Hai người may mắn thoát nạn vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ xả súng |
Vụ việc một lần nữa dấy lên những tranh cãi về vấn đề sử dụng súng và người nhập cư.
Nghi phạm nằm trong tầm ngắm của FBI
Vụ việc xảy ra tại câu lạc bộ dành cho người đồng tính Pulse tại TP. Orlando, bang Florida, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 53 người khác bị thương. Thủ phạm là Omar Mateen, 29 tuổi, người Mỹ gốc Afghanistan. Hiện nay, Cơ quan Điều tra liên bang (FBI) đang phối hợp với cảnh sát địa phương điều tra động cơ thảm sát. Nhưng trong bài phát biểu, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói đây là vụ “tấn công khủng bố và thù hận”.
Mateen được biết là người tập luyện thể hình, làm nghề bảo vệ cho công ty G4S - một trong những công ty an ninh tư nhân lớn nhất thế giới. Tên này cũng là tín đồ Hồi giáo ngoan đạo, thường xuyên đến nhà thờ Hồi giáo địa phương với con trai vào lúc tối muộn. Đạo Hồi vốn không chấp nhận đồng tính, coi đây là hình thức gian dâm và có thể bị trừng phạt bằng cái chết.
Ông Mir Seddique, cha của nghi phạm bàng hoàng khi biết sự việc con trai gây nên: “Xin gửi lời xin lỗi vì toàn bộ sự việc. Chúng tôi không hề biết những hành động mà con trai gây ra. Chúng tôi cũng bàng hoàng và sốc như người dân cả nước Mỹ”.
Ông Mir Seddique cho rằng, vụ xả súng không liên quan tới tôn giáo. Theo ông, một vài tháng trước, Mateen từng rất tức giận khi nhìn thấy hai người đàn ông hôn nhau tại Miami. Do đó, có thể đây là vụ tấn công vì thù ghét người đồng tính. Còn vợ cũ của Mateen cho rằng chồng cũ là người bạo lực, tâm thần bất ổn và thường xuyên đánh đập vợ khi hai người còn “chung một nhà”.
Đáng chú ý, Reuters trích lời Ronald Hopper - một đặc vụ FBI cho biết, cơ quan này từng hai lần thẩm vấn Mateen vì nghi ngờ có quan hệ với thánh chiến Hồi giáo, khi nhiều lần bình luận mang tính kích động các đồng nghiệp tại G4S, kêu gọi trung thành với thánh chiến. Cũng theo đặc vụ Hopper, Mateen từng kêu gọi tấn công hàng loạt để thể hiện sự trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS).
Cảnh báo an toàn tại các câu lạc bộ
Vụ xả súng đẫm máu là hồi chuông cảnh báo người dân Mỹ cần cẩn trọng khi tham gia vui chơi tại những câu lạc bộ đêm đông đúc và ồn ã. Ông J. Pete Blair, Giáo sư Đại học Texas chuyên đào tạo quan chức thực thi pháp luật chống bạo động cho biết, các vụ xả súng hàng loạt sẽ gây thương vong lớn khi xảy ra tại những nơi đông đúc, dẫn đến khó trốn thoát. Ngoài ra, tiếng ồn tại những địa điểm như vậy cũng là một nguyên nhân. Theo phân tích, khi nghi phạm Mateen xả súng, một người cho biết, anh nghe thấy tiếng súng nhưng tưởng nhầm đó là tiếng pháo hoa; một người khác cho biết, họ tưởng đây là tiếng nhạc.
LTheo CNN, dân số Mỹ chỉ chiếm 5% tổng dân số toàn thế giới; nhưng xảy ra 31% tổng số vụ xả súng hàng loạt trên thế giới... Số lượng thương vong trong các vụ xả súng có xu hướng tăng dần: Năm 1984, vụ thảm sát tại Nhà hàng McDonald, quận San Ysidro, TP San Diego khiến 21 người chết. Năm 1991, vụ xả súng tại nhà hàng Luby’s ở bang Texas, khiến 23 người thiệt mạng. Năm 2007, xảy ra vụ tấn công tại Virginia Tech khiến 32 người thiệt mạng. Năm 2012, xả súng tại Trường Tiểu học Sandy Hood (Connecticut) khiến 26 người thiệt mạng. Tháng 12/2015, một cặp vợ chồng có liên quan tới Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công tại San Bernardino, California khiến ít nhất 14 người thiệt mạng. |
Một vấn đề khác đặt ra: Tại sao mất đến 3 giờ đồng hồ sau khi Mateen tấn công, cảnh sát mới chặn được tay súng. Giáo sư Đại học Alabama, ông Adam Lankford chuyên nghiên cứu các vụ xả súng hàng loạt cho biết, đây là khoảng thời gian dài bất thường. Trong khoảng thời gian đó, sau phát súng đầu tiên, Mateen đã chạy ra bên ngoài sau đó lại chạy vào và “bắt giữ con tin”. Tổng thời gian cảnh sát phản ứng cũng là yếu tố ảnh hưởng tới số lượng người thương vong, ông Lankford nói.
Tranh cãi gay gắt
Bên cạnh những nghi vấn còn chưa sáng tỏ, vụ xả súng tại Orlando làm dấy lên cuộc tranh cãi chính trị. Trong khi đảng Dân chủ lấy vụ xả súng làm ví dụ để kêu gọi tăng cường kiểm soát súng đạn; đảng Cộng hòa lại kêu gọi giải quyết vấn đề “khủng bố Hồi giáo cực đoan”. Cùng một sự việc nhưng quan điểm chính trị bất đồng.
Điều này thể hiện rõ qua tuyên bố của các ứng viên Tổng thống. Ứng viên Donald Trump lấy đây làm minh chứng khẳng định dự báo của ông về người tị nạn với nguy cơ khủng bố tại Mỹ là đúng. Ông cho rằng, chính sự yếu kém của Chính phủ đã để tình hình ngày càng tồi tệ và kêu gọi Tổng thống Obama từ chức. Về phía đảng Dân chủ, ứng viên Hillary Clinton kêu gọi: “Vụ xả súng một lần nữa nhắc nhở chúng ta không nên để cuộc chiến súng đạn diễn ra trên đường phố nước Mỹ”.
Sau vụ việc đau thương, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa kêu gọi nước Mỹ hãy siết chặt quản lý súng đạn. Trước đây, khi nhắc đến các nạn nhân bị thiệt mạng dưới nòng súng, ông Obama không kìm được nước mắt. Tháng 1/2016, ông Obama công bố kế hoạch hạn chế bạo lực do súng tại Mỹ. Trong đó, sẽ siết chặt kiểm soát các đại lý bán lẻ tư nhân cần phải có giấy phép và kiểm tra lý lịch người mua trước khi bán; tăng cường thêm 230 nhân viên FBI kiểm tra ký lịch người mua súng; tăng quỹ chăm sóc sức khỏe người mắc bệnh tâm thần; nghiên cứu công nghệ súng an toàn...
Được biết, hung khí Mateen sử dụng trong vụ tấn công là một khẩu súng trường bán tự động AR-15 và một khẩu súng ngắn 9mm. Cả hai đều được Mateen mua hợp pháp tại Florida trong tuần trước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận