Đã lường trước việc sụt lún
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ - chủ đầu tư dự án kè bờ sông Cần Thơ, ứng phó biến đổi khí hậu vừa có báo cáo nhanh về hiện tượng nứt dọc cục bộ tại một số vị trí trên đường sau kè, thuộc gói thầu số 4.
Gói thầu này dài hơn 1,2km gồm phần kè và đường sau kè nằm trên địa bàn quận Cái Răng và huyện Phong Điền. Ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, phần vỉa hè sau kè bị sụt lún làm lệch, vỡ gạch lát vỉa hè ở nhiều đoạn.
Tình trạng này kéo dài trên hầu hết phần vỉa hè của tuyến kè thuộc xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền. Theo lãnh đạo xã Nhơn Nghĩa, công trình kè này hoàn thành vào cuối năm 2023, việc sụt lún gây nứt vỉa hè mới xảy ra gần đây.
Ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ cho biết, nguyên nhân chính làm nứt dọc tại một số vị trí là do lún lệch cục bộ giữa hai phần vỉa hè.
Cụ thể, trên vỉa hè có hai phần gồm: phần trên bản đáy tường kè, phần này trên hệ cọc bê tông cốt thép ổn định và không bị lún, phần còn lại bị nứt do nằm trên nền đất yếu, lớp cát đắp cao 2,2m.
Mặt khác, do nền cát đắp phía sau tường kè theo hồ sơ thiết kế không xử lý nền đất yếu dẫn đến việc lún cố kết tự nhiên theo thời gian.
Lý giải thêm vấn đề này, ông Cường cho biết, hạng mục đường phía sau kè theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt chỉ đắp cát trên nền đất yếu.
Nếu phương án xử lý lún trước theo quy trình thì rất tốn kém kinh phí, không khả thi. Hơn nữa đây chỉ là hạng mục cho xe máy, người đi bộ đi và không cho ô tô lưu thông.
Do đó, phương án chấp nhận cho nền đường lún theo thời gian. Nhà thầu sẽ sửa chữa bù cát và lát gạch lại trong quá trình bảo hành công trình.
Khi dự án được bàn giao, đơn vị quản lý sử dụng tiếp tục quản lý theo dõi. Nếu quá trình khai thác sử dụng lún tiếp thì duy tu bảo dưỡng thường xuyên đến khi nền đường ổn định hết lún.
"Toàn bộ hạng mục kè bê tông cốt thép được thi công hoàn toàn đảm bảo chất lượng đúng theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt và ổn định", ông Cường khẳng định.
Thế nào là "lún có tính toán"?
Qua tìm hiểu của PV, theo quy định, nhiều công trình xây dựng, nhất là công trình giao thông được phép chờ theo dõi lún trong quá trình gia tải. Giai đoạn này là để ổn định nền đất đắp, đảm bảo chất lượng cho công trình.
Anh Nguyễn Tấn Duy, một kỹ sư xây dựng đang làm việc ở Kiên Giang cho biết: "Một số công trình đã có tính toán ngay từ khâu thiết kế đã tính toán việc sụt lún.
Khi thi công xong, hoàn thành thử tải nhưng khi đưa vào sử dụng vẫn bị lún. Nhưng việc sụt lún này vẫn nằm trong giới hạn tính toán và được phép".
Anh Duy cũng cho biết, một số công trình thay vì chờ lún xong mới thi công tiếp nhưng vẫn hoàn thành rồi chờ lún để đảm bảo tiến độ thi công. Hoặc trong một số trường hợp còn giảm chi phí. Dù vậy, việc sụt lún này đều được nhà thầu tính toán và có phương án xử lý phù hợp.
Nói rõ thêm vấn đề này, một cựu cán bộ Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ cho biết: "Trong thi công các công trình có cho phép thời gian thử tải công trình để kiểm tra đất nền. Quá trình này có bao gồm theo dõi và xử lý lún.
Và trong giai đoạn này nhà thầu chưa bàn giao công trình. Sau khi hết thời gian chờ lún, nhà thầu sẽ kiểm tra bù lún để hoàn tất theo đúng hồ sơ thiết kế.
Những vấn đề này đều nằm trong tính toán và phương án thi công của nhà thầu".
Và cựu cán bộ Sở Xây dựng này cho biết thêm, thời gian chờ lún còn phụ thuộc vào cấp độ hay quy mô của công trình.
Trả lời câu hỏi của PV, tại sao không chờ lún xong mới hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng? Cựu cán bộ này cho biết do điều kiện thi công ở nước ta có những đặc thù riêng.
"Ví dụ như thi công đường ở nước ta mới đổ đá lên là đã có xe chạy rồi, không thể nào chờ đủ thời gian để hoàn tất theo hồ sơ thiết kế.
Có những con đường phải thi công một bên, cho xe lưu thông một bên. Do điều kiện như vậy nên phải có phương án thi công phù hợp", ông nói.
Gói thầu số 4, dự án kè bờ sông Cần Thơ, ứng phó biến đổi khí hậu dài hơn 1,2km, có tổng mức đầu tư hơn 146 tỷ đồng. Trong đó bao gồm nhiều hạng mục như kè, đường sau kè, cống thoát nước, chiếu sáng...
Còn toàn dự án có tổng chiều dài hơn 5,1km, bao gồm cả bờ phải và bờ trái sông Cần Thơ. Dự án được chia làm bốn gói thầu với tổng mức đầu tư hơn 1.095 tỷ đồng từ vốn ODA do Cơ quan Phát triển Pháp tài trợ một phần và vốn đối ứng của thành phố.
Dự án khởi công từ năm 2016, do vướng mặt bằng nên dự án nhiều lần được gia hạn, tiến độ toàn dự án hiện đạt khoảng 95%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận