Các lãnh đạo chụp ảnh kỷ niệm tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ
NATO nhắm đến Trung Quốc
Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra sau khi nhóm lãnh đạo G7 vừa kết thúc 3 ngày họp. Một lần nữa, tại Brussels, Bỉ, hai cái tên Nga, Trung Quốc được 30 lãnh đạo NATO nhắc đến trong thông cáo chung.
Tuy nhiên, nhìn tổng quan, đa phần nội dung thông cáo cho thấy, khối quân sự này đã chuyển hướng phần lớn sự tập trung sang Trung Quốc thay vì nhắm đến Nga như mục đích thành lập ban đầu của NATO là bảo vệ châu Âu trước Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh.
Trong thông cáo có nội dung nêu rõ: “Hành động và những tham vọng của Trung Quốc đang đặt ra thách thức mang tính hệ thống với trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, với những vấn đề liên quan tới an ninh của liên minh NATO”.
Thông cáo cũng nhấn mạnh: “Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng kho hạt nhân thêm nhiều đầu đạn, với số lượng lớn hệ thống tinh vi nhằm tạo thành bộ ba hạt nhân (tam vị nhất thể)”.
Đài CNBC cho rằng, việc NATO đồng lòng đề cập tới Trung Quốc trong thông cáo chung là chiến thắng cho ông Joe Biden ngay trong lần đầu tiên tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh của khối liên minh này với tư cách Tổng thống Mỹ.
Hãng tin Reuters cũng nhận xét, những ngôn từ được sử dụng trong thông cáo chung thể hiện lập trường mạnh mẽ của NATO đối với Trung Quốc, tại sự kiện thượng đỉnh đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden với khối quân sự 30 thành viên này.
Các thành viên ở Đông Âu vẫn lo Nga
Song, theo các chuyên gia, dù NATO đã có dấu hiệu chuyển hướng nhắm đến Trung Quốc nhưng bên trong nội bộ, một số thành viên nhỏ nằm ở Đông Âu cho rằng khối quân sự vẫn nên coi Nga là mối quan tâm lớn nhất về an ninh của liên minh.
Trong phần nhắc đến Nga của thông cáo chung, các thành viên NATO đã bỏ ngỏ khả năng có thể kích hoạt điều 5 trong thoả thuận phòng vệ chung nếu xảy ra bất ổn vì các cuộc tấn công tin giả nhắm đến các tổ chức chính trị và dư luận.
“Chúng tôi đang tăng cường năng lực nhận biết tình hình và mở rộng công cụ, sẵn sàng chống lại những mối đe doạ chiến tranh lai bao gồm chiến lược tin giả, bằng cách phát triển nhiều lựa chọn để phản ứng và ngăn chặn toàn diện", theo nội dung thông cáo.
Chiến tranh lai (hybrid warfare, hybrid war) là một chiến lược quân sự sử dụng chiến tranh chính trị song song với chiến tranh thông thường, chiến tranh bất thường và chiến tranh mạng.
Cho đến thời điểm này, Điều 5 mới được kích hoạt một lần để bảo vệ Mỹ sau các cuộc tấn công khủng bố hồi 11/9. Trước đó, Nga nhiều lần bị Phương Tây cáo buộc thực hiện các chiến lược thông tin giả nhắm vào Châu Âu, đáng chú ý là thời điểm trước sự kiện Anh trưng cầu dân ý để ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU) năm 2016 hay trước các cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu 2019...
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova
Ngoài ra, tại Hội nghị, NATO còn kêu gọi Nga đưa Cộng hoà Séc và Mỹ ra khỏi danh sách các nước không thân thiện.
Phản ứng nhanh về lời kêu gọi trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng:
“Theo tôi hiểu, qua lời kêu gọi trên thực chất là NATO đang muốn bày tỏ mong muốn được làm bạn với chúng tôi, có đúng không? Bởi vì logic rất đơn giản: Khi đề nghị được đưa ra khỏi danh sách những nước không thân thiện đồng nghĩa họ mong muốn được coi là bạn”.
Bà Maria Zakharova nhấn mạnh: "Đây chính là lúc để NATO quyết định: hoặc là dừng nghĩ cách thêu dệt những câu chuyện gián điệp mà họ thường dùng làm cái cớ để áp lệnh trừng phạt hoặc đừng ngạc nhiên khi thấy mình nằm trong danh sách không thân thiện của Nga”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận