Xã hội

Ôn lại không khí lịch sử 200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau

15/11/2024, 16:42

Hội thảo nhằm phân tích, khẳng định và làm sâu sắc thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng và rút ra nhiều bài học quý báu của sự kiện tập kết ra Bắc.

Ngày 15/11, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử".

Ôn lại không khí lịch sử 200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau- Ảnh 1.

Bà Đinh Thị Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tổ chức cuộc dịch chuyển quân dân lịch sử với tinh thần "đi hay ở cũng là nhiệm vụ".

"Đi là thắng lợi, ở là quang vinh"

Tại hội thảo, bà Đinh Thị Mai, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, với tư duy và tầm nhìn chiến lược nhận rõ âm mưu địch phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ đàn áp những người kháng chiến, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tổ chức cuộc dịch chuyển quân dân lịch sử với tinh thần "đi hay ở cũng là nhiệm vụ", Cà Mau là một trong 3 khu vực Nam Bộ được vinh dự chọn là khu tập kết với thời gian dài nhất 200 ngày.

"Sự kiện 200 ngày tập kết ra Bắc là dịp để cùng nhau ôn lại sự kiện lịch sử tình sâu nghĩa nặng của đồng bào chiến sĩ nhân dân hai miền Nam – Bắc trong những ngày kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc. Sự kiện này đã đi vào lịch sử và ghi dấu ấn không thể nào quên trong đồng bào cán bộ, chiến sĩ quân và dân hai miền Nam - Bắc", bà Mai nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau chia sẻ, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, địa điểm tập kết ở Nam Bộ được chọn tại ba khu vực: Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân - Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay); khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) và khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau.

Ôn lại không khí lịch sử 200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau khẳng định, việc tập kết là một sự bố trí lực lượng để thực nhiệm vụ cách mạng mới, xác định rõ đi hay ở đều là nhiệm vụ cách mạng với tinh thần "đi là thắng lợi, ở là quang vinh.

Trong đó, điểm tập kết tại Cà Mau là tâm điểm, có thời gian dài nhất. Khu vực tập kết ở Cà Mau được xác định dọc theo kênh sáng Chắc Băng (nối ngã ba sông Trẹm, thị trấn Thới Bình đến ngã ba sông Cái Lớn, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), cùng một số địa điểm khác trong tỉnh.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Trung ương Cục niềm Nam, việc bố trí, sắp xếp lực lượng đi tập kết được Tỉnh ủy cân nhắc kỹ lưỡng, chu đáo, coi việc tập kết là một sự bố trí lực lượng để thực nhiệm vụ cách mạng mới, xác định rõ đi hay ở đều là nhiệm vụ cách mạng với tinh thần "đi là thắng lợi, ở là quang vinh".

"Trong thời gian 200 ngày tập kết đó, đồng bào Cà Mau đã thật sự được sống những ngày tự do, hạnh phúc. Ngày 8/2/1955, chuyến tàu cuối chuyển quân ở Nam bộ từ khu tập kết rời bến Sông Đốc, kết thúc 200 ngày tập kết tại Cà Mau", ông Hải chia sẻ thêm.

"Hội thảo không chỉ là dịp để ôn lại những ký ức hào hùng của những ngày tập trung chuẩn bị về những chuyến tàu tập kết ra Bắc, những năm tháng sinh sống, chiến đấu, lao động, học tập và những ân tình sâu nặng của quân, dân miền Bắc đối với những cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh đã từng tham gia tập kết ra Bắc.

Mà còn là dịp để chúng ta phân tích, khẳng định và làm sâu sắc thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng và rút ra nhiều bài học quý báu của Sự kiện tập kết ra Bắc, nhất là những chủ trương, quyết sách sáng suốt, tài tình, mang tầm chiến lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng", ông Hải nhấn mạnh.

Ôn lại không khí lịch sử 200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau- Ảnh 3.

Chuyến tàu đầu tiên đưa cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc tháng 11/1954.

"Tất cả vì miền Nam ruột thịt"

Ông Nguyễn Ngọc Túy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa chia sẻ, Thanh Hóa là địa phương có vinh dự lớn được đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam, Cà Mau là một trong ba địa phương của miền Nam được chọn làm điểm tập kết trong cuộc chuyển quân quan trọng này.

Trong đó, Cà Mau là tâm điểm chiến lược có thời gian tập kết dài nhất, với 200 ngày (từ 21/7/1954 - 10/2/1955), là nơi chuyển quân tập kết lực lượng vũ trang của các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Châu Hà và quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.

"200 ngày thực hiện tập kết, chuyển quân tại Cà Mau diễn ra không lâu, nhưng các hoạt động của chính quyền cách mạng rất có hiệu quả, đã làm đổi mới các khu vực ta tiếp quản trên các mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội; khẳng định con đường ấm no hạnh phúc mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho dân tộc.

Đây cũng là nền tảng để Đảng ta chỉ đạo hình thành nhiều căn cứ kháng chiến, xây dựng hệ thống căn cứ địa liên hoàn, tạo thế đứng vững chắc cho lực lượng kháng chiến đi đến thắng lợi về sau", ông Túy khẳng định.

Cũng theo ông Túy, với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng, tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Ôn lại không khí lịch sử 200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau- Ảnh 4.

Nhân dân Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá) đón đồng bào cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Đại tá PGS.TS Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng, quá trình tập kết và bố trí lực lượng ở lại tiếp tục chiến đấu là một thành công lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng.

Trong công tác chuyển quân tập kết, các cấp bộ đảng, chính quyền đã tổ chức chặt chẽ, vận chuyển an toàn, bố trí đón tiếp chu đáo, sắp xếp ổn định việc làm, đã thể hiện tinh thần đoàn kết Bắc - Nam, trách nhiệm của Đảng, Chính phủ với đồng bào, cách mạng miền Nam.

"Thành công của cuộc chuyển quân từ Nam ra Bắc đã tạo cơ sở để xây dựng lực lượng cho cuộc chiến đấu mới và thể hiện rõ tinh thần thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ của quân và dân ta.

Cùng với đó, nhận rõ âm mưu của kẻ thù, Đảng đã chủ động bố trí lực lượng ở lại cho cách mạng miền Nam. Điều này đã thể hiện sự nhạy bén, sáng suốt của Đảng, là bước chuẩn bị quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà", đại tá Nguyễn Văn Sáu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.