Ông nhuộm tóc trắng để vào vai cụ Mão trong bộ phim "Không ngại cưới, chỉ cần một lý do". Hay ngồi dưới cái lạnh buốt của cao nguyên đá 3-5 độ C để hoá trang lão ăn mày, sói lửa trong phim "Tết ở làng địa ngục".
Biến sự bất lợi thành ưu thế
NSƯT Phú Đôn sinh năm 1960 tại Hà Nội. Ông là con út trong gia đình 8 người con, cha là NSƯT Lại Phú Cương. Từ năm 6 tuổi, Phú Đôn đã biểu diễn trên sân khấu. Tốt nghiệp trung học, nghệ sĩ thi đỗ hai ngành nghệ thuật và công an, song quyết định chọn vào Nhà hát Kịch Việt Nam vì tình yêu với nghiệp diễn.
Sở hữu ngoại hình gầy gò, khắc khổ, Phú Đôn thường được giao những vai nông dân hiền lành, chân chất hay người chồng, người cha nhu nhược, cam chịu. Không có ngoại hình sáng sân khấu, Phú Đôn khó nhận được vai chính, song ông luôn nỗ lực biến những vai diễn của mình thành điểm nhấn.
Phú Đôn cho rằng, mỗi người được ông trời phú cho một hình hài, diện mạo khác nhau. Tạo hóa đã cho ông một ngoại hình nhỏ thó tưởng chừng là bất lợi, nhưng ông không bao giờ chạnh lòng hay thấy thiệt thòi. Trái lại, nghệ sĩ thấy tự hào và xem đó là thương hiệu của mình.
"Biến khuyết điểm trở thành lợi thế và cố gắng khai thác "lợi thế riêng" đó trong nghề nghiệp. Ở sân khấu, phim truyền hình hay điện ảnh chắc chẳng ai cạnh tranh được với tôi ở khía cạnh đó cả vì không ai có khuôn mặt khắc khổ như tôi", ông nói.
Nhắc đến Phú Đôn, khán giả còn nhớ đến những vai hài đã làm nên tên tuổi của ông như: Liên (Bỏ vợ), Xuân Cồ (Xuân Cồ - người hòa giải)... Ông quan niệm với mỗi cảnh quay, diễn viên hài phải làm cho khán giả cười chứ không phải cho bạn diễn hay chính mình cười. Ông chú trọng diễn thật đến tận cùng để chọc cười khán giả.
Phú Đôn cho rằng trong nghệ thuật, không có vai diễn nào là đỉnh cao hay khiến mình tâm đắc nhất. Ông khẳng định khi đã lên được đỉnh cao sẽ không còn ý chí, cảm xúc làm nghề. Mỗi lần xem lại những phần thể hiện của mình, nghệ sĩ đều chưa từng có khái niệm "hài lòng", luôn nghĩ nếu được làm lại, chắc chắn sẽ làm tốt hơn. Ông cho biết, dù chỉ xuất hiện 5-7 phút trên màn ảnh cũng phải để lại dấu ấn cho khán giả.
Làm đủ nghề để mưu sinh
Ít ai biết, đầu những năm 1990, khi sân khấu gặp khó khăn, Phú Đôn từng nghĩ đến chuyện bỏ nghề, tìm kế mưu sinh. Tuy nhiên, tình yêu sân khấu níu ông ở lại. Để sống được với nghề, ngoài diễn xuất, ông nhận làm tổ chức sản xuất, phó đạo diễn, trợ lý đoàn phim, lồng tiếng, thu âm… Nghệ sĩ chẳng nề hà việc gì, dù đôi khi tiền công chỉ vài chục nghìn đồng.
Thời đó, phương tiện liên lạc còn hiếm, ông thường phải đạp xe tới nhà từng người trong đoàn phim để báo lịch. Có lần làm việc cùng đội ngũ trong TP.HCM, nhiều người ngỡ ngàng khi thấy nghệ sĩ tên tuổi đi làm "chân chạy vặt", song ông bỏ ngoài tai, khẳng định muốn toàn tâm toàn ý theo nghề thì chấp nhận cái nghèo.
Ở tuổi 63, dù đã nghỉ hưu tại Nhà hát Kịch Việt Nam, nghệ sĩ vẫn say sưa diễn xuất. Ông đang thủ vai cụ Mão - ông nội Yến (Hoàng Thuỳ Linh) trong phim "Không ngại cưới, chỉ cần một lý do". Nhân vật của ông gây ấn tượng với mái tóc bạc trắng, đánh dấu sự trở lại truyền hình sau "Đấu trí". Bên cạnh đó, Phú Đôn thu hút sự chú ý khi cùng lúc thể hiện hai vai trong phim kinh dị "Tết ở làng địa ngục".
"Tết ở làng địa ngục" là dự án đầu tiên của Phú Đôn với thể loại kinh dị. Lần đầu làm thể loại này, nghệ sĩ khá đắn đo vì bản thân thuộc thế hệ cũ, khi dấn thân vào con đường mới sẽ không thể xông xáo như lớp trẻ. Tuy nhiên, ông quyết định thử sức vì nhận được niềm tin từ phía nhà sản xuất.
Ông vào vai lão ăn mày què và hóa sói lửa ở chặng sau phim. Ngoài tâm lý nhân vật, phần tạo hình là thử thách không nhỏ cho nghệ sĩ và ê-kíp hóa trang. Với tạo hình lão ăn mày què, Phú Đôn phải quặp hai chân lại, đắp đầu gối giả và di chuyển trên nền đất lạnh, gồ ghề với tư thế ngồi như vậy. Để thành sói, nghệ sĩ gần như không mặc quần áo, hóa trang gần 13 tiếng dưới trời lạnh giá.
Để kịp giờ quay, Phú Đôn phải tạo hình từ 12h trưa. Cả ngày hôm đó, nghệ sĩ không dám uống nước, chỉ ăn nhẹ. Kết thúc phân đoạn, ông mới được đi vệ sinh, sau đó dành thêm hai tiếng để tẩy lớp hóa trang trên người. Dù vất vả, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nghệ sĩ vẫn coi đó là chuyện bình thường khi làm phim.
"Chắc tôi sẽ nhớ mãi hôm ngồi hóa trang thử nhân vật sói dưới cái lạnh 3-5 độ của cao nguyên đá. Sau hơn 12 giờ công việc mới hoàn thành. May mà không xỉu!", ông chia sẻ.
Lấy vợ kém 2 giáp, 20 năm chưa từng cãi vã
Hai tháng quay phim "Tết ở làng địa ngục", Phú Đôn chỉ về thăm nhà hai lần. Thời gian đó, ông đành để vợ quán xuyến phần lớn công việc gia đình, chăm sóc con cái. Ông nói vợ luôn đồng cảm, thấu hiểu cho nghề của mình, chấp nhận việc chồng đi sớm về khuya, thậm chí có những buổi giao lưu với bạn bè. Điều này giúp nghệ sĩ thêm động lực làm nghề.
Chuyên tâm với nghiệp diễn, năm 45 tuổi, Phú Đôn mới tiến đến hôn nhân. Nghệ sĩ kết hôn Hồng Vân – người vợ kém 25 tuổi qua mai mối của gia đình.
20 năm chung sống, vợ chồng ông chưa từng cãi vã to tiếng hay nảy sinh mâu thuẫn. Phú Đôn cho biết, vợ kém nhiều tuổi nhưng trưởng thành, chín chắn. Đến nay, họ đã có con trai 17 tuổi và con gái lên 8 tuổi.
Phú Đôn khẳng định vợ yêu mình vì tính giản dị, tự nhiên, không gò ép. Ông nói: "Điều quan trọng là yêu thương và hết mình vì gia đình. Phải thông cảm, thấu hiểu và tin tưởng nhau".
Vì sống giản dị, ông chưa từng nói lời lãng mạn với vợ. May mắn, Hồng Vân cũng là người giản dị một cách tối đa, ít đòi hỏi. Trước đây vào những ngày lễ, Phú Đôn thường tặng quà cho bà xã nhưng bây giờ ít hơn, vì vợ không quan trọng những giá trị vật chất.
Khi trở về gia đình, Phú Đôn không nề hà việc gì, từ nấu cơm, lau nhà đến giặt giũ quần áo giúp vợ. Ông khẳng định đó là sự công bằng và san sẻ nhau trong cuộc sống hôn nhân. Nghệ sĩ nói vui, con trai Thụy Khuê nổi tiếng khéo tay nên hầu như ai cũng làm được việc nhà.
Ở tuổi ngoài 60, Phú Đôn quan niệm hạnh phúc là có vợ trẻ nhưng luôn thông cảm cho công việc diễn xuất của mình, có con ngoan đủ nếp, đủ tẻ. Cuộc sống của ông dẫu chẳng giàu có gì nhưng vẫn sung túc, bình yên và vui vẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận