Các công ty Trung Quốc nhanh chóng chớp thời cơ
Trong bối cảnh thị trường Nga cần nguồn cung hàng hóa thay thế sau khi hàng trăm doanh nghiệp quốc tế rút khỏi, nhiều thương hiệu Trung Quốc, từ các hãng điện thoại thông minh cho tới nhà sản xuất ô tô, ghi nhận doanh số tăng vọt tại Nga trong những tháng gần đây.
Theo Counterpoint Research, iPhone và Samsung Galaxy từng là những mẫu điện thoại bán chạy nhất tại Nga nhưng hiện đã bị thay thế bởi các mẫu điện thoại của các công ty Trung Quốc như Xiaomi hay Realme sau khi Apple và Samsung rút khỏi thị trường Nga liên quan tới chiến sự tại Ukraine.
Showroom của hãng ô tô Trung Quốc Chery tại Moscow, Nga. Ảnh - EPA/EFE
Dù từ trước khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, các thương hiệu Trung Quốc đã khá phổ biến tại Nga, chiếm 40% thị phần trong thị trường điện thoại thông minh tại quốc gia này vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Counterpoint, các công ty Trung Quốc đã gần như chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường điện thoại thông minh tại Nga, với 95% thị phần vào một năm sau.
Trong khi đó, Samsung và Apple - hai thương hiệu thường chiếm hai vị trí đầu bảng trong thị trường Nga, ghi nhận tổng thị phần giảm từ 53% xuống còn 3% trong cùng giai đoạn trên.
Ông Jan Stryjak, nhà quản lý tại Counterpoint Research, cho rằng:
Các hãng điện thoại Trung Quốc như Xiaomi, Realme và Honor đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Lượng sản phẩm các công ty này xuất sang Nga lần lượt tăng 39%, 190% và 24% trong quý 3 năm 2022 so với quý trước đó.
Trong 3 công ty trên, Xiaomi là thương hiệu hưởng lợi nhiều nhất khi tăng gấp đôi thị phần tại thị trường Nga trong năm qua và trở thành hãng điện thoại thông minh bán chạy nhất tại xứ sở bạch dương.
Sự thay đổi tương tự thể hiện rõ trên đường phố Nga.
Theo dữ liệu từ S&P Global Mobility, trong năm qua, các hãng sản xuất ô tô Trung Quốc như Chery và Great Wall Motor đã lọt vào danh sách 10 thương hiệu phương tiện chở khách bán chạy nhất tại Nga trong khi các hãng ô tô Đức như BMW và Mercedes biến mất khỏi danh sách. Một số hãng ô tô quốc tế khác như Renault, Hyundai và Kia cũng thông báo rút khỏi thị trường Nga trong năm 2022.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Autosat, năm ngoái, Nga nhập khẩu lượng ô tô Trung Quốc kỷ lục. Số ô tô Trung Quốc mới bán ra tại thị trường Nga đạt 121.800 phương tiện vào năm 2022, tăng 7%.
Trong khi đó, hãng ô tô nội địa của Nga là Lada cũng chứng kiến thị phần tăng từ 22% lên 28% trong năm 2022.
Ông Tu Le, nhà sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng việc các thương hiệu quốc tế rút khỏi Nga đã để lại chỗ trống lớn trong thị trường và các công ty Trung Quốc sẵn sàng lấp luôn chỗ trống.
Liệu các công ty Trung Quốc có giữ vững thị phần tại Nga?
Tuy nhiên, người tiêu dùng tại Nga vẫn có thể mua sản phẩm từ các thương hiệu đã rút khỏi thị trường này.
Năm ngoái, Nga thông qua luật về hợp pháp hóa nhập khẩu song song hàng hóa vào nước này, bao gồm mặt hàng điện thoại thông minh từ các quốc gia láng giềng như Kazakhstan.
Theo nhà phân tích Harshit Rastogi thuộc Counterpoint Research, đạo luật này đã hỗ trợ các nhà bán lẻ của Nga tiếp tục bán điện thoại Samsung và Apple sau khi hai thương hiệu tạm ngừng xuất hàng trực tiếp sang Nga.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Nga sẽ đối mặt với một số vấn đề tiềm tàng như gặp khó khăn để có thể tải các ứng dụng bị chặn tại Nga hoặc không được hưởng dịch vụ bảo hành từ nhà cung cấp chính thức.
Tương tự, với ô tô, bà Tatiana Hristova, quản lý tại S&P Global Mobility, cho rằng nhiều người tiêu dùng tại Nga buộc phải mua ô tô nhập khẩu vào Nga qua hình thức nhập khẩu song song hàng hóa bất chấp rủi ro không được hưởng dịch vụ bảo hành.
Bên cạnh đó, một số người tiêu dùng tại Nga tìm giải pháp mua ô tô của các thương hiệu Mercedes và Audi thông qua các chuyến du lịch tại Kazakhstan và Uzbekistan.
Một đại lý của hãng ô tô nội địa Lada ở thành phố Tolyatti, Nga. Ảnh - AFP
Theo các chuyên gia, câu hỏi đặt ra là liệu thay đổi trên thị trường tại Nga sẽ kéo dài trong bao lâu. Ông Stryjak cho rằng sự đổi ngôi này chỉ là tạm thời. Nhiều khả năng Apple và Samsung có thể khôi phục hoạt động tại Nga và nhanh chóng giành lại thị phần trong thị trường điện thoại thông minh ở quốc gia này sau khi chiến sự tại Ukraine kết thúc.
Trong khi đó, một số hãng ô tô thế giới đã bày tỏ mong muốn quay trở lại thị trường Nga.
Khi thông báo rút khỏi thị trường Nga vào năm ngoái, hãng Renault đã chừa sẵn đường quay lại với lựa chọn mua lại cổ phần từ hãng ô tô nội địa Lada của Nga với hiệu lực tới năm 2028.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong trường hợp các thương hiệu quốc tế tìm đường quay lại, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có khả năng giữ vững vị thế trong thị trường Nga bởi các công ty quốc tế cần thời gian xây dựng lại chuỗi cung ứng. Một yếu tố khác cản trở quá trình thương hiệu quốc tế quay trở lại thị trường Nga là không rõ chiến sự tại Ukraine sẽ kéo dài trong bao lâu.
Ông Le nhận định ban đầu các thương hiệu của Nga và Trung Quốc như những lựa chọn thay thế cho các thương hiệu quốc tế, nhưng dần dà hoàn toàn có thể trở thành người chơi chính trong thị trường tại Nga.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận