Giúp chủ tịch lừa đảo nhưng không hưởng lợi?
Trong kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) liên quan ông Trịnh Văn Quyết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01 Bộ Công an) đề nghị truy tố bà Hương Trần Kiều Dung (SN 1978, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán BOS) về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.
Trước đó, bà Dung bị cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam từ ngày 8/4/2022.
Theo cáo buộc, từ ngày 25/6/2017 đến 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết biết hành vi thao túng thị trường chứng khoán là phạm pháp và từng có hai lần bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính, nhưng bị can vẫn chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ tùy thân của 45 cá nhân, lập 20 doanh nghiệp để mở 500 tài khoản chứng khoán.
Sau đó, ông Quyết chỉ đạo một số người, trong đó có bà Kiều Dung điều hành Công ty BOS làm các thủ tục để tạo cung cầu giả cho 5 mã chứng khoán của FLC. Qua đó, các bị can thu lời bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Kết luận điều tra nêu, bị can Hương Trần Kiều Dung là người có trình độ hiểu biết về chứng khoán và biết những chỉ đạo nêu trên của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết là trái pháp luật. Tuy nhiên, bà Dung vẫn ký một số văn bản phê duyệt hạn mức giao dịch, giải ngân cho vay, giúp cho bị can Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Quyết) cấp hạn mức khống cho nhiều tài khoản để thao túng thị trường.
"Hành vi của Hương Trần Kiều Dung cùng đồng phạm giúp Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi bất chính 445,3 tỷ đồng trên tổng số tiền 723,3 tỷ đồng", kết luận của C01 nêu rõ.
Ngoài ra, bà Dung còn bị cáo buộc làm theo chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết, đứng tên cá nhân và đại diện ba công ty ký 6 hợp đồng nhận chuyển nhượng khống trên 52 triệu cổ phần. Từ đó, nâng khống vốn điều lệ cho các công ty, giúp ông Quyết niêm yết, bán cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp khống, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Quá trình điều tra, bị can Kiều Dung được đánh giá thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi và tích cực hợp tác với CQĐT để làm rõ vụ án.
Nữ cựu Phó chủ tịch Thường trực FLC cũng thừa nhận được ông Quyết trao đổi, biết mục đích ông này chỉ đạo tăng vốn khống, niêm yết cổ phiếu để huy động vốn từ nhà đầu tư. Song nữ bị can vẫn cùng đồng phạm giúp Quyết thao túng chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Bị can Dung không được hưởng lợi từ hành vi trái pháp luật mà chỉ hưởng lương hàng tháng 80 triệu đồng tại Công ty CP Chứng khoán BOS", cơ quan điều tra xác định.
Bên cạnh đó, C01 ghi nhận bà Dung phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt nên đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can khi lượng hình.
Cấp trên chỉ đạo, biết sai vẫn phải thực hiện
Một nữ bị can khác bị cáo buộc giúp Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi sai phạm trong việc thao túng thị trường chứng khoán, là cựu Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS Nguyễn Quỳnh Anh (SN 1980).
Theo kết luận điều tra, Quỳnh Anh đã ký 300 ủy nhiệm chi chuyển tiền từ các tài khoản đến tài khoản của BOS mở tại BIDV chi nhánh Hà Thành. Từ đây, Trung tâm Lưu ký chứng khoán tự động trích tiền thanh toán bù trừ liên quan đến doanh nghiệp này.
Với những cáo buộc trên, bà Quỳnh Anh cùng đồng phạm bị cho là giúp Trịnh Thị Minh Huế thu lời bất chính trên 445 tỷ đồng, là đồng phạm giúp sức cho Trịnh Văn Quyết.
Sau khi bị bắt, Nguyễn Quỳnh Anh đã thành khẩn khai báo, nói nguyên nhân vi phạm là do cấp dưới phải làm theo chỉ đạo của ông Quyết. Bị can cũng cho rằng mình không được hưởng lợi mà chỉ nhận lương hàng tháng 70 triệu đồng.
Cũng như bà Dung, Quỳnh Anh phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt nên CQĐT đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can khi lượng hình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận