Hà Nội sắp vào đỉnh dịch sốt xuất huyết
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận gần 10.000 ca sốt xuất huyết, 12 trường hợp tử vong và rất nhiều bệnh nhân đang trong trạng thái nguy kịch. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo thời điểm này vẫn chưa phải đỉnh dịch.
Tại Hà Nội, sốt xuất huyết sắp vào đỉnh dịch với số ca mắc tăng cao
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Trong tuần 42 ghi nhận 1.420 ca, tuần 43 ghi nhận 1.205 ca. Cộng dồn năm 2022 (đến 30/10) có 9.747 ca mắc, 12 ca tử vong.
Số ca mắc năm 2022 tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2021 và tăng 2 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm. Tuýp virus Dengue lưu hành là DEN-1 và DEN-2, DEN-4.
Ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định: "Bệnh sốt xuất huyết Dengue trên bình diện chung cả nước số ca mắc đang tăng nhanh, diễn biến phức tạp. Tại Hà Nội, qua theo dõi nhiều năm, số ca mắc sốt xuất huyết thường đạt đỉnh vào các tuần đầu tháng 11".
Trong những ngày gần đây, có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết chủ quan hoặc điều trị tại nhà không đúng cách đã dẫn tới tử vong đáng tiếc.
Dinh dưỡng nên và không nên dùng cho người mắc sốt xuất huyết
BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ: "Trong điều trị sốt xuất huyết, ngoài việc theo dõi sát sao lượng tiểu cầu và bù dịch, bù điện giải cho bệnh nhân kịp thời, thì một chế độ ăn uống đầy đủ và đúng cách là cách tốt nhất để cơ thể chống chọi với căn bệnh này".
Trong thời gian mắc sốt xuất huyết, người bệnh thường mệt mỏi, đau người, nhức đầu, sốt cao, người bệnh không cảm thấy muốn ăn bất cứ thứ gì trong giai đoạn này. Người bệnh bị sốt xuất huyết thường cảm thấy buồn nôn, nôn mửa và cực kỳ suy nhược, trong tình trạng này, chế độ ăn lỏng, mềm cần được khuyến nghị cho người bệnh, vì nó dễ tiêu hóa, hấp thu hơn so với chế độ ăn đặc.
Theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa Dinh dưỡng, người bệnh sốt xuất huyết nên uống nhiều nước, đặc biệt là nước dừa. Do nước dừa chứa nhiều chất dinh dưỡng, cung cấp chất điện giải tự nhiên nên dừa rất tốt cho tất cả những ai bị mất nước nghiêm trọng. Nước dừa cũng cung cấp cho cơ thể một số chất dinh dưỡng quan trọng giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi sau bệnh sốt xuất huyết.
Lá đu đủ được cho là cực kỳ hiệu quả trong điều trị sốt xuất huyết
Bên cạnh đó, cần tăng cường thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, ổi, kiwi, dâu tây, xoài… có tác dụng chống oxy hóa tốt cho cơ thể khi hồi phục sau bệnh sốt xuất huyết. Người bệnh sốt xuất huyết nên ăn sữa chua, giàu dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể để tăng cường sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và khả năng chống viêm.
“Lá đu đủ được cho là cực kỳ hiệu quả để tăng cường bạch cầu và số lượng tiểu cầu trong điều trị sốt xuất huyết. Đây được coi là một trong những phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà tốt nhất. Bạn nên dùng chiết xuất đu đủ ở dạng nước ép hoặc nghiền nát một vài lá đu đủ và nó được chứng minh là hiệu quả nhất trong việc kích hoạt số lượng tiểu cầu làm giảm trong thời gian bị sốt xuất huyết. Tuy nhiên, nó có mùi và vị khó chịu”, BS. Hưng thông tin thêm.
Người bệnh sốt xuất huyết phải thực hiện chế độ ăn giàu protein. Vì vậy, những lời khuyên không nên ăn đồ tanh như cá, trứng hay thịt gà là không có cơ sở. Những thực phẩm này cung cấp cho cơ thể lượng chất dinh dưỡng phù hợp để giúp cơ thể chống chọi lại nhiễm trùng.
“Người bệnh sốt xuất huyết không chỉ bị sốt, cảm mà còn mệt mỏi vô cùng. Một điều quan trọng khác bạn cần lưu ý khi đối phó với bệnh sốt xuất huyết là virus có thể khiến hệ tiêu hóa của cơ thể bạn yếu đi, do đó điều quan trọng là phải tránh thức ăn cay và nhiều dầu mỡ trong thời gian bị nhiễm bệnh”, BS. Hưng khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận