Luật sư Lê Bá Thường, (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã có những trao đổi với phóng viên Báo Giao thông xoay quanh vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến nữ sinh Hồ Hoàng Anh (tỉnh Ninh Thuận).
Nữ sinh lớp 12 Hồ Hoàng Anh là nạn nhân tử vong trong vụ va chạm giữa xe máy với ô tô do ông Hoàng Văn Minh, cán bộ thuộc Trung đoàn Không quân điều khiển.
Dư luận xã hội “dậy sóng” với việc kết quả kiểm tra nồng độ cồn trong máu của nạn nhân do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận thực hiện, có kết quả trên máy sinh hóa và lưu vào phần mềm kết quả Ethanol (cồn)/[Máu] là 0,79g/L.
Sau đó, bệnh viện đã thừa nhận những sai sót trong quá trình thực hiện kiểm tra nồng độ cồn của nạn nhân. Bệnh viện cho rằng kết quả chưa được kiểm chứng, không đủ độ tin cậy, không phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.
Hiện trường vụ tai nạn khiến nữ sinh lớp 12 ở Ninh Thuận tử vong thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trong những ngày qua.
Theo luật sư Thường, trong vụ việc này, hành vi của người phụ trách kỹ thuật kiểm tra nồng độ cồn có sai sót trong lấy mẫu để kiểm tra dẫn đến kết quả không chính xác, ảnh hưởng đến vụ án.
Đó là hành vi không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, vi phạm quyền của người bệnh, lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh; tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh. Đây là các hành vi bị cấm theo khoản 10 Điều 6, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009.
Trong trường hợp người có hành vi làm giả hồ sơ bệnh án, làm sai lệch hồ sơ bệnh án thì tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể các hành vi: tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án; làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (điểm e khoản 5 Điều 38, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).
Ngoài ra, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác nhằm mục đích để giúp người phạm tội bị phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, có thể bị xử tù từ 7 năm đến 15 năm (Điều 359, Bộ luật Hình sự 2015 ).
Đối với vấn đề tiết lộ kết quả kiểm tra độ cồn của nạn nhân, luật sư Thường nói: "Thông tin của bệnh nhân phải được giữ bí mật, đội ngũ y bác sĩ phải có nghĩa vụ giữ bí mật tình trạng bệnh của người bệnh, những thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án (khoản 5 Điều 37 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009).
Theo khoản 4 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, chỉ người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quyền quyết định cho phép một số nhóm đối tượng tiếp cận đọc hồ sơ, khai thác hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.
Cụ thể là: Sinh viên thực tập, nghiên cứu viên, người hành nghề trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ cho việc nghiên cứu hoặc công tác chuyên môn kỹ thuật;
Thứ 2 là đại diện cơ quan quản lý nhà nước về y tế trực tiếp quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra chuyên ngành y tế, cơ quan bảo hiểm, tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, luật sư được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền cho phép;
Và thứ 3: người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án
Do đó việc vợ của người tài xế có thông tin nồng độ cồn của nữ sinh đã có dấu hiệu làm lộ tình trạng bệnh, thông tin của bệnh nhân. Bởi, cô này không thuộc đối tượng được tiếp cận và đọc được hồ sơ về kết quả kiểm tra nồng độ cồn của nạn nhân.
Vì thế, hành vi làm lộ tình trạng bệnh, thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án của nạn nhân thì người tiết lộ sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng (tại điểm c khoản 3 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận