Trong số đó đa phần là xe SUV, minivan và các mẫu xe sang cỡ lớn. Cảnh tượng này khiến không ít người tròn mắt ngạc nhiên. Nói ngạc nhiên là bởi nó hoàn toàn trái ngược với thực tế Nga đang bị bủa vây vì các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đơn đặt hàng tăng gấp 3
Mặc dù Nhật Bản và nhiều nước phương Tây đã và đang áp các lệnh trừng phạt kinh tế với Moscow sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, nhưng hoạt động xuất khẩu ô tô cũ từ Nhật Bản tới khu vực Viễn Đông của Nga đã tăng gấp 3 kể từ khoảng tháng 5. Gần đây, trung bình, mỗi tháng có khoảng 17.000 - 18.000 chiếc ô tô đã qua sử dụng được nhập từ Nhật Bản về Nga.
Ông Viktor Lutsyk, 32 tuổi, người đứng đầu bộ phận vận tải hàng của một công ty quản lý cơ sở vật chất tại Nga cho biết, hiện nay đang diễn ra tình trạng bị thiếu kho bãi chứa vì lượng xe nhập khẩu từ Nhật Bản cùng nhiều nước khác tăng mạnh.
Theo ông, công ty đang cân nhắc mở rộng kho bãi hoặc xây dựng cơ sở tạm thời ở vùng ngoại ô. Nhiều công ty khác đang hoạt động tại cảng cũng đối mặt với tình trạng tương tự. Không ít công ty Nga phải hạn chế lượng đơn.
Ô tô cũ nhập từ Nhật Bản và Hàn Quốc được xếp tại cảng Vladivostok
Đại diện của một công ty logistics cho biết, thông thường công ty này dùng 2 tàu hàng để vận chuyển khoảng 2.000 ô tô cũ từ Nhật Bản mỗi tháng. Tuy nhiên, hiện tại họ không thể tăng khả năng vận tải do dịch vụ vận tải hàng rất hạn chế, còn cảng Vladivostok đang tập kết quá nhiều hàng.
Ông Dmitriy Zabora, 38 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng Carwin PLC, có trụ sở tại Vladivostok cho biết, đang rất bế tắc vì tình hình biến động liên tục.
Khi chiến sự mới nổ ra, Carwin PLC phải tạm dừng nhận một số đơn hàng vì lo ngại chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine khiến nhu cầu biến động mạnh.
Nhưng khi nối lại hoạt động nhập khẩu vào tháng 4, đơn hàng ồ ạt đổ về. Họ đã nhận khoảng 300 đơn hàng vào tháng 6, cao gấp 3 so với trước khi xảy xung đột. Công ty phải hạn chế lượng đơn xuống mức 200 vì không thể đáp ứng nhu cầu.
Đơn hàng tăng đột ngột còn dẫn đến chậm trễ trong việc sắp xếp tàu hàng, cơ sở kho bãi cũng như giải quyết thủ tục hải quan.
Hiện tại, có khoảng 40.000 - 45.000 phương tiện đã được đặt nhưng đang chờ vận chuyển lên tàu từ Nhật xuất sang Nga.
Tình hình càng trầm trọng hơn sau khi tàu chở hàng của Nga chứa đầy ô tô cũ đã bốc cháy trong khi đang trên đường từ cảng Fushiki tới Vladivostok hồi cuối tháng 6.
Nguyên nhân nằm ở… đồng ruble
Các công ty Nga đang vận hành tại cảng Vladivostok cho biết, họ không thể tăng sản lượng nhập khẩu ô tô cũ từ Nhật Bản và Hàn Quốc vì kho bãi quá tải
Lý do chính dẫn đến tình trạng đơn hàng lên xuống đột ngột là vì đồng ruble biến động mạnh sau khi xảy ra chiến sự tại Ukraine.
Trước khi xảy ra xung đột, một đồng ruble tương đương khoảng 1,5 yên Nhật. Từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hôm 24/2, nhiều công ty nước ngoài đã rời khỏi Nga, dừng hoạt động xuất, nhập khẩu liên quan tới đất nước này do e ngại một loạt các lệnh trừng phạt.
Trước lo ngại đó, triển vọng kinh tế Nga u ám, đồng ruble đã lao dốc không phanh, xuống tương đương chưa đến 0,9 yên.
Sau đó, dù sụt giảm mạnh về nhập khẩu nhưng hoạt động xuất khẩu của Nga về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và nhiều nguồn tài nguyên khác, vốn là những nguồn thu từ nước ngoài quan trọng lại không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí còn tăng cao vì giá nhiên liệu tăng.
Trong khi đó, để đáp trả các lệnh trừng phạt từ phương Tây và đồng minh, Nga buộc các nước không thân thiện phải thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble. Do đó, đồng ruble tăng giá trị.
Kể từ cuối tháng 4, đồng ruble tăng trở lại có lúc lên mức 1 đồng ruble đổi khoảng 2,5 yên và nay đang giữ ở mức khoảng 2,3 yên.
Do đó, giá xe cũng biến động theo. Trước khi xảy ra chiến sự, một chiếc xe cũ trị giá khoảng 3 triệu yên tại Nhật Bản sẽ có giá khoảng 2 triệu ruble. Sau khi chiến sự nổ ra, giá xe cũ này có thời điểm tăng vọt lên 3,3 triệu ruble. Còn nay, giảm xuống chỉ 1,2 triệu ruble. Giá ô tô tại Nhật càng cao thì người mua ở Nga lại càng được lợi.
Mặt khác, hoạt động sản xuất ô tô toàn cầu vẫn đang bất ổn vì thiếu chip bán dẫn và nhiều phụ tùng khác trên quy mô toàn cầu, dẫn đến nhu cầu mua xe ô tô cũ tăng cao.
Theo báo Asahi, Nhật Bản đã áp rất nhiều lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga như lệnh cấm xuất khẩu ô tô sang trị giá hơn 6 triệu yên, xe tải tầm trung, xe tải cỡ lớn và các loại xe khác… Nhưng theo các chuyên gia, trong đó có ông Hiroshi Sato - Chủ tịch Hiệp hội Ô tô cũ, các lệnh trừng phạt từ Nhật Bản với Nga ít tác động.
“Tại thời điểm này việc chuyển tiền từ Nga sang Nhật Bản vẫn rất suôn sẻ. Xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì chừng nào đồng ruble còn mạnh”, ông Sato nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận