Liên quan vụ xe dù mang biển số 14B-042.78 ngang nhiên chạy tuyến cố định Quảng Ninh - Hà Nội, đón trả khách dọc đường và bị một nữ hành khách tố cáo bị người của xe này hành hung, một chỉ huy Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị đã phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh triệu tập chủ xe và những người liên quan đến làm việc.
"Hiện đơn vị đã tạm giữ phương tiện, đang xem xét xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đối với chủ xe.
Bên cạnh đó, các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh đã làm việc với chủ xe, tài xế, thông báo tìm nạn nhân, xác minh tình trạng sức khỏe để điều tra, làm rõ nội dung tố cáo", vị chỉ huy Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh nói.
Theo một cán bộ Thanh tra Giao thông, Sở GTVT Quảng Ninh, đối chiếu với quy định hiện hành tại Nghị định 100/2019, tài xế và chủ xe nói trên có thể bị xử phạt nhiều lỗi.
Điển hình như lỗi điều khiển xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thu tiền vé nhưng không đưa vé cho hành khách; thu tiền vé cao hơn quy định; sang nhượng hành khách dọc đường cho xe khác mà không được hành khách đồng ý; đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách không gắn thiết bị giám sát hành trình, không lắp camera theo quy định; đón trả khách trên đường cao tốc; xe không có biển hiệu, phù hiệu...
Các hành vi trên mỗi hành vi có mức phạt từ 800.000 đồng cho đến 5 triệu đồng.
"Cơ quan chức năng sẽ đối chiếu với quy định để xử lý khi đã xác minh được đầy đủ các thông tin vi phạm", vị cán bộ cho hay.
Về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại sáng ngày 1/3, ông Mạc Đức Sơn, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị sẽ tham mưu và tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác kiểm tra, xử lý xe dù, bến cóc, xe trá hình trên địa bàn.
Còn theo ông Nguyễn Thiên Vương, Chánh văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh đã phối hợp tích cực để kiểm tra, xử lý tình trạng xe dù, bến cóc trên địa bàn. Tuy nhiên, hoạt động của loại hình này còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến trật tự xã hội…
"Để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc, xe trá hình như hiện nay là trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Sau vụ việc trên, Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh đã kiến nghị lực lượng chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với loại phương tiện tương tự nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải hành khách, tạo sự công bằng, chống thất thu thuế", ông Vương nói.
Trước đó, trên mạng xã hội đã đăng tải thông tin một nữ hành khách bị người của nhà xe 14B-042.78 bóp cổ, đuổi xuống giữa cao tốc vì không chịu trả tiền vé với giá "cắt cổ".
"Mọi người đi xe Quảng Ninh nhớ chừa xe này ra nhé lừa đảo. Đi từ Hà Nội - Bắc Ninh 200k (200 nghìn đồng - PV), Hà Nội - Uông Bí 400k, Móng Cái 500k.
Không đồng ý trả vé cao, nhà xe giở giọng côn đồ đòi mỗi hành khách 200k, thả xuống giữa cao tốc gần Cầu Đuống. Khách chụp lại biển số xe nhà xe còn bóp cổ hành khách...", nội dung đăng tải trên mạng xã hội, kèm theo hình ảnh cổ một người bị xước khiến cộng đồng mạng bất bình.
Theo cơ quan chức năng, chiếc xe này không đăng ký kinh doanh vận tải, không có giám sát hành trình và không có phù hiệu.
Liên quan đến việc phụ xe đánh người, ngày 29/2, PV Báo Giao thông đã liên lạc với ông Vũ Thành Trung, chủ BKS 14B-042.78, trú tại phường Cẩm Thành, TP Cẩm Phả.
Ông Trung lý giải nguyên nhân là phụ xe (cũng tên Trung) nhà ở thị xã Đông Triều theo xe đi chơi và đã uống bia, rượu khi ở đầu bến Hà Nội. Khi xảy ra đôi co giữa Trung và hành khách thì tài xế đã can ngăn nhưng không kịp…(!?).
"Chiếc xe này gia đình mới mua với mục đích để kinh doanh vận tải khách du lịch. Tuy nhiên chưa làm thủ tục đăng ký chuyển biển kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật", ông Trung nói.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến tiếp theo của vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận