Ông Khuất Việt Hùng |
Nhìn lại một năm nỗ lực thực hiện đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ, dù TNGT liên tiếp giảm, nhưng trong sâu thẳm ông luôn suy nghĩ còn tai nạn thì nhiệm vụ của mình phía trước còn rất nặng nề. “Mỗi lần nhìn con số TNGT giảm, chúng tôi thấy trong lòng nhẹ nhõm hơn”, ông nói.
TNGT liên tiếp giảm 3 tiêu chí
Ông đánh giá thế nào về kết quả đảm bảo ATGT trong những năm qua và gần nhất là năm 2018?
Thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư, Chính phủ, cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trật tự ATGT những năm qua và năm 2018 tiếp tục có chuyển biến tích cực. Từ năm 2011 đến nay, TNGT liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong bối cảnh số lượng phương tiện gia tăng và nhu cầu đi lại ngày càng cao, kết cấu hạ tầng giao thông dù có bước tiến lớn nhưng mức tăng trưởng của kết cấu hạ tầng chưa thể đáp ứng được nhu cầu giao thông, kết quả trên rất đáng ghi nhận.
Năm 2018, chúng ta đặt mục tiêu kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí 5-10% và giảm thương vong ở trẻ em tối thiểu là 10%, có thể do đặt mục tiêu tương đối khó nên mức giảm cả 3 tiêu chí chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, số vụ và số người bị thương do TNGT đều giảm đảm bảo mục tiêu, nhưng số người chết chỉ giảm gần 2%, riêng thương vong cho trẻ em giảm khoảng 18%.
Điều gì khiến tỷ lệ thương vong do TNGT của trẻ em giảm sâu, thưa ông?
Năm 2018, chúng ta lấy ATGT cho trẻ em làm động lực đảm bảo ATGT cho tất cả xã hội. Giải pháp trọng tâm được tất cả các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị cùng thực hiện xuyên suốt đó là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông trong mọi người dân. Thứ nữa, ngành GTVT tập trung mạnh vào đảm bảo điều kiện ATGT trong kết cấu hạ tầng và vận tải.
Dù trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp nhưng ngành Giao thông luôn quan tâm đảm bảo các điều kiện an toàn về kết cấu hạ tầng. Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư nâng cấp công trình hạ tầng giao thông, ngành GTVT tập trung vào công tác bảo trì, đặc biệt là xử lý các điểm đen TNGT, xử lý giao cắt gây mất ATGT giữa đường bộ và đường sắt.
Bên cạnh các giải pháp trên, chúng ta thực hiện Tháng ATGT cho học sinh đến trường với hoạt động trọng tâm là tặng MBH cho 2 triệu học sinh vào lớp 1. Tất cả phụ huynh nhận MBH cam kết với nhà trường đội mũ cho con em mình. Đây là hoạt động có quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy đội MBH cho học sinh ở tất cả các cấp, đồng thời cũng tác động để người lớn thực hiện tốt quy định đảm bảo ATGT.
Ủy ban ATGT Quốc gia thường xuyên tổ chức tuyên truyền và trao MBH cho trẻ em (Trong ảnh: Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia trao MBH cho học sinh trường Tiểu học Thống Nhất B, Đồng Nai) - Ảnh: Công Nghĩa |
Vẫn cần những giải pháp mới kéo giảm TNGT bền vững
Sau nhiều năm nỗ lực, số người chết do TNGT đã giảm sâu, từ trên 11 nghìn người năm 2011, đến nay chỉ còn trên dưới 8.000 người. Có thể nói, những người làm công tác ATGT đã góp phần không nhỏ giúp hàng triệu người có một mùa xuân an toàn. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình về kết quả này?
Khi đã lựa chọn và nhận nhiệm vụ này, những người làm công tác ATGT chúng tôi luôn có suy nghĩ rằng, mình chưa bao giờ hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù TNGT liên tiếp giảm, nhưng trong sâu thẳm chúng tôi luôn suy nghĩ còn tai nạn thì nhiệm vụ của mình phía trước còn rất nặng nề.
Mỗi lần nhìn con số TNGT giảm cũng thấy mừng nhưng cá nhân tôi và những người làm công tác đảm bảo ATGT không mừng theo nghĩa người khác ăn mừng thành công mình đạt được. Ở đây chúng tôi chỉ thấy trong lòng nhẹ nhõm hơn. Mỗi khi nhận được tin TNGT, anh em cảm thấy lo lắng và khi biết không có ai bị tử vong có cảm giác như vừa hất được tảng đá đè nặng trên ngực.
Hiện, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện ý thức hay văn hóa tham gia giao thông chưa tương xứng với phát triển hạ tầng và số lượng phương tiện thì khó giảm TNGT. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?
Đúng là việc kéo giảm TNGT là rất khó, điều này không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác cũng vậy. Không chỉ ở những quốc gia có năng lực, chất lượng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu như ở Việt Nam mà kể cả những quốc gia năng lực và kết cấu hạ tầng rất tốt so với chúng ta thì ATGT của họ vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ, đặc biệt là khi liên quan đến yếu tố con người.
"Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi cũng có những niềm vui nho nhỏ khi kịp thời khắc phục được điểm đen TNGT, tránh được tai nạn hay thấy được anh em tuần tra, kiểm soát giúp cho người dân tham gia giao thông trật tự hơn, đặc biệt là khi được người dân yêu mến, chia sẻ. Mỗi khi thấy hình ảnh hay tin người dân khen CSGT, lái xe khách hay xe tải có những cử chỉ đẹp, hay khen những con đường, cây cầu, trong lòng cũng thấy có niềm vui. Nhìn chung, những người làm công tác đảm bảo ATGT không bao giờ có cảm giác hoàn toàn thỏa mãn mình đã hoàn thành nhiệm vụ." Ông Khuất Việt Hùng |
Hiện nay, giao thông của chúng ta là giao thông hỗn hợp, trong đó mô tô, xe gắn máy chiếm đa số. Loại phương tiện này linh hoạt theo nghĩa tích cực nhưng lại hỗn loạn theo hướng tiêu cực và rất nhạy cảm với TNGT. Vì tính an toàn kém nên khả năng thương vong khi xảy ra tai nạn đối với xe máy rất cao.
Khó giảm TNGT như vậy chúng ta mới đòi hỏi vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta phải khẳng định rằng, quan niệm đảm bảo ATGT là việc riêng của CSGT hay ngành Giao thông là không đúng. Vì chúng ta cần tiếp tục làm cho người tham gia giao thông có hiểu biết và có văn hóa tham gia giao thông an toàn. Đó là cả một quá trình liên tục. Chúng ta phải giáo dục tuyên truyền qua nhiều thế hệ, tiếp tục duy trì xây dựng văn hóa an toàn cho cả những người làm công tác thiết kế, xây dựng, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, những người làm quản lý Nhà nước về vận tải, đăng kiểm và ngay cả những người thực thi nhiệm vụ.
Văn hóa an toàn rất quan trọng cho tất cả những người có liên quan ATGT chứ không chỉ đối với người tham gia giao thông. Nếu trong suy nghĩ những người quản lý kết cấu hạ tầng giao thông luôn nhớ đường chỗ này còn ổ gà, chỗ kia thiếu dải phân cách, hộ lan, biển báo cần khắc phục thì hạ tầng sẽ an toàn hơn. Những chiến sỹ tuần tra, kiểm soát phải gương mẫu, lựa chọn những vị trí, tuyến đường, cách thức giao tiếp với người dân sao cho hiệu quả và tạo sự lan tỏa, uy nghiêm của pháp luật để giúp cho người dân có nhận thức đúng đắn phải thực hiện quy tắc tham gia giao thông an toàn và cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt. Chúng ta cần xây dựng những giá trị văn hóa nêu trên cho toàn xã hội, khi đó chúng ta mới mong giao thông an toàn hơn.
Chúng ta cũng đã, đang làm những việc như tôi vừa nói. Điều này được chứng minh là giao thông ở Việt Nam đã an toàn hơn so với trước đây rất nhiều. Với nhu cầu giao thông, phương tiện như hiện nay và ý thức, văn hóa giao thông như cách đây 10 năm, có lẽ con số TNGT, số người tử vong do TNGT có khi phải là 30 nghìn người chứ không phải hơn 8 nghìn như hiện nay.
Rõ ràng việc này là khó, có giai đoạn chúng ta giảm rất nhanh số người chết do TNGT nhưng vài năm trở lại đây để giảm được 1% là cả một nỗ lực rất lớn trong điều kiện hoàn cảnh giao thông còn những mâu thuẫn mà chúng ta đang phải giải quyết. Chính vì khó mà chúng ta phải quyết tâm làm, phải tìm tòi sáng tạo và quyết tâm thực hiện những giải pháp mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn mới có thể tiếp tục giảm TNGT.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận