Kiểm tra từng mét đê, khẩn trương sơ tán người dân
Sáng 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan tiến hành thị sát, kiểm tra tại một số vị trí đê xung yếu trên sông Thái Bình, sông Kinh Thầy thuộc địa bàn TP Chí Linh và huyện Nam Sách.
Qua kiểm tra thực tế, ông Lê Ngọc Châu yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai phương án sơ tán người dân tại những khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông.
Các điểm sơ tán phải bảo đảm an toàn, đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, bảo đảm an toàn cho người dân là trên hết.
Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các ngành và địa phương liên quan căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý.
Lúc 7h sáng 10/9, mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại đạt 5,07m, trên mức báo động II 0,07m. Đây là mực nước cao nhất ghi nhận trên sông Thái Bình tại địa bàn tỉnh Hải Dương trong 16 năm qua.
Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại có phương án xử lý ngay các cửa xả nước của nhà máy bảo đảm an toàn mực nước cho diện tích sản xuất nông nghiệp phía trong đê. Nếu cần thiết phải đóng một số tổ máy để bảo đảm an toàn.
Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, các điểm xung yếu, phân công rõ người, rõ việc kiểm tra từng mét đê; chủ động phát hiện, xử lý những điểm mạch đùn, mạch sùi và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu có sự cố. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu có thể xảy ra; thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo đúng quy định.
Cũng trong buổi sáng 10/9, kiểm tra tại thôn Lấu Khê (xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), ông Hồ Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách cho biết: “Đây là khu vực xung yếu nhất của huyện. Đến 10h cùng ngày, nước lũ đã ngập đến đường vào thôn, tuy nhiên, phía trong khu dân cư do ở gò cao nên chưa bị nước tràn vào”.
Trước tình hình nước lũ ngày một dâng cao, chủ tịch UBND huyện Nam Sách đã chỉ đạo di dời 800 nhân khẩu thôn Lấu Khê trong ngày hôm nay vào nơi tạm lánh an toàn.
"Ba trước" của lực lượng công an
Trước diễn biến hết sức phức tạp của tình hình mưa, lũ, trên tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, trưa 10/9, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương Bùi Quang Bình đã phát lệnh trực 100% quân số, huy động tối đa mọi nguồn nhân lực, vật lực để tập trung khắc phục hậu quả của bão số 3 và chủ động ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất.
Theo đó, để chủ động ứng phó với từng cấp độ của mưa lũ, Công an tỉnh Hải Dương thực hiện theo phương châm “ba trước” (chủ động phòng chống trước; phát hiện xử lý trước; phương tiện, vật tư chuẩn bị trước) và “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ), lực lượng Công an cấp xã đang tiến hành tuyên truyền, vận động và khẩn trương sơ tán người dân tại các điểm xung yếu và các xã có đê đến nơi an toàn.
Lực lượng Cảnh sát giao thông công an toàn tỉnh đang phối hợp với công an cấp xã tăng cường tuần tra, canh gác nắm tình hình diễn biến của các đê kè, các trọng điểm xung yếu về đê điều, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành, đặc biệt là các cống qua đê, kịp thời phát hiện và xử lý mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống ngay từ giờ đầu; cảnh báo người dân để chủ động phòng, tránh, di chuyển ngay toàn bộ vật tư, phương tiện, thiết bị, tài sản ngoài bãi sông, trên sông.
Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống cầu, cống trên địa bàn; triển khai chốt chặn, hướng dẫn, phân luồng, cắm biển cảnh báo, điều tiết giao thông, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện qua các điểm xung yếu, các khu vực tràn, ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở, hoặc nguy cơ sạt lở; kiên quyết không để người và phương tiện lưu thông khi không đảm bảo an toàn.
Đã bố trí lực lượng quản lý chặt chẽ các bến bãi ở bãi sông tổ chức cấm tất cả các phương tiện không có nhiệm vụ liên quan đi trên đê trong thời báo động lũ; kiểm tra, thực hiện ngay việc di chuyển tài sản, thanh thải các vật cản lũ ở các bãi sông theo quy định; rà soát công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực để huy động được ngay khi cần.
Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng tiến hành xác minh, xử lý kịp thời các trường hợp tung tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận liên quan đến tình hình mưa, lũ, đê điều trên mạng xã hội để ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận