Trong phần tự bào chữa, ông Đinh La Thăng cho biết không đồng tình với toàn bộ nội dung mà VKS nêu trước đó. |
Chiều nay, phiên xử phúc thẩm vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục với phần tự bào chữa của các bị cáo.
“Đề nghị xem xét vụ án theo nguyên tắc suy đoán vô tội”
Đồng tình với các luật sư bào chữa trình bày quan điểm trước đó, nhưng trong phần tự bào chữa, cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng một lần nữa khẳng định không đồng tình toàn bộ nội dung mà VKS nêu, vì phần lớn nội dung đó đã nêu tại phiên tòa sơ thẩm.
Bởi vậy, bị cáo đề nghị xem xét đánh giá vụ án này trong bối cảnh sự việc xảy ra cách đây 10 năm.
Ông Thăng nhắc lại thời điểm ấy, PVN được xây dựng là một tập đoàn kinh tế đa ngành, trong đó có đầu tư vào tài chính, ngân hàng. Nhưng do Chính phủ thay đổi chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nên chủ trương thành lập Ngân hàng Hồng Việt phải dừng lại, khi ấy, toàn bộ chí phí chuẩn bị đầu tư ngân hàng quy mô 5.000 tỷ cùng mấy trăm con người cần giải quyết.
“Với trách nhiệm đứng đầu, tôi cùng HĐQT có trách nhiệm xử lý việc này. Việc này phải đặt trong bối cảnh đó không thể tách rời, cắt lát để tìm ra những lỗi mang tính thủ tục”, ông Thăng nói.
Tiếp đó, bị cáo này đề nghị việc xem xét vụ án này phải thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp, theo bộ luật tố tụng hình sự mới, phải tìm ra chứng cứ căn cứ theo nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo ông Thăng, những căn cứ VKS đưa ra hoàn toàn là để buộc tội.
Một lần nữa, ông khẳng định trước toà, việc PVN đầu tư vào Oceanbank là đúng chủ trương, đúng pháp luật, được sự đồng ý của Thủ tướng bằng văn bản trước khi thực hiện.
Kết quả của việc đầu tư này của PVN đã xử lý được hơn 300 tỷ chi phí đã bỏ ra để chuẩn bị thành lập ngân hàng Hồng Việt. Việc đầu tư có hiệu quả đem lại lợi nhuận cho tập đoàn, cũng là cho nhà nước vì PVN 100% vốn nhà nước. Cựu Chủ tịch PVN cho biết thêm, trong 5 năm liền ngân hàng đều chia cổ tức và khẳng định, đây đều là tiền thật chứ không phải tiền ảo như VKS nhận định.
Ngoài ra, cựu Chủ tịch PVN cho rằng, PVN đã nỗ lực thực hiện đề án thoái vốn, tìm đối tác để mua nhưng Chính phủ không đồng ý nên tập đoàn mới không bảo toàn được vốn. “Nếu bán được thì PVN đã thu được tiền đã đầu tư. Đây là thật, tất cả mọi người biết, không ảo gì cả”, ông Thăng khẳng định.
Về xem xét trách nhiệm cá nhân, ông Thăng trình bày, ông chuyển công tác khỏi PVN từ tháng 8/2011, khi đó, mọi việc đều tốt đẹp. Cổ tức tiền đầu tư ngân hàng được chia hết năm 2013. Năm 2011 ngân hàng nhà nước vẫn đánh giá loại A, năm 2013, 2014 vẫn xếp loại B. Đây không phải PVN đánh giá và đánh giá này cũng được công khai.
Bị cáo Đinh La Thăng đề nghị VKS xem xét lại tất cả những vấn đề ông vừa nêu.
Đại diện VKS cấp cao tại phiên toà phúc thẩm đã bác hoàn toàn kháng cáo của 7 bị cáo trong vụ án |
“Không làm không có tội, làm lại có tội thì ai dám làm”
Trên cơ sở đó, cựu Chủ tịch PVN khẳng định lại, việc ký thoả thuận 6934 với Oceanbank không phải là quyết định đầu tư, và ông ký đúng thẩm qyền với vai trò chủ tịch PVN, không phải thay mặt HĐQT.
“Đây là quá trình nỗ lực tìm nhiều đối tác, cuối cùng mới được Oceanbank chấp nhận. Đây chỉ là cơ sở để báo cáo HĐQT. Nếu HĐQT không thống nhất thông qua thì văn bản này cũng không có ý nghĩa”, ông Thăng giải thích và cho rằng, nỗ lực của ông và PVN là để khắc phục hệ lụy do thay đổi chính sách của Chính phủ, đáng ra phải được khen nhưng lại buộc tội".
“Nếu không làm, cứ bỏ số tiền đó đi thì không có tội, làm lại có tội thế này thì ai muốn làm”, ông Thăng trình bày.
Ông Thăng tiếp tục cho rằng không có quy định nào về việc phải ký nghị quyết trước hay sau khi trình Chính phủ. Vấn đề phải là được Thủ tướng đồng ý thì doanh nghiệp với quyết định đầu tư.
“VKS khi trích yếu nội dung văn bản các bộ ngành lại chỉ trích phần bất lợi còn phần đầu bao giờ cũng là Thủ tướng đồng ý, bộ ngành đồng ý nhưng VKS không trích nên gây bất lợi cho tôi”, ông Thăng trình bày.
Đáng lưu ý, cựu Chủ tịch PVN cho rằng khi góp vốn vào Oceanbank, Ngân hàng Nhà nước không có cảnh báo nào về việc “ngân hàng sẽ chết, đừng đầu tư vào”. Hiệu quả đầu tư có thật. Còn việc PVN mất vốn là do Oceanbank bị Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng.
“Việc VKS nêu mất vốn chỉ là vấn đề thời gian thì xin thưa, không có cảnh báo nào nói Oceanbank mất vốn. Việc đánh giá Oceanbank là việc của các cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi buộc phải tin vào chứ không được phép đánh giá”, ông Thăng kết thúc phần tranh luận tự bào chữa của mình.
Trong phiên làm việc sáng cùng ngày, đại diện VKS cấp cao đã thể hiện quan điểm giải quyết vụ án. Theo đại diện VKS, PVN đã thực hiện không triệt để những yêu cầu của Chính phủ, cơ quan trực thuộc một cách hệ thống. Việc xin phép chỉ hình thức, thể hiện các bị cáo bàng quan trước thực trạng hoạt động của Oceanbank - là ngân hàng mà các bị cáo góp vốn vào. Các bị cáo cho rằng từ 2009-2013 Oceanbank chia cổ tức cho PVN 244 tỷ đồng, Ngân hàng nhà nước Hải Dương đánh giá Oceanbank loại A, tuy nhiên theo kết luận thanh tra ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng này “lãi giả, lỗ thật”. Việc trả cổ tức cho PVN chỉ là cách Oceanbank che đậy việc kinh doanh thua lỗ. Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng PVN mất 800 tỷ do Chính phủ đã đồng ý cho thoái vốn xong sau đó lại đổi ý, hơn nữa, sau khi ông Thăng rời PVN 4 năm thì Oceanbank mới bị mua giá 0 đồng. Song, cơ quan công tố cho rằng Oceanbank mất vốn chủ sở hữu chỉ là vấn đề thời gian, trước sau cũng mất vốn. Việc bị cáo Đinh La Thăng cho rằng ngân hàng Hồng Việt thành lập thất bại tạo hệ lụy, nhưng việc này chỉ làm thay đổi mức độ lỗi chứ không thay đổi hành vi phạm tội của các bị cáo. Phía cơ quan công tố cho biết không chấp nhận kháng cáo kêu oan, giảm nhẹ hình phạt, giảm mức bồi thường của 7 bị cáo trong vụ án. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận