NSƯT Chí Trung |
Lần đầu tiên Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện dự án Thiên đường tuổi thơ, kéo dài trong 3 tháng hè với các vở diễn dành cho thiếu nhi vào chủ nhật hàng tuần. NSƯT Chí Trung, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã có trao đổi với Báo Giao thông về dự án mới này.
Nuôi tình yêu nghệ thuật cho các khán giả nhí
Lý do gì khiến nhà hát quyết định thực hiện dự án “Thiên đường tuổi thơ”, thưa anh?
Thứ nhất, chúng tôi cần một hoạt động cho nhà hát, cho con trẻ có sân chơi đúng nghĩa vào ngày hè. Trước đó, nhiều khán giả hỏi tôi tại sao không có những suất diễn vào ban ngày để họ cho con tới chơi thay vì con cái họ chỉ có thể ra siêu thị, công viên... mà thôi. Thứ hai, tôi nghĩ muốn có những rừng cây lớn, chúng ta phải gieo hạt nhỏ từ bây giờ. Với tôi, công tác này để nuôi trồng khán giả, nuôi tình yêu nghệ thuật cho khán giả nhí, để sau này các cháu lớn lên, chúng tôi sẽ có một thế hệ khán giả mới.
Người khác có thể vay hàng nghìn tỷ đồng để làm dự án, tôi đã có nhà hát và khoảng 200 nhân viên, có lượng khán giả nhất định thì cớ gì không làm? Tôi thừa nhận khán giả hiện nay thờ ơ với sân khấu, nhưng nếu mình cũng thờ ơ thì không được. Dân gian có câu “Cứ đi sẽ đến”, bạn không đi thì sẽ không bao giờ đến đích.
Nhiều nhà hát và bầu show thường kêu lỗ vốn khi làm kịch thiếu nhi, anh không lo ngại điều này?
Có một thực tế là dịp mùng 1/6, người người làm cho thiếu nhi, nhà nhà phục vụ thiếu nhi. Nhà hát chúng tôi làm kịch cho thanh, thiếu nhi từ lâu rồi, nhưng nhiều nhà hát khác hiện nay không dính đến thiếu nhi cũng lao vào làm. Đó là do thị trường hiện nay đang tốt. Chúng tôi có lợi thế là đã có thương hiệu, kinh nghiệm và nhà hát của riêng mình, có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Do đó, chúng tôi không bao giờ lỗ, trừ trường hợp làm không hay. Trước đây, những chương trình thiếu nhi chỉ trông vào tấm lòng của các đoàn, nhưng 2 năm nay, chúng tôi kèm rất chặt về chất lượng, bởi đó là điều sống còn của một nhà hát.
Tôi cũng nghĩ sẽ có nhiều người bị lỗ, vì riêng thuê rạp đã mất 40 - 50 triệu đồng rồi. Chưa kể giá vé 200.000 - 300.000 đồng là khá cao với các em. Còn chúng tôi sẵn sàng dành mức vé 70.000 - 100.000 đồng, chưa kể mua combo được giảm 50%, đây là điều không nhà hát nào dám làm, tôi nghĩ vậy. Dĩ nhiên, không ai chơi với nghệ thuật cả. Sinh lãi thì không dám mơ nhưng bạn phải tồn tại được. Chúng tôi hội đủ những yếu tố để có thể tồn tại và phát triển, về cả chất lượng nghệ thuật lẫn con người.
Còn việc các vở diễn thiếu nhi hiện nay bị chê cũ, theo lối mòn, quanh quẩn ở cổ tích, thần thoại. Những vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ dường như cũng như vậy?
Chúng tôi khoanh vùng đối tượng khán giả từ 3-7 tuổi. Từ 7-12 tuổi, 12-15 tuổi có phân khúc thị trường khác, vì khi đó chúng không tin vào hoạt hình nữa rồi. Còn đối tượng chúng tôi nhắm tới thì chỉ thích thần thoại, cổ tích thôi.
Một cảnh trong vở “Mảnh lego màu đỏ”, vở kịch nằm trong dự án “Thiên đường tuổi thơ” |
Đã nghĩ tới phương án trông con cho các bố mẹ
Anh gặp những khó khăn gì khi thực hiện dự án?
Cho đến lúc này, tôi tin tưởng vào sức mạnh và khát vọng của nhà hát mình. Còn khó nhất vẫn là truyền thông. Báo mạng ra bài 2 tiếng sau trôi mất, báo giấy ít người đọc, băng rôn, áp phích không có nhiều giá trị, qua tin nhắn cũng không dùng được. Chúng tôi hiện nay tập trung vào truyền miệng là chính. Để làm điều này cần có chất lượng chương trình tốt. Tôi cũng không muốn nói nhiều về khó khăn vì kêu van cũng không ai cho. Bố tôi từng dạy: “Khóc hèn, rên nhục, van yếu đuối”, tôi vẫn ghi nhớ điều này.
Vậy, vấn đề kinh phí thì sao?
Chúng tôi hiện nay hoạt động theo nguồn kinh phí xã hội hóa, cùng với thương hiệu của nhà hát và mối quan hệ của mình. Trước khi đi lưu diễn ở 7 tỉnh miền Tây, tôi đã gọi điện và gửi công văn cho 7 Bí thư và Chủ tịch tỉnh đề nghị giúp đỡ với cụm từ “xã hội hóa”. Có những tỉnh dùng ngân sách văn hóa để hỗ trợ, có những tỉnh có doanh nghiệp làm ăn tốt, họ tạo điều kiện cho nhà hát. Tới đây, chúng tôi có 17 ngày lưu diễn tại các tỉnh, thành như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, các tỉnh miền Trung... với nguồn kinh phí cũng được kêu gọi như vậy.
Khó khăn trong kinh phí, truyền thông là vậy, còn việc các em nhỏ chưa có thói quen đến rạp, các anh làm cách nào?
Vừa qua, tại Hà Nội, chúng tôi đã diễn 57 suất ở nhiều rạp, trong đó rạp Tuổi trẻ là đông nhất với số lượng 600 học sinh. Những ngày cao điểm, chúng tôi diễn 6 suất liền. Năm nay, chúng tôi đón các em từ sảnh với những hoạt cảnh gây tò mò. Sắp tới, chúng tôi dự định làm một mê cung để dẫn các em lên tới rạp với những hoàng tử, công chúa, phù thủy, để các em có một câu chuyện vào sáng chủ nhật hàng tuần.
Với con trẻ, tôi nghĩ việc xây dựng cho các em một thế giới xung quanh sẽ tốt hơn rất nhiều so với những câu chuyện bình thường. Chúng tôi đang ước mơ điều đó và tìm mọi cách để làm, để kéo chúng tới rạp. Chúng tôi thậm chí nghĩ tới phương án trông con cho những bố mẹ bận công việc. Họ có thể đưa con đến đây xem và hết giờ đến đón. Nhưng phương án này chỉ là bất đắc dĩ thôi.
Những khó khăn phần nào là lý do khiến “Thiên đường tuổi thơ” chỉ được thực hiện trong 3 tháng hè mà thôi?
Sau rằm Trung thu, các em cũng không cần chúng tôi nữa vì chúng phải đi học. Vả lại, thiếu nhi chỉ là một trong 15 mảng hoạt động của chúng tôi mà thôi. Chúng tôi còn có những dự án khác với những vở diễn chính kịch và các đối tượng khác. Còn nói thực, việc kéo được các em đến rạp, thay đổi nhận thức cho các em là trách nhiệm không riêng của chúng tôi mà còn của cả truyền thông, gia đình, nhà trường và tất nhiên, của cả xu thế nữa.
Cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận