Viêm gan virus cho thể lây truyền từ mẹ sang con; lây qua đường máu: Tiêm chích ma túy, truyền máu, chạy thận nhân tạo, những người phẫu thuật... (Ảnh minh họa)
Hỏi:
Em mới mang thai được 1 tháng và qua khám sàng lọc phát hiện có virus viêm gan B. Em đang rất lo về nguy cơ lây nhiễm bệnh sang con. Vậy, em cần làm gì để phòng tránh?
Nguyễn Mai (Hà Nội)
Trả lời:
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ viêm gan virus ở Việt Nam chiếm khoảng 10 - 15% dân số. Trước đây, tỷ lệ còn cao hơn nhưng thời gian gần đây do chúng ta đã thực hiện chương trình tiêm chủng nên tỷ lệ nhiễm viêm gan virus B có giảm.
Viêm gan virus cho thể lây truyền từ mẹ sang con; lây qua đường máu: Tiêm chích ma túy, truyền máu, chạy thận nhân tạo, những người phải phẫu thuật, xăm mắt, xăm môi...; hoặc lây truyền qua đường tình dục.
Biện pháp để tránh lây truyền trong cộng đồng là cần cắt đường lây truyền của virus. Với đường lây truyền từ mẹ sang con, các bà mẹ khi có thai cần khám sàng lọc.
Nếu có virus, cần xem virus có hoạt động không, có nghĩa là HBsAb (+), đo tải lượng DNA-HBV (+) cao. Trong trường hợp này, người mẹ chưa cần điều trị viêm gan nhưng khi có thai đến tháng thứ 6 thì cần uống thuốc kéo dài sau sinh 3 tháng để cắt đứt hoặc giảm nguy cơ truyền bệnh sang con.
Sau khi bé được sinh ra cần tiêm luôn vaccine viêm gan B và kháng huyết thanh viêm gan B. Tiêm càng sớm càng tốt. Nếu người mẹ bị viêm gan B thì cần tiêm vaccine viêm gan B 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng.
Để tránh lây truyền qua đường máu (bệnh nhân chạy thận hoặc truyền máu), cần khuyên bệnh nhân tiêm vaccine viêm gan trước khi làm các thủ thuật này. Tránh lây truyền qua đường tình dục cần tầm soát tiền hôn nhân để sớm phát hiện bệnh.
Viêm gan virus B, C thường dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Ngoài ra còn có viêm gan A, E thường lây qua đường tiêu hóa. Viêm gan A hầu như không gây bệnh mạn tính. Nhưng viêm gan E có khả năng gây mạn tính ở những người suy giảm miễn dịch...
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Phó chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận