Chính phủ đã chấp thuận chủ trương sửa đổi Nghị định 79/2012 liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trong đó là quyết định bỏ cấp phép ca khúc trước 1975.
Theo đó, trong văn bản được đưa ra cho biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) sẽ xây dựng Nghị định mới, theo hướng xóa bỏ ranh giới ca khúc sáng tác trước và sau năm 1975. Tất cả các bài hát không có nội dung phản cảm, đi ngược lại lợi ích của đất nước sẽ được tự do hát, không cần xin cấp phép phổ biến. Ngược lại, đơn vị, cá nhân sử dụng bài hát vi phạm những quy định nói trên sẽ bị xử phạt, buộc phải gỡ bỏ trên phương tiện truyền thông.
Trao đổi với Báo Giao thông xoay quanh chuyện bỏ cấp phép ca khúc trước 1975, NSND Lê Ngọc Cường - Nguyên Cục trưởng Cục NTBD cho biết, đây là quyết định rất tốt, điều này sẽ là tiền đề cho sức sáng tạo của nghệ sĩ cũng như cơ hội tiếp cận nghệ thuật một cách rộng rãi, năng động cho khán giả.
"Bây giờ xã hội phát triển, hội nhập, không có lý gì để phân biệt những ca khúc trước, trong hay sau 1975. Việc bỏ cấp phép ca khúc trước 1975 là điều đúng đắn. Bởi vì trình độ hiểu biết của công chúng ngày nay rất cao, họ hoàn toàn tự nhận thức và tự sàng lọc được những tác phẩm nghệ thuật đúng đắn, chất lượng.
Việc bỏ cấp phép ca khúc trước 1975 đồng nghĩa rằng, công chúng sẽ được tiếp cận nhiều luồng âm nhạc khác nhau, thị trường âm nhạc được phát triển một cách phóng khoáng, tự do hơn. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại cần phải chú trọng hơn trong khâu hậu kiểm. Dẫu vậy, công việc này cũng không quá khó khăn vì tất cả mọi tiêu chí vi phạm đều sẽ được quy định bằng văn bản, điều khoản rõ ràng", NSND Lê Ngọc Cường nhấn mạnh.
Giải thích về lý do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch từng yêu cầu Cục NTBD phải thực hiện công việc kiểm định, cấp phép các băng đĩa đăng ký phát hành, NSND Lê Ngọc Cường cho biết, không phải là cứ thích là cấm, không thích thì thôi, mà tất cả đều phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử của đất nước và quan niệm ở mỗi thời kỳ.
"Trong thời kỳ mở cửa (1986), trong bối cảnh Việt Nam tràn ngập băng đĩa đồi truỵ, đĩa nhạc của Thuý Nga Paris, hàng loạt doanh nghiệp của Việt Nam bắt đầu tự thành lập các hãng sản xuất băng đĩa. Lúc đó, xảy ra tình trạng gần như các hãng băng đĩa lao vào phát hành các bài hát chứa nhiều từ ngữ nhạy cảm, tuyên truyền lệch lạc để mong bán được đĩa nên các bài hát cách mạng, dân ca Việt Nam hầu như bị lãng quên.
Âm nhạc như thế ảnh hưởng rất mạnh ở Việt Nam lúc đó, thậm chí trở thành "mốt" của giới trẻ. Theo đó, vô hình chung những âm nhạc uỷ mị đều vô tình bị gắn với nhạc vàng nên mới sinh ra việc cấp phép khá phức tạp như vậy", NSND Lê Ngọc Cường cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận