Chất lượng sống

Nước mắm Hạnh Phúc lập lờ thu hồi sản phẩm lỗi

04/04/2016, 07:55

Dù đã thừa nhận lô sản phẩm lỗi nhưng doanh nghiệp nước mắm Hạnh Phúc vẫn lập lờ công bố thu hồi sản phẩm.

20140619-nuoc-mam-hanh-phuc-bi-ket-tua-0

Sau 20 ngày, DN Hạnh Phúc nhận thông tin sản phẩm lỗi, người tiêu dùng vẫn chưa được đổi chai nước mắm đóng cặn

Liên tục thoái thác

Báo Giao thông đã đưa tin, thời gian vừa qua người tiêu dùng phát hiện nước mắm Hạnh Phúc có lắng cặn trắng ở đáy chai, dù vẫn chưa sử dụng. Trước thông tin này, đại diện doanh nghiệp (DN) tư nhân chế biến thực phẩm Hạnh Phúc cũng đã thừa nhận: “Trong thời gian giáp Tết năm 2016, chúng tôi phát hiện lô sản phẩm bị lỗi trong phòng lưu mẫu của công ty có hiện tượng kết tủa lơ lửng ở đáy chai...”. Tuy nhiên, việc thu hồi mới chỉ  được Hạnh Phúc triển khai ở phạm vi thông báo đến các đầu mối bán hàng.

Chỉ tới khi sự việc được Báo Giao thông phản ánh, ngày 28/3, đại diện DN Hạnh Phúc mới cho biết, họ sẽ công bố thông tin thu hồi sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng ngay trong tuần này. Tới chiều 1/4, khi được hỏi, đại diện DN Hạnh Phúc khẳng định: “Đã đăng tải trên báo chí”. Tuy nhiên, khi PV đề nghị gửi văn bản công bố thu hồi sản phẩm, đại diện DN Hạnh Phúc lại tìm mọi cách để thoái thác.

Về phía người tiêu dùng phát hiện và phản ánh hiện tượng nước mắm Hạnh Phúc đóng cặn, chị Tuyết Thanh (Lương Văn Can, Hà Nội) cho biết, đã nhiều lần liên hệ trực tiếp với DN nước mắm Hạnh Phúc và đã nhận hứa hẹn đổi trả sản phẩm mới. “Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (sau hơn 20 ngày DN tiếp nhận thông tin), chị vẫn chờ đợi DN thực hiện lời hứa.

Phải thông báo thu hồi tới cơ quan chức năng

Công văn trả lời

Công văn thừa nhận sản phẩm lỗicủa doanh nghiệp nước mắm Hạnh Phúc

Theo ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), khi phát hiện lỗi sản phẩm, DN cần phải tuân thủ đúng quy trình thu hồi. Theo đó, không chỉ công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, DN còn phải gửi văn bản công bố thu hồi tới cơ quan chức năng quản lý.

Cụ thể, theo Thông tư về quy định thu hồi và xử lý sản phẩm khi phát hiện sản phẩm không bảo đảm an toàn, DN phải thực hiện các bước sau: Ngay lập tức thông báo tới toàn hệ thống sản xuất, kinh doanh (nhà máy sản xuất, các kênh phân phối, đại lý, cửa hàng) dừng việc lưu thông, đồng thời tiến hành niêm phong sản phẩm; Trong vòng 1 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện sản phẩm không bảo đảm an toàn, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm phải ra thông báo kèm theo kế hoạch thu hồi sản phẩm tới toàn hệ thống sản xuất, kinh doanh sản phẩm và cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không đồng ý với thông báo và kế hoạch thu hồi, trong vòng 1 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo thu hồi, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân điều chỉnh thông báo và kế hoạch thu hồi, trong văn bản phải nêu rõ lý do điều chỉnh; Căn cứ nội dung thông báo thu hồi, kế hoạch thu hồi và yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để theo dõi, giám sát việc thu hồi. Trong vòng 3 ngày làm việc sau khi hoàn thành việc thu hồi sản phẩm, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm phải báo cáo bằng văn bản toàn bộ kết quả thu hồi tới cơ quan có thẩm quyền...

Về lô nước mắm bị lỗi, DN chế biến thực phẩm Hạnh Phúc thừa nhận: “Trong quá trình sản xuất có sơ suất không phát hiện kịp thời và không đủ thời gian ổn định, loại bỏ hoàn toàn chất kết tủa đã nóng vội đóng chai nên sau đó hiện tượng kết tủa lại xuất hiện. Thành phần này phải được loại bỏ trong giai đoạn lọc tinh trước khi đóng chai".

Mặt khác, theo ông Tuấn, DN không chỉ có trách nhiệm thu hồi với những sản phẩm lỗi đang bán trên thị trường, mà còn phải có trách nhiệm bồi thường đối với người tiêu dùng khi đã mua và sử dụng sản phẩm đó. “Chính sách đền bù còn phải tùy thuộc vào mức độ, hậu quả từ sản phẩm lỗi. Cụ thể, với thực phẩm thì phải xem xét liệu có  gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng hay không?”.

Thậm chí, ông Tuấn còn đặt ra trường hợp, DN không thể bồi thường tới từng khách hàng, cần phải lập khoản quỹ quay trở lại phục vụ lợi ích của người tiêu dùng. Trở lại vụ việc của DN Hạnh Phúc, dù đã thừa nhận lô sản phẩm lỗi nhưng  hành động thu hồi tới nay vẫn còn là nghi vấn! Phải chăng đây là thái độ coi thường người tiêu dùng, coi thường pháp luật của DN Hạnh Phúc(!?).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.