Văn hóa - Giải Trí

NSND Lê Tiến Thọ: “Xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT phải thấu tình, đạt lý”

15/08/2022, 08:00

Cứ mỗi mùa xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) là lại có chuyện tranh cãi, kiện tụng.

Hội đồng xét duyệt cần hiểu rõ nghệ sĩ

Đến hẹn lại lên, cứ vài năm một lần, việc xét duyệt phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại được tiến hành.

Song, cứ tới mùa xét tặng là lại có lời ra tiếng vào. Thực trạng nhiều nghệ sĩ gạo cội trượt xét duyệt trong ngỡ ngàng vẫn luôn là điều khiến dư luận thở dài mỗi khi nhắc đến việc xét duyệt danh hiệu vốn được coi là cao quý này.

img

NSƯT Thoại Mỹ

Trong danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) công bố vào cuối tháng 7/2022, không có tên một vài tên tuổi như: NSƯT Thanh Nguyệt, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Ngọc Khanh, NSƯT Linh Huyền, NSƯT Kim Dung…

Sau nhiều tranh cãi, đến ngày 4/8, UBND TP.HCM vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cùng Hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu nghệ sĩ thay đổi kết quả này.

Theo UBND TP.HCM, đây là những người có nhiều đóng góp cho hoạt động nghệ thuật, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. Thêm vào đó, một số nghệ sĩ còn đào tạo, truyền nghề, nhất là với nghệ thuật hát bội không có trường đào tạo chính quy.

Điều này đã góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống đặc trưng Nam bộ trong bối cảnh sân khấu khó khăn, nghệ thuật truyền thống khó lan tỏa đến giới trẻ.

Liên quan đến việc 6 nghệ sĩ trượt NSND, NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam hai khóa 7, 8 thẳng thắn nhìn nhận: Cần có sự linh hoạt, cân bằng và rõ ràng của hai yếu tố định tính và định lượng.

Chia sẻ với Báo Giao thông, NSND Lê Tiến Thọ cho biết: Từ đầu năm 1984, NSND có 40 nghệ sĩ (trong đó lĩnh vực sân khấu có 26 người), NSƯT có149 nghệ sĩ (trong đó lĩnh vực sân khấu có 59 người). Danh hiệu này đã tạo ra giá trị, ấn tượng lớn cho xã hội. Theo nghệ sĩ gạo cội, hội đồng xét danh hiệu bây giờ đã là lần thứ 10.

Hiện nay, chúng ta đã có luật, thông tư hướng dẫn rõ ràng; qua nhiều hội đồng thẩm định và sau mỗi cuộc đánh giá, các cơ quan quản lý nhà nước phải rút ra được bài học kinh nghiệm, nhưng, đợt xét duyệt nào cũng chưa có sự thấu tình, đạt lý.

“Có những thành viên hội đồng chưa nắm hết các đối tượng mình xét. Cơ bản, hội đồng chỉ nắm được số HCV, HCB. Phải chăng những kê khai thành tích của các nghệ sĩ cũng chỉ chăm chăm mỗi điều ấy thôi. Cũng có những năm như hội đồng cấp thành phố ở TP HCM dựa vào thông tư, nếu không đủ huy chương sẽ gạt ngay từ cấp cơ sở.

Bây giờ Nghị định 40/2021/NĐ-CP (năm 2021), sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP (năm 2014) của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã thay đổi với 4 tiêu chuẩn. Thành viên hội đồng phải có trách nhiệm nắm bắt được thông tin, hiểu kỹ về các nghệ sĩ mình bỏ phiếu.

Có những loại hình nghệ thuật, nghệ sĩ ít được xuất hiện trên ti vi thì hội đồng chưa hiểu hết mà chỉ đánh giá dựa vào HCV, HCB thôi. Đấy là tiêu chí cứng. Hội đồng phải hiểu thêm rằng, họ có đóng góp, cống hiến, đào tạo và sống trong các loại hình truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ít được xuất hiện.

Nếu không tìm hiểu, phân tích, mổ xẻ thật kỹ, mà đánh giá chủ quan, phiến diện, theo định tính hoặc máy móc định lượng theo huy chương thì sẽ có nhiều nghệ sĩ thiệt thòi”, NSND Lê Tiến Thọ phân tích.

Có những NSND mà khán giả không biết là ai

Bàn về câu chuyện phong tặng NSND, NSƯT, nhà văn Y Ban - Phó Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội từng buồn rầu nói với Báo Giao thông rằng: "Thực tế cho thấy, nhiều ngành nghề được phong tặng danh hiệu thành ra người ta cứ mải chạy theo cái danh mà quên mất thiên chức thực sự của mình. Đó là sáng tạo nghệ thuật.

Thậm chí, chỉ vì cái danh hiệu đó mà người ta tỵ nạnh, ganh đua nhau. Hơn thế, với danh nay, nhiều người cảm thấy tự mãn, "ngủ quên" trên danh hiệu. Thậm chí, có danh hiệu rồi, cũng chẳng “buồn" sáng tác nữa”.

img

NSƯT Lê Thiện

Còn ở góc độ nhà quản lý và người làm nghề lâu năm, NSND Lê Tiến Thọ thừa nhận, những cuộc có giám khảo chấm thi, có hội đồng xét duyệt, nếu người nào có giải là người đó giỏi; còn nếu không được thì là lỗi ở hội đồng. Điều này có xảy ra.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các nghệ sĩ cũng nên xem xét, phân tích lại cho kỹ càng về những tranh cãi. Sự cống hiến, đánh giá của văn nghệ sĩ còn nhiều khía cạnh, chứ không phải là ở tấm huy chương.

“Một tiết mục đi diễn liên hoan xong là có HCV, nhưng sau đó anh có đi diễn để lan tỏa vai diễn, nhân vật của mình không? Hay, đi liên hoan xong, được HCV đưa lên mạng xã hội khoe thành tích rồi đóng vở diễn lại. Có những NSND mà khán giả không biết họ từng diễn vở gì, vai gì…

Danh hiệu nghệ sĩ phải tạo ra sự cao quý, đừng có ào ào rồi chẳng ai nhớ đến, khiến cái danh đó bị mất. Để rồi, sau ồn ào phong thì không ai nhớ, không biết họ là ai, đóng góp cái gì thì thật là giá trị danh hiệu ngày càng giảm sút.

Tôi nghĩ, đây cũng là tiêu chí nên được đưa vào quy định rõ ràng. Chẳng hạn, nghệ sĩ đã có huy chương thì phải đi diễn ở bao nhiêu địa điểm để phục vụ nhân dân. Đã định lượng, thì định lượng phải rõ ràng”, NSND Lê Tiến Thọ bày tỏ.

img

NSND Lê Tiến Thọ thẳng thắn góp ý về xét duyệt danh hiệu nghệ sĩ

NSND Lê Tiến Thọ cũng khẳng định, ông hiểu việc xét duyệt được thực hiện theo quy định và đang thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, điều này chưa thể nói là ổn khi kết quả chưa làm thỏa mãn công chúng yêu nghệ thuật và cuộc xét duyệt nào cũng gay cấn, lắm ồn ào.

“Chả có ai sai cả, chỉ có cái chưa đúng thôi, kết quả chưa làm thỏa mãn thôi. Luật không sai, hội đồng không phải không đúng. Làm sao để êm thấm thì yếu tố định tính, định lượng phải phân định cho rõ ràng hơn. Chẳng hạn, làm sao để những nghệ sĩ có cống hiến vẫn được ghi nhận, đỡ bị thiệt thòi. Mà để không thiệt thòi thì phải làm đúng, phải rà lại những tiêu chí cho kỹ, không bỏ sót và chính xác”, NSND Lê Tiến Thọ khẳng định.

“Có nhiều người được danh hiệu là phải chạy, phải mất tiền, đấy là những ý kiến chủ quan. Nhưng thực tế, không đến mức những nghệ sĩ có tên trong danh sách nghĩ rằng phải cần đến tiền đến bạc.

Người nghệ sĩ cũng không bao giờ làm điều ấy, không bao giờ họ nghĩ rằng mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng. Thậm chí có người mời làm người ta cũng không làm, không nghĩ phải chạy đâu”, NSND Lê Tiến Thọ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.