• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
ATGT địa phương

Ô tô điện nghênh ngang trên đường quê

27/09/2016, 12:19
image

Thời gian qua, trên địa bàn xã Hải Thanh và Hải Bình xuất hiện hàng chục chiếc ô tô điện...

1

Xe điện đón học sinh trường Tiểu học Hải Thanh, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa tan trường trưa 26/9 - Ảnh: Phúc Tuấn

Thời gian qua, trên địa bàn xã Hải Thanh và Hải Bình (thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) xuất hiện hàng chục chiếc ô tô điện ngang nhiên chạy khắp các tuyến đường chở học sinh, công nhân, rước dâu, chở hàng hóa… Những chiếc xe không đăng ký, đăng kiểm, chạy trên những tuyến đường không được phép hoạt động đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT.

Rẻ và tiện

Trưa 26/9, tại cổng trường tiểu học xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia), hàng trăm học sinh tan học ùa ra, rồi hàng chục em nhanh nhẹn leo lên những chiếc xe ô tô điện đang chờ sẵn ở cổng. Em Tiến, một học sinh của trường vui vẻ cho hay: Bố mẹ trả tiền hàng tháng để em đi ô tô điện đến trường và về nhà. “Rẻ lắm mà tiện nữa, bố mẹ em không phải đưa đón”, Tiến nói.

Có mặt tại xã Hải Thanh và xã Hải Bình (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) PV Báo Giao thông ghi nhận có tới hàng chục chiếc ô tô điện chở học sinh đi học, chở công nhân đi làm, chở hàng hóa và cả dịch vụ cưới hỏi… Quan sát, PV nhận thấy, trong số những chiếc ô tô điện có cả mới và cũ, có chiếc còn dán chữ “song hỷ” kèm theo đó là số điện thoại của chủ xe nằm chềnh ềnh ven đường hay lượn lờ chở khách như... taxi. Tất cả trông rất náo nhiệt, nhất là những giờ “cao điểm” khi học sinh mầm non, cấp 1 đến trường và tan tầm công nhân đi lại.

Ông Đỗ Xuân Chung, Chủ tịch UBND xã Hải Thanh cho biết, qua thống kê trên địa bàn xã có 27 chiếc ô tô điện được người dân trong xã đầu tư mua với giá trị từ 80 - 100 triệu đồng/xe. “Tình trạng xe ô tô điện xuất hiện trên địa bàn xã từ năm 2015, ban đầu chỉ có 1 – 2 cái, nhưng giờ thì phát triển mạnh hơn. Các hộ mua ô tô điện, Công an xã đều thống kê cập nhật danh sách để tiện theo dõi. Những xe này chủ yếu chở các cháu học sinh mầm non, cấp 1 đi học và công nhân đi làm giày da. Trung bình một ngày, chủ xe thu nhập khoảng 200-500 nghìn đồng. Do hiệu quả kinh tế ổn, nên cũng nhiều hộ vay tiền để mua xe”, ông Chung cho biết thêm.

Theo ông Chung, hiện trên địa bàn xã Hải Thanh có khoảng 700 học sinh mầm non, 1.450 học sinh cấp 1 và trên 1.000 công nhân đều đi lại bằng loại phương tiện này. Có từ 50 - 65% học sinh cấp 1 và công nhân lựa chọn loại xe này để đi lại thường xuyên.

“Thực ra xe ô tô điện này rất tiện ích, không ô nhiễm môi trường, mình cũng nên linh động cho người dân có xe đi làm”, ông Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch UBND xã Hải Bình nhìn nhận.

>>> Xem thêm video:

2

Xe ô tô điện hoạt động trên địa bàn xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa

Nguy cơ TNGT cận kề

Tháng 6/2016 trên địa bàn xã Hải Bình xảy ra một vụ TNGT khi một chiếc ô tô điện 4 bánh cán chết một cháu bé bốn tuổi khi đang qua đường. Trưởng công an xã Hải Bình, ông Đỗ Văn Nghĩa xác nhận, tại địa bàn xã này cũng đã từng có tình trạng tranh giành khách giữa các xe ô tô điện. “Xe ô tô điện 4 bánh hoạt động từ năm 2013 và cho đến nay đã có 32 chiếc đang hoạt động vận chuyển học sinh đi học, rước dâu, người đi làm trên địa bàn. Đúng nguyên tắc, xe này không được phép hoạt động, nhưng do nhu cầu đi lại của người dân, mà phương tiện xe buýt chưa có nên cũng... khó xử lý”, ông Nghĩa cho hay.

Liên quan đến vấn đề các xe điện hoạt động không phép mà không ai xử lý, ông Chung lý giải: “Xã không khuyến khích việc các hộ dân mua xe điện nhưng hiện nay không biết phải xử lý như thế nào, vì không có quy định nào để xử lý đối với xe này (!?).

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Xuân Cường, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cho biết, huyện đã rà soát số lượng xe ô tô điện ở các xã và đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa. “Xử lý loại phương tiện này như thế nào thì tỉnh phải hướng dẫn. Hiện nay, huyện cũng mới dừng ở mức độ nhắc nhở, tuyên truyền chứ không xử phạt”, ông Cường nói.

Theo ông Vương Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa, không chỉ ở Tĩnh Gia, khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (thuộc huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã cho phép xe ô tô điện chạy thí điểm, tuy nhiên chỉ để chở khách du lịch, nhưng xe ô tô điện vẫn “núp bóng” tranh thủ chở học sinh, hàng hóa. Về lượng xe ô tô điện gia tăng ở Tĩnh Gia, Sở đã yêu cầu UBND huyện rà soát, báo cáo. “Tĩnh Gia không phải là khu vực hạn chế, khu vực du lịch cho phép xe ô tô điện hoạt động. Hiện, những xe ô tô điện này chạy theo kiểu tự phát và chủ yếu chạy trên các tuyến đường làng, đường xóm, chưa ai cho phép hoạt động”, ông Tuấn nói.

Ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho hay, Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Sở GTVT Thanh Hóa, Công an tỉnh, Ban ATGT huyện Tĩnh Gia cùng phối hợp xử lý tình trạng xe ô tô điện bùng phát ở Tĩnh Gia. “Hiện, tất cả các xe ô tô điện ở huyện Tĩnh Gia đang hoạt động bất hợp pháp, đề nghị lực lượng Công an huyện và chính quyền địa phương cần phải tăng cường giám sát, xử lý, phòng ngừa TNGT do loại phương tiện này gây ra”, ông Linh nói.

Từ năm 2010, xe điện 4 bánh chở người bắt đầu được thí điểm tại một số địa phương. Sau một thời gian, số xe ô tô điện tự phát tăng nhanh và xuất hiện ở cả địa phương không thuộc diện thí điểm. Ước tính đến nay, có vài nghìn xe ô tô điện đang hoạt động, nhưng hết tháng 8/2016, toàn quốc mới có 294 xe ô tô điện được cấp chứng nhận kiểm định ATKT & BVMT. “Theo quy định, các xe phải có đủ hồ sơ, giấy tờ mới được kiểm tra để cấp chứng nhận ATKT. Nhưng do nhiều xe được đưa vào hoạt động trước thời điểm Thông tư 86 có hiệu lực, Cục đã chủ động tháo gỡ bằng cách kiểm tra thực tế điều kiện của phương tiện, nhưng hầu hết đều không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật”,  ông Trần Anh Quân, Phó trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết.

Theo Ban ATGT tỉnh Hòa Bình, từ đầu năm 2015, xuất hiện khoảng 56 xe ô tô điện ở Khu du lịch Chùa Tiên (huyện Lạc Thủy) và bản Lác (huyện Mai Châu). Hòa Bình là tỉnh chưa được phép sử dụng xe ô tô điện. Bà Bùi Thị Hòa Bình, Trưởng phòng Quản lý và vận tải (Sở GTVT tỉnh Hòa Bình) cho biết, Phòng đã tham mưu cho Sở GTVT ra 4 văn bản chấn chỉnh hoạt động vận tải bằng xe điện trên địa bàn; Trực tiếp làm việc với địa phương để xử lý, chấn chỉnh tình trạng xe điện hoạt động không phép này.

Tại Hải Phòng, lợi dụng việc là một trong những địa phương cho phép hoạt động thử nghiệm loại hình ô tô điện phục vụ du lịch, loại phương tiện này cũng vô tư chạy khắp nơi, phục vụ các mục đích như: Đưa đón học sinh đi du lịch, ăn hỏi, đám cưới… Ông Hoàng Tiến Nam, Chánh thanh tra Sở GTVT Hải Phòng cho biết: “Có trường hợp lực lượng TTGT phát hiện xe ô tô điện vi phạm giao thông nhưng lại không thể xử lý, bởi theo quy định biên bản xử lý VPHC phải ghi đầy đủ BKS của phương tiện vi phạm, nhưng xe vi phạm lại không có BKS cũng như đăng kiểm”.

Huy Lộc - Quỳnh Anh - Việt Hòa

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.