Xe Limousine ở Quảng Ninh đăng ký chạy hợp đồng nhưng hoạt động theo giờ, tuyến cố định và vô tư dừng đỗ đón, trả khách như xe dù - Ảnh: Hữu Tuấn |
Sau khi hoán cải, những chiếc xe 16 chỗ dù thân vỏ vẫn y nguyên, nhưng trở thành Limousine 9 - 10 chỗ ngồi và thản nhiên di chuyển vào khu vực nội thành, các ngõ, ngách để đón - trả khách. Dù chỉ đăng ký chạy hợp đồng, nhưng nhiều xe Limousine hàng ngày đều chạy một tuyến đường, lộ trình nhất định vào một giờ cố định.
“Hễ bị kiểm tra, cứ nói đi theo hợp đồng”
Một ngày cuối tháng 2, PV Báo Giao thông gọi điện đặt vé của hãng xe Limousine Phúc Xuyên, nhân viên tư vấn cho biết: “Xe Limousine chạy tuyến Quảng Ninh - Hà Nội có điểm trả khách tại Lương Yên - Nhà hát Lớn - Bệnh viện 108; Mỹ Đình - Ngã Tư Sở; Big C Thăng Long - Khuất Duy Tiến, tuy nhiên lái xe có thể linh động chở khách đến tận nơi khách yêu cầu. Nhà xe xếp khách chạy cố định trong hai khung giờ 6h30 và 8h30 hàng ngày”. Nhân viên này còn dặn: “Nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra thì chỉ cần nói là đi theo hợp đồng là được”.
"Để chấn chỉnh tình trạng xe dù, bến cóc trong hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường việc kiểm tra hoạt động của các “xe chạy sớm” và xe chở khách “núp bóng” xe hợp đồng, hoạt động đón, trả khách trái quy định, nhất là các xe Limousine hoán cải chở khách trên tuyến Hà Nội - Quảng Ninh”. Ông Mạc Quảng Giểng “Chúng tôi, những doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định phải chấp hành mọi quy định của Nhà nước về luồng, tuyến, lệ phí bến bãi, chi phí vận hành… Trong khi đó, những xe dù, rồi xe Limousine đăng ký hợp đồng nhưng lại hoạt động như tuyến cố định, chạy không tuân theo bất cứ quy định nào, chẳng phải nộp lệ phí gì đã và đang lấy đi những khách hàng của các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính”. Ông Khúc Hữu Thanh Hải |
Đúng hẹn, chiếc xe Limousine 9 chỗ đến đón PV tại đường Bãi Cháy (TP Hạ Long), sau đó tiếp tục cho xe chạy về phường Hồng Hải, phường Hồng Hà để đón khách. Thậm chí, lái xe còn cho dừng xe chờ và bắt khách tại điểm ngã tư Loong Toòng - bến cóc công khai trong khoảng 5 phút. Gần 4 tiếng sau, chiếc xe này đã vào trung tâm TP Hà Nội để trả khách. Bất chấp đường đông và một số tuyến phố có biển cấm xe khách hoạt động, chiếc xe Limousine vẫn băng băng trên đường và vô tư mở cửa trả khách. Giá vé xe này là 200 nghìn đồng/vé.
Ông Lê Đức Vinh, Đội trưởng Đội TTGT số 2 (Sở GTVT Quảng Ninh) cho biết: “Suy cho cùng, những chiếc xe Limousine này không khác gì xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định. Lực lượng TTGT, CSGT rất khó phát hiện lỗi xe dù của loại xe này vì mỗi khi kiểm tra, chủ xe lại đưa ra “hợp đồng” đón khách ở vị trí đã “thống nhất” với hành khách. Có kiểm soát, xử lý thì chỉ là lỗi chở quá số người hoặc quá tốc độ hay lấn làn”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn, hiện trên địa bàn Lạng Sơn xuất hiện các xe Limousine mang thương hiệu “Ninh Quỳnh Car VIP” thuộc Công ty CP TMDV vận tải Quỳnh Thanh đã được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu xe hợp đồng. Các xe Limousine Ninh Quỳnh Car thường xuyên chạy vòng vo, đón - trả khách trong khu vực TP Lạng Sơn, ngã tư Mỹ Sơn và thị trấn Đồng Đăng… gây ra mất trật tự ATGT. “Sở GTVT Lạng Sơn đã yêu cầu lực lượng CSGT, TTGT tăng cường TTKS, xử lý nghiêm các xe chở khách theo hình thức hợp đồng nhưng lại có biểu hiện vòng vo, dừng đỗ đón, trả khách không đúng với các vị trí đã ghi trên hợp đồng. Sở GTVT Lạng Sơn cũng đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội tăng cường kiểm tra điều kiện kinh doanh các phương tiện của loại xe Limousine “có hợp đồng tuyến Hà Nội - Lạng Sơn và ngược lại”, ông Huy nói.
Xe Limousine ở Thanh Hóa bán vé ghi rõ hành trình, thời gian xe chạy cố định hàng ngày |
Bán vé, ghi sẵn lộ trình
Trong vai một hành khách cần đi từ Thanh Hóa - Hà Nội, chúng tôi đã đến văn phòng hãng xe Limousine Vân Anh ở TP Thanh Hóa và được thông tin, giá vé từ Thanh Hóa đi Hà Nội là 160 nghìn đồng/người và “xe ngày nào cũng chạy, cứ cách một tiếng là có một chuyến”. Nếu khách hàng không ở TP Thanh Hóa mà ở các huyện trên địa bàn có tuyến QL1 đi qua, thì khi nào xe đi qua sẽ đón. Nếu đã đặt vé trước mà không đi, có nhu cầu trả lại vé thì phải trả trước 6 tiếng và bị trừ 30% của giá vé đã mua.
Sau khi trả 160 nghìn đồng, cầm tấm vé tuyến Thanh Hóa - Hà Nội trên tay, chúng tôi thấy tấm “vé” nhỏ trong lòng bàn tay này nửa như một dạng hợp đồng cá nhân, nửa như một tấm vé vận tải khách tuyến cố định. Bởi mặt trước tấm “vé” có đánh thứ tự số hợp đồng, ghi rõ bên A và bên B “Thỏa thuận” vận tải một hành khách (ghi thời gian đi và số ghế); Nhưng phía sau của tấm “vé” thì có thời gian biểu lịch trình chạy xe tuyến Thanh Hóa - Hà Nội ở các khung giờ từ 3h30, 4h, 6h, 7h…17h và chiều đi từ Hà Nội - Thanh Hóa từ 6h, 7h, 8h, 9h… 20h.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vương Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, theo quy định hiện hành, những xe 9 chỗ không phải thông báo lộ trình điểm đi và đến, còn những xe từ 10 chỗ trở lên mới thông báo cho Sở. Nhìn tấm “vé” hợp đồng của hãng Vân Anh, ông Vương Quốc Tuấn khẳng định: “Xe hợp đồng không được bán vé dưới mọi hình thức. Tấm vé mà hành khách có để lên xe là dạng bản hợp đồng, đây là một hình thức trá hình”.
Theo ông Tuấn thì loại hình vận tải xe Limousine này mới hoạt động thời gian gần đây, nên phía Sở đã có văn bản chỉ đạo lực lượng TTGT rà soát, xử lý những đơn vị có xe đăng ký hợp đồng không tuân thủ theo quy định mà bán vé dưới mọi hình thức; xe dừng đỗ để đón khách tại những điểm tuyến không cho phép.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Lương, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: “Nếu đúng như phản ánh thì chúng tôi sẽ xác minh và xử lý theo đúng quy định. Đối với các đơn vị doanh nghiệp kinh doanh bằng hình thức vận tải này, chúng tôi sẽ thành lập các tổ để thanh tra tại các đơn vị xem có việc bán vé hay không”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận