗ chạp, Tất niên diễn ra liên tiếp nên tình trạng nhậu nhẹt say xỉn rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất cao.
Theo Trung tá Hoài, mới đây, 12h ngày 13/1, tài xế Nguyễn Xuân Ảnh (trú huyện Phù Mỹ, Bình Định) sau cuộc nhậu bí tỉ đã điều khiển ô tô BKS 77A-062.96 về nhà. Đến Km 1166+860 trên QL1, do không làm chủ tốc độ đã đâm vào xe đạp đi cùng chiều do bà Trần Thị Thu Thanh điều khiển, khiến bà Thanh tử vong tại chỗ. Tại thời điểm đó, kết quả đo nồng độ cồn của tài xế Ảnh là 1.296mg/ml khí thở.
Thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho biết, chỉ riêng trong tháng 12/2016 đơn vị này đã tiếp nhận 563 nạn nhân TNGT đến cấp cứu, trong đó có 4 nạn nhân tử vong trước khi nhập viện.
Một trường hợp khác, ông Trần Hoàng Trung, nhà ở Hóc Môn chia sẻ, trước đây cũng thường xuyên nhậu nhẹt, nhất là dịp cuối năm. Tuy nhiên, mới đây ông đã phải từ giã ăn nhậu vì nhiều lần tông xe nhập viện trong cơn say xỉn khiến gia đình kiệt quệ, còn mình thì thương tích đầy người. “Biết chỉ là vui, sở thích của mỗi người, nếu không ảnh hưởng đến ai. Nhưng nhậu xong lái xe dễ gây tai nạn cho mình và người khác, để lại những hậu quả đáng buồn cho bản thân, gia đình và xã hội”, ông Trung nói.
Chia sẻ với Báo Giao thông, BS. Bùi Đức Chính, Trưởng phòng Tổng hợp Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, vào những dịp lễ, Tết số lượng nạn nhân bị tai nạn thương tích nói chung và nạn nhân bị TNGT nói riêng tại bệnh viện tăng đột biến. Mỗi ngày có đến 60-80 nạn nhân, tăng 50-60% so với ngày thường. Trong số này, đa số có nguyên nhân liên quan đến rượu bia, có nồng độ cồn vượt mức cho phép. “Mức độ tổn thương của các trường hợp này cũng nặng hơn do các bệnh nhân uống rượu bia dẫn đến mất kiểm soát. Nghiêm trọng hơn, rất nhiều bệnh nhân bị chấn thương sọ não. Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong cao trong nhóm bệnh nhân ngày thường”, BS. Chính nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận