Quản lý

Ông Khuất Việt Hùng: Chưa quốc gia nào xử phạt ăn hoa quả có nồng độ cồn

09/01/2020, 10:21

Theo ông Hùng, ăn hoa quả sẽ tạo cồn trong vòm họng, ống tiêu hóa nhưng nếu thực hiện đúng quy trình lấy khí từ đáy phổi, câu chuyện sẽ khác.

img
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Luật Phòng chống tác hại rượu bia cấm tuyệt đối người uống rượu bia điều khiển phương tiện và Nghị định 100/2019/NĐ-CP tăng nặng mức xử phạt khiến nhiều người lo ngại bị xử phạt khi điều khiển xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn do ăn phải một số loại trái cây, thức ăn có chứa cồn.

Nhiều người thắc mắc: Khi ăn uống một số loại trái cây có đường, thực phẩm chế biến với rượu bia, một số loại thuốc có dung môi cồn sẽ có nồng độ cồn trong hơi thở. Như vậy liệu có bị phạt khi tham gia giao thông?

Về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, lý do ăn trái cây, hoa quả thì Bộ Y tế có trả lời là độ cồn này sẽ "tan" sau khi ăn 15-20 phút và súc miệng xong sẽ hết.

Cũng theo ông Hùng, kết quả từ Bộ Y tế cho thấy, việc ăn hoa quả sẽ lên men, tạo cồn trong vòm họng và trong ống tiêu hóa, việc test thổi không khí trong vòm họng có thể có nồng độ cồn. Nhưng nếu thực hiện đúng quy trình lấy khí từ đáy phổi, câu chuyện sẽ khác. Quy trình tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn là máy đo lấy 1 lít khí từ đáy phổi thổi qua máy đo để ra chỉ số.

Trong quy trình kiểm tra đang áp dụng thì bất kỳ trường hợp nào nếu người điều khiển phương tiện bị lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn theo đúng quy trình mà họ không uống rượu bia có thể yêu cầu thử nồng độ cồn trong máu.

Đến nay chưa có thống kê chính thức từ các quốc gia cấm tuyệt đối trong hơi thở, trong máu có nồng độ cồn là có ai đó ăn trái cây, hoa quả có nồng độ cồn bị xử phạt. Tại Việt Nam cũng chưa phát hiện trường hợp này.

Lực lượng CSGT sẽ có kinh nghiệm xử lý. CSGT sẽ chỉ chặn xe dựa trên hành vi lái xe của người điều khiển phương tiện như: loạng choạng, đi không vững hoặc vừa ra khỏi quán nhậu... Nếu không sai thì không phải sợ khi bị kiểm tra nồng độ cồn.

"Tất cả những quy định cấm đó đều với mục đích cuối cùng là bảo vệ lợi ích của người dân. Luật Phòng chống tác hại rượu bia và chế tài xử phạt vi phạm nồng độ cồn cũng theo tinh thần nhân văn này", ông Hùng nói.

Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định 46 năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Tất cả người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, kể cả người đi xe đạp, xe máy đều bị xử phạt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.