Chính trị

Oan sai ở đâu, cán bộ ở đó phải chịu trách nhiệm

10/04/2015, 16:36

Người chết trong quá trình tạm giam thì công an hoàn toàn chịu trách nhiệm, còn tòa án xử sai thì tòa phải chịu.

nguyen-snh-hung-hinh-anh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng thực trạng oan sai vẫn còn và đã oan sai là nghiêm trọng

Sáng 10/4, phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian nghe báo cáo kết quả giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện trách nhiệm giám sát việc thi thành Hiến pháp, pháp luật, nhằm không để oan, sai đối với công dân.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng thực trạng oan sai vẫn còn và đã oan sai là nghiêm trọng chứ không kể 5 hay 10 trường hợp.

“Oan sai ở đâu thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, người chỉ huy, cán bộ ở đó phải chịu trách nhiệm, tức chỉ rõ trách nhiệm từng khâu để oan sai và kết luận trách nhiệm, đòi hỏi xử lý nghiêm túc. Người chết trong quá trình tạm giam, tạm giữ thì công an hoàn toàn chịu trách nhiệm, dù là tự tử hay bức cung nhục hình, tùy mức độ mà xử lý theo pháp luật. Còn tòa án xử sai thì phải chịu”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Kor Phước cũng thẳng thắn cho rằng, việc đánh giá tình trạng oan sai không thể vì số lượng ít mà coi nhẹ, vì dù 1 người bị oan, sai cũng phải quan tâm với tinh thần tuân thủ đúng pháp luật để bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Ông Ksor Phước nhấn mạnh để giảm tình hình oan, sai thì trước tiên phải làm đúng quy trình và lãnh đạo các ngành liên quan phải tăng cường công tác kiểm tra.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lại băn khoăn: “Đánh giá oan sai thế nào là nhiều, thế nào là ít. Oan sai cần một vụ là rúng động xã hội rồi. Số liệu tổng hợp đã chính xác chưa? Bao nhiêu vụ báo chí phanh phui, bao nhiêu vụ do kêu oan kéo dài, bao nhiêu do cơ quan liên quan phát hiện?”

Vì thế, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng báo cáo giám sát chưa làm rõ việc xử lý vi phạm đối với những người làm sai cũng như tác động của việc làm sai đến xã hội, dư luận, dẫn đến người dân không tin, thậm chí cho rằng xử thế nào cũng được.

Đồng tình với quan điểm đó, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đề nghị phải nghiên cứu đánh giá một cách xác thực để tạo niềm tin cho xã hội đối với các cơ quan tố tụng.

Bà Mai cho rằng hoạt động điều tra ban đầu của các cơ quan chức năng vẫn còn những tồn tại, vi phạm nên mới dẫn đến việc bỏ lọt nhiều hành vi phạm tội, điều đó thể hiện rõ nhất ở việc báo cáo có ghi phần lớn các địa phương trong nhiều năm chưa phát hiện thấy trường hợp nào làm oan người vô tội, mặc dù những nơi này có lượng án oan rất lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng nêu quan điểm và yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan điều tra, tố tụng, tòa án để khắc phục được những tồn tại, hạn chế đã nêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.