Đời sống

Nước sạch ở Hà Nội nặng mùi hóa chất, người dân cần làm gì?

12/10/2019, 18:27

Khi thấy nguồn nước có mùi khó chịu xộc lên, người dân không nên sử dụng trực tiếp mà cần cho vào bồn chứa trong vài giờ.

img
Liên tiếp từ ngày 10/10 tới nay, người dân tại nhiều quận ở Hà Nội phản ánh tình trạng nước sinh hoạt bốc mùi khó chịu

Vẫn chưa có kết quả xét nghiệm chính thức

Liên tục từ ngày 10/10 tới nay, hàng loạt hộ dân các quận Thanh Trì, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm... phản ánh tình trạng nước sinh hoạt bốc mùi nặng. Tới trưa nay, 12/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, Chị Nguyễn Thị Hạnh, cư dân tòa nhà HUD Linh Đàm cho biết, tình trạng sặc mùi clo vẫn diễn ra khi mở vòi nước.

“Trước hiện tượng trên, tối qua (11/10), Ban quản lý tòa nhà đã cung cấp nước ăn tạm thời cho cư dân, tuy nhiên nước sinh hoạt vẫn sử dụng bình thường, không rõ có làm sao hay không?”, chị Hạnh cho biết. Cũng theo chị Hạnh, cư dân tòa nhà bên cạnh đã tự ý mang mẫu nước đi xét nghiệm nhưng kết quả không được chính quyền công nhận.

Tại thông báo gửi tới khách hàng, Công ty Cổ phần Ðầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (VIWACO), đơn vị cung cấp nước, cho biết đã báo cáo cơ quan quản lý chuyên môn như Sở Xây Dựng Hà Nội, Trung tâm kiểm soát bện tật thành phố Hà Nội.., đồng thời yêu cầu đơn vị cấp nguồn là Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) khẩn trương kiểm tra làm rõ sự việc và có văn bản trả lời kịp thời về sự việc trên.

Mặt khác, VIWACO yêu cầu Viwasupco phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội tiến hành lấy mẫu nước xét nghiệm tại vị trí đầu nguồn cấp nước của VIWACO để tiến hành kiểm tra, phân tích nhằm mục đích tìm ra nguyên nhân của vấn đề.

Trong chiều qua, 11/10, đoàn liên ngành TP. Hà Nội gồm Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP và các đơn vị cung cấp nước sạch sông Đà đã đi kiểm tra, lấy mẫu nước tại ba địa điểm: Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm); bể chứa trung gian tại huyện Thạch Thất; và tại Nhà máy nước sông Đà (tỉnh Hoà Bình).

Đại diện đoàn kiểm tra, ông Lê Văn Du, Phó phòng Hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) nhận định nguyên nhân ban đầu khiến nước sinh hoạt có mùi nặng là bởi có thể trong quá trình vận hành đơn vị sản xuất đã sử dụng lượng Clo quá quy chuẩn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính thức vẫn phải đợi kết quả kiểm tra của Trung tâm kiểm soát bệnh tật.

Trong khi đó, ông Vũ Đức Toản, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà khẳng định, nhà máy nước sạch sông Đà đang vận hành bình thường theo đúng quy trình "đảm bảo chất lượng nước đầu ra theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế". Theo vị này, công ty đang phối hợp với đơn vị độc lập để kiểm tra chất lượng nước. Đoàn kiểm tra liên ngành dự kiến sau 7 ngày sẽ có kết quả kiểm tra chất lượng nước sông Đà.

img
Người dân tại tại chung cư HUD3 Linh Đàm xếp hàng lấy nước để nấu ăn

Không sử dụng trực tiếp khi thấy nước có mùi nồng nặc

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Trần Hồng Côn, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, clo là hóa chất khử trùng chủ yếu sử dụng trong hệ thống cung cấp nước cộng đồng cỡ nhỏ ở nhiều quốc gia. Việc khử trùng nước uống nhằm ngăn cản các bệnh lan truyền qua đường nước.

Theo ông Côn, nếu đúng chuẩn, lượng clo dư trong nước sẽ bốc hơi trong quá trình đun nấu, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Trường hợp nước nhiễm vi sinh thì đa phần cũng sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, với clo vượt quá chuẩn thì tùy nồng độ mà tác động đến sức khỏe khác nhau.

“Nếu không đảm bảo lượng clo 0,3 - 0,5mg/lít trong đường ống thì không tiêu diệt hết vi khuẩn, chất hữu cơ. Nước thiếu clo gây nguy cơ nhiễm bệnh nhưng nếu hàm lượng quá cao cũng tác động đến sức khỏe con người. Lượng clo trong nước trên 1mg/lít sẽ gây dị ứng. Một số người nhạy cảm với clo sẽ có triệu chứng khó thở, chảy nước mắt, cảm thấy ngộp thở…”.

Qua đây, vị chuyên gia khuyến cáo: Khi thấy nguồn nước có mùi khó chịu xộc lên mũi, người dân chịu khó cho nước ra bồn chứa khoảng vài giờ. Trong thời gian đó, lượng clo sẽ bay hơi hết. Ngoài ra, cũng có thể loại bỏ clo dư trong nước sinh hoạt bằng cách dùng than hoạt tính.

"Carbon của than hoạt tính phản ứng trực tiếp với clo giúp loại bỏ clo và các hợp chất clo bằng cơ chế hấp thụ bề mặt. Khi phát tia cực tím với cường độ cao, bức xạ quang phổ rộng của tia cực tím sẽ làm giảm clo tự do", ông Côn cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.