Xã hội

Ông Đinh La Thăng từ chối trả lời nhiều câu hỏi của HĐXX

21/06/2018, 17:49

Vì Chủ tọa nhiều lần yêu cầu chỉ được trả lời có hoặc không, ông Đinh La Thăng nhiều lần từ chối trả lời.

nguoi-giup-ong-dinh-la-thang-xac-nhan-khong-khai-g

Các bị cáo tại phiên toà phúc thẩm vụ PVN góp vốn 800 tỷ vào Oceanbank

Chiều 21/6, phiên xét xử vụ án PVN góp vốn 800 tỷ vào Oceanbank tiếp tục với phần xét hỏi.

HĐXX tiến hành xét hỏi cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng.

Trong khi Chủ toạ Nguyễn Vinh Quang nêu ra nhiều câu hỏi và yêu cầu chỉ trả lời ngắn gọn có hoặc không thì cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng cho rằng, việc HĐXX hỏi có hay không có, ông rất khó trả lời.

“Tôi đề nghị để trả lời có hay không, rồi hay chưa phải nằm trong tổng thể, không thể cắt lát ra để nói có hay không được. Chủ tọa đã nhắc rất nhiều lần, thư ký phiên tòa phải ghi đầy đủ việc có hay không có. Do đó, nếu việc có hay không có này không đúng bản chất sự việc, không đúng bối cảnh lịch sử lúc đó sẽ trở thành căn cứ để buộc tội tôi. Tôi không thể trả lời có hay không có mà không giải thích”, bị cáo Thăng nói trước toà.

Chủ toạ Nguyễn Vinh Quang cho rằng, HĐXX hỏi về hành vi, chưa hỏi về nhận thức. Quyền hỏi thuộc về HĐXX, bị cáo có quyền trả lời hoặc không trả lời.

Sau đó, chủ tọa tiếp tục đặt nhiều câu hỏi “có hay không”, ông Thăng xin được trình bày thêm, chủ tọa cho rằng đây là phần kiểm tra chứng cứ. “Bị cáo sẽ được trình  bày ở phần tranh luận. Còn ở đây là phần hỏi, bị cáo phải dành quyền hỏi cho HĐXX để xác định lại các chứng cứ trong vụ án, nên mới có chuyện hỏi có hay không chứ ở đây không hỏi bị cáo là đúng hay sai”, Chủ toạ giải thích.

“Cũng tại hội trường này, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Nhà máy nhiệt điện thái bình 2, trong phần xét hỏi, tôi đề nghị được đối chất với người làm chứng là người đã vi phạm, ký hợp đồng sai. HĐXX kết luận để dành đến lúc tranh luận. Tuy nhiên đến phần tranh luận, người làm chứng đó đã biến mất khỏi phiên tòa”, ông Thăng nêu ví dụ.

Chủ tọa Nguyễn Vinh Quang nói HĐXX rất chia sẻ với tâm trạng của các bị cáo, nhưng ở phiên tòa này, HĐXX đã triệu tập những người cần phải hỏi đến phiên tòa. Ngoài HĐXX, VKS, người bảo vệ quyền và lợi ích của các hợp pháp thì những người tham gia tố tụng khác, trong đó có các bị cáo, được quyền đặt câu hỏi với những người khác khi HĐXX đồng ý. Còn khi tranh luận là đưa ra quan điểm, trình bày nhận thức của mình để mọi người xem đúng hay không đúng.

“Bị cáo nên thực hiện quyền của mình về mặt tố tụng. HĐXX tôn trọng và không xâm phạm quyền này. Đến phần tranh luận, HĐXX sẽ tạo điều kiện đến lúc bị cáo không muốn nói nữa thì thôi”, chủ tọa nói.

“Tôi lo hơi xa, lo đến lúc đối chất lại không nêu lại vấn đề này. Khi đó, lại căn cứ vào biên bản Thư ký ghi, chỉ có những từ rất khô khan là có hay không có”, ông Thăng tiếp tục tranh luận.

Chủ tọa tiếp tục giải thích: “Mỗi người đều phải chấp hành đúng pháp luật tố tụng. Đây là phần hỏi, đến phần tranh luận, HĐXX sẽ tạo điều kiện để bị cáo trình bày từng vấn đề một”, chủ tọa nói.

“Tôi rất mong muốn được chấp hành đúng. Vì chấp hành đúng mà tôi đã phải chịu mức án 18 năm tù”, ông Thăng nói.

Chủ toạ yêu cầu bị cáo Thăng dừng lại. “Vì không đồng tình với bản án sơ thẩm, bị cáo đang kháng cáo và HĐXX đang nghe xem kháng cáo của bị cáo đúng hay không đúng. Nếu bị cáo không còn niềm tin vào công lý thì bị cáo nói rõ”, Chủ tọa nói.

Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng với cách hỏi thế này, tòa chỉ tìm những căn cứ để buộc tội mà không có căn cứ gỡ tội.

Một lần nữa, Chủ toạ yêu cầu bị cáo Thăng dừng phát biểu. “Đây đang hỏi về tài liệu, chưa ai đánh giá tài liệu này đúng hay sai, bị cáo có tội hay không có tội. Bị cáo đừng vội vàng đưa ý kiến chủ quan của mình vào”, chủ tọa nhắc nhở.

Ông Thăng từ chối trả lời nhiều câu hỏi của HĐXX, đề nghị toàn bộ câu hỏi phần góp vốn chuyển sang phần tranh luận.

Khi được HĐXX hỏi sau đó, ông Thăng cho biết ông kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, phần liên quan đến ông. Ông Thăng cầm giấy đọc lại nội dung ông kháng cáo. Đáng chú ý, ông Thăng cho rằng, từ tháng 8/2011, ông đã rời khỏi PVN nhận công tác khác. Sau đó, OceanBank vẫn hoạt động hiệu quả và PVN vẫn được chia cổ tức tới năm 2013.

“Tôi không phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự vì 4 năm sau khi tôi chấm dứt quyền, nghĩa vụ tại PVN, OceanBank mới bị mua 0 đồng”- ông Thăng nói thậm chí sau đó còn nhấn mạnh khi ông rời khỏi PVN, OceanBank được đánh giá là ngân hàng loại A.

Liên quan đến việc mua OceanBank với giá 0 đồng, HĐXX của phiên sơ thẩm cho rằng giai đoạn 2009 đến 2013, OceanBank đã kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế dẫn đến âm vốn chủ sở hữu. Số liệu trước và sau thanh tra là một khoảng cách biệt rất lớn, từ có lợi nhuận cho đến âm vốn chủ sở hữu cho thấy báo cáo tài chính hàng năm của OceanBank là không chính xác, phản ánh không đầy đủ và không trung thực hoạt động tài chính, đặc biệt là không phản ánh các sai phạm trong việc cấp tín dụng cũng như huy động vốn tại OceanBank.

HĐXX cho rằng có căn cứ xác định hành vi cố ý làm trái của PVN vào OceanBank do bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo trong vụ án thực hiện đã gây hậu quả mất số vốn góp 800 tỷ đồng.

Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Đinh La Thăng 18 năm tù và phải bồi thường 600 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.