Chiều 2/10, tại Gia Lai, Uỷ ban ATGT Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị tăng cường giải pháp bảo đảm ATGT cho thanh thiếu niên và đồng bào DTTS đi mô tô, xe gắn máy khu vực Tây Nguyên. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia và ông Đỗ Tiến Đông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chủ trì hội nghị.
Theo Uỷ ban ATGT Quốc gia, số người chết do TNGT trong năm 2019 ở mức dưới 8.000 người, tương đương với mức năm 2000, trong khi số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng gấp 9 lần. Trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn quốc đã kéo giảm rất sâu cả 3 tiêu chí. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 18,31%, số người chết giảm 783 người (giảm 13,84%), giảm 20,9% số người bị thương.
Cũng theo báo cáo này, trong 9 tháng đầu năm 2020 các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước xảy ra 818 vụ TNGT, làm chết 612 người, bị thương 604 người. So với 9 tháng đầu năm 2019 giảm 12,5% về số vụ, giảm 3,9% số người chết (25 người), giảm 17,8% số người bị thương. So với cả nước, TNGT chiếm 7,9% về số vụ; 12,55% về số người chết; 7,9% về số người bị thương. Có 3 địa phương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2019, là Gia Lai (7,1%); Đăk Nông (2,8%); trong đó Lâm Đồng giảm trên 47,7% số người chết.
Trong đó, TNGT quan đến mô tô, xe máy là 557 vụ chiếm 68,1% về số vụ. Trong đó, số vụ TNGT mô tô, xe máy liên quan đến đồng bào DTTS là 302 vụ, chiếm 36,9%; Số vụ TNGT mô tô, xe máy liên quan đến thanh thiếu niên là 393 vụ chiếm 48,04%; Một số địa phương có tình hình TNGT mô tô, xe máy diễn biến phức tạp là: Gia Lai (212 vụ, chiếm 94,64%), Kon Tum (53 vụ, chiếm 94,64%).
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, TNGT giảm sâu trong 9 tháng đầu năm 2020, giảm cả 3 tiêu chí. TNGT giảm trong thời gian gần đây khi mà cả nước phương tiện giao thông tăng rất nhanh và có trên 60 triệu phương tiện giao thông cơ giới, hệ thống giao thông phát triển.
Ông Khuất Việt Hùng đánh giá cao nỗ lực của các địa phương đã quan tâm đến lĩnh vực ATGT. Nhiều địa phương đã có nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo đến ở vùng sâu vùng xa; đổi mới hình thức cấp GPLX bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số bản địa. Ông Hùng cũng đề cập đến mô hình chỉ đạo lực lượng chức năng ở tỉnh Bình Phước tăng cường công tác tuần lưu trên các tuyến đường, không lập chốt cố định một điểm và sử dụng camera giám sát xử phạt nguội...
Ông Khuất Việt Hùng đề nghị ngành chức năng tổ chức các lớp đào tạo cấp GPLX lưu động, đổi mới hình thức đào tạo và đào tạo cho cả người không biết chữ. Bên cạnh đó, ông đề nghị nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, tuyên truyền đúng đối tượng, bằng ngôn ngữ dân tộc và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận