PGS.TS. Bích Hương đang điều trị cho bệnh nhân nữ trẻ tuổi bị suy thận tiến triển nhanh |
Công trình mở ra triển vọng cho nhiều bệnh nhân thoát khỏi chạy thận nhân tạo (CTNT) suốt đời.
Suy thận liệu đã hết cơ hội?
Khi nhắc đến công trình nghiên cứu đánh thức sự sống những quả thận tưởng chừng bỏ đi, PGS. TS. Bích Hương chia sẻ: “Hầu hết, trong y giới chỉ chú ý đến bệnh suy thận cấp hoặc tổn thương thận mãn, bệnh thận mãn. Có một nhóm bệnh không thuộc nhóm bệnh trên dường như bị bỏ quên là STTTN. Do không được chẩn đoán và xử trí nên bệnh nhân bước vào suy thận mãn giai đoạn cuối. Một khi CTNT đồng nghĩa thận đã chết và bệnh nhân phải chạy thận suốt đời”.
Công trình “lội ngược dòng” do PGS. TS. Bích Hương làm chủ nhiệm cùng các cộng sự đã được tiến hành trên 123 bệnh nhân STTTN kéo dài suốt 4 năm (từ tháng 2/2014 đến tháng 3/2018).
“Để thực hiện đề tài, tôi và các bạn trong nhóm bất kể các ngày lễ, Tết, chủ nhật, mặc dù không có ca trực, hễ có bệnh nhân nghiên cứu thì chúng tôi vẫn phải vào BV theo dõi bệnh nhân. Bệnh nhân STTTN kèm tổn thương đa phủ tạng, suy tim, viêm phổi nhiễm trùng huyết và rối loạn đông máu... đòi hỏi không thể lơ là một phút”, PGS. TS. Bích Hương kể.
Nỗ lực không mệt mỏi của ê kíp đem lại quả ngọt khi nghiên cứu đã giúp 80% số bệnh nhân chưa CTNT hồi phục chức năng thận và 60% trong số bệnh nhân đã chạy thận không còn phải gắn phần đời còn lại với máy móc chạy thận. Đặc biệt, trong số này, có hơn 90% bệnh nhân có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 25-35 tuổi.
PGS. TS. Bích Hương chia sẻ ý tưởng về nghiên cứu đã bắt đầu nhen nhóm trong chị từ năm 2002. Lúc đó, ở Khoa Thận nhân tạo có một bệnh nhân nữ bị viêm thận lupus sau hơn 3 tháng CTNT bỗng một ngày đi tiểu được chứng tỏ quả thận vẫn chưa chết. Bác sĩ của Khoa Thận nhân tạo đã mời PGS. TS. Bích Hương cùng điều trị cho bệnh nhân này. Kết quả ngoài sự mong đợi, sau hơn 3 tháng điều trị, nữ bệnh nhân đã “cai” được máy CTNT.
“Chúng tôi đã tiến hành sinh thiết trên 123 bệnh nhân và nhận thấy kết quả bất ngờ 90% mẫu sinh thiết cho thấy thận vẫn còn nguyên vẹn và hoạt động. Đây là minh chứng thận suy rất nặng nhưng không chết hoàn toàn và là khái niệm thức tỉnh y giới”, PGS. TS. Bích Hương nhớ lại cảm giác vỡ òa khi nhận kết quả sinh thiết.
Do đó, thay vì không điều trị gì hết đối với bệnh nhân CTNT như trước kia và dùng các thuốc kháng viêm liều cao cho tỉ lệ hồi phục thận rất thấp đối với bệnh nhân chưa CTNT, nhóm nghiên cứu đã tiến hành sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, thay huyết tương, kháng đông toàn thân... kết hợp CTNT dựa theo tình trạng của mỗi bệnh nhân đầy cam go.
Kỳ tích là có thật
Một trong các trường hợp bệnh nhân được điều trị và quay trở về cuộc sống bình thường mà PGS. TS. Bích Hương nhớ nhất là chị Nguyễn Thị Cẩm Dương (25 tuổi, người đồng bào Chăm, ngụ Ninh Thuận), bị bệnh viêm thận lupus. Trong giai đoạn mang thai và cho con bú, người mẹ ngưng điều trị để tránh nguy hiểm cho con. Chủ động nhường cho con sự sống khiến sinh mạng chị rơi vào nguy kịch bởi bệnh tái phát kèm biến chứng bệnh vi mạch huyết khối cấp tính. Tại Khoa Thận, áp dụng phác đồ điều trị cho bệnh nhân STTTN, chị Dương được chỉ định thay huyết tương nếu không tỉ lệ tử vong trên 80%. Tuy nhiên, thu nhập từ việc chăn bò thuê không lo nổi chi phí thay huyết tương nên PGS. TS. Bích Hương đã cầu cứu Phòng Công tác Xã hội, BV Chợ Rẫy và một tờ báo kêu gọi giúp chị Dương chi phí này. Hiện tại, sau 8 tháng điều trị và theo dõi, chỉ số chức năng thận của chị Dương đã về bình thường.
Giải thưởng KOVA, hạng mục Kiến tạo đã vinh danh công trình nghiên cứu tập thể “Chẩn đoán nguyên nhân và điều trị hồi phục chức năng thận ở bệnh nhân suy thận tiến triển nhanh” do PGS. TS. Trần Thị Bích Hương, Khoa Thận, BV Chợ Rẫy làm chủ nhiệm. Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam góp phần bổ sung kiến thức y giới về suy thận tiến triển nhanh và cung cấp hiệu quả của việc điều trị giúp hồi phục chức năng thận và ngưng chạy thận nhân tạo ở những bệnh nhân này. |
Trao đổi với PV Báo Giao thông, chị Cẩm Dương cho biết: “Lúc mới nhập viện, nghe bệnh nặng có nguy cơ tử vong, tôi sợ lắm vì con tôi còn quá nhỏ, tôi chết đi rồi con tôi sẽ ra sao. Còn nếu không chết mà phải chạy thận suốt đời thì tôi cũng sợ không theo nổi. Chồng tôi thường đi chăn bò cả ngày, làm sao đưa mình đi được, hơn nữa tiền bạc tốn kém lắm. Nghĩ đến mấy chuyện đó, ngày nào ở bệnh viện tôi cũng khóc. Thấy vậy, PGS. TS. Hương đã động viên, khuyên tôi yên tâm chữa trị, nghĩ đến con mà lạc quan. Biết hoàn cảnh khó khăn của tôi, PGS. TS. Hương còn vận động cho tôi tiền thuốc chữa trị. Tôi xem PGS. TS. Hương như ân nhân, người đem lại ánh sáng cho cuộc đời tôi. Hiện, sức khỏe tôi đã ổn định và đang được điều trị ngoại trú, tái khám mỗi tháng”.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nam đang làm việc cho Công ty Vinamilk, sống ở Đà Nẵng mới cưới vợ được 2 tháng thì mắc viêm phổi nặng. Do bệnh nhân bị bệnh lupus mà không biết nên bệnh diễn tiến suy thận, suy tim nguy kịch và được chuyển đến BV Chợ Rẫy chữa trị với tâm niệm “còn nước còn tát”. Ngày gặp hai vợ chồng ở BV, PGS. TS. Bích Hương vô cùng xót xa với hai gương mặt trẻ tiều tụy, nước mắt ngắn dài. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì chăm sóc của người vợ và sau 9 lần thay huyết tương ổn định vi mạch huyết khối, 2 tháng sau bệnh nhân đã có nước tiểu và sức bóp tim về lại bình thường, hoàn toàn không cần chạy thận nữa, đi tiểu được 2, 3 lít/ngày như một kỳ tích. Hai vợ chồng đã bắt đầu nghĩ đến chuyện sẽ có con trong tương lai.
“Khi bắt tay thực hiện nghiên cứu, chúng tôi kỳ vọng ngoài giữ lại tính mạng còn giảm chi phí chạy thận suốt đời cho bệnh nhân nhưng sau khi thực hiện, chúng tôi rất hạnh phúc với kết quả đạt được ngoài mong đợi khi bệnh nhân có chất lượng sống tốt hơn”, PGS. TS. Bích Hương xúc động chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận