Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 22/5/2014. |
Báo chí phương Tây nhận định chuyến thăm lần này của ông Tập nhằm mục đích giảm nhiệt căng thẳng trong khu vực và ổn định nguồn cung dầu mỏ cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Vì kinh tế
Giới quan sát nhận định chuyến công du của ông Tập cho thấy rõ những ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh, khi đang phải đối mặt với những thách thức bên trong như GDP tăng chậm lại, thị trường chứng khoán nhiều lần sụt giảm, “tự ngắt” và vô vàn những khó khăn khác. Trong bối cảnh đó, đương nhiên Trung Quốc phải ưu tiên những mối quan hệ rộng rãi và hiệu quả với thế giới bên ngoài, trong đó có Trung Đông.
Điều này dễ hiểu trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc (thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới) đang ngày một phụ thuộc vào dầu mỏ từ các quốc gia Trung Đông. Nên hiển nhiên, Trung Đông là điểm trọng yếu trong bản đồ chiến lược của Bắc Kinh. Hiện Arabia Saudi và Iran là hai quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang rất muốn nâng kim ngạch xuất khẩu để ngăn chặn những tác động của giá dầu thế giới đang lao dốc, theo Wall Street Journal.
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Iran đã được dỡ bỏ khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực ngày 16/1 vừa qua, tạo điều kiện cho nước này thu hút đầu tư và trở lại thị trường dầu mỏ quốc tế.
Ngoài ra, năm 2013, Trung Quốc đưa ra sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhằm kết nối vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, Trung Đông là một khu vực quan trọng vì là một trong ba tuyến đường được chọn cho sáng kiến này. Guo Xian Gang, một chuyên gia về Trung Đông - Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nói: “Trung Đông là một khu vực quan trọng đối với Bắc Kinh bởi nguồn tài nguyên năng lượng và vị thế địa chính trị. Iran, Ai Cập và Arabia Saudi là 3 nước lớn trong khu vực - đó là một yếu tố quan trọng cho việc lựa chọn chuyến công du này của ông Tập Cận Bình”.
Nhúng tay vào tranh chấp?
Trong một khoảng thời gian dài, Trung Quốc đứng ngoài các tranh chấp và khủng hoảng tại Trung Đông. Cho tới gần đây, đặc biệt là từ khi khủng hoảng Syria nổ ra, Trung Quốc bắt đầu hướng đến mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này.
Trước chuyến công du của ông Tập một tuần, Bắc Kinh lần đầu tiên công bố Văn kiện chính sách về Trung Đông, hứa hẹn sẽ hỗ trợ cho các chính phủ trong cuộc chiến chống khủng bố thông qua sự hợp tác dài hạn về an ninh, chia sẻ tình báo và hợp tác kỹ thuật. Tháng trước, Bắc Kinh đã tiếp đón Phó Thủ tướng Syria Walid al-Moallem, cũng như các đại diện của phe chống đối ở Syria để bàn về khủng hoảng Syria.
Đồng thời, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Iran và Arabia Saudi đang căng thẳng sau vụ Arabia Saudi xử tử 47 giáo sĩ Hồi giáo Shia, dẫn tới các cuộc biểu tình tấn công vào các phái bộ ngoại giao của Arabia Saudi ở Tehran. Đây sẽ là một phép thử với ông Tập. Bởi theo các nhà phân tích, nghiêng về phía nào trong một trong những bất đồng ngoại giao lớn nhất thế giới này cũng có thể gây ra những bất lợi với Trung Quốc.
Ông Jon Alterman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington (Mỹ) nhận định, chiến lược của Trung Quốc là duy trì sự cân bằng chứ không ủng hộ ai hay can thiệp vào các vấn đề phức tạp của khu vực. Trung Quốc cần cả Iran và Arabia Saudi để tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào một bên.
Ngay cả chuyên gia Trung Quốc, ông Vương Tỏa Lao - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc trường Đại học Bắc Kinh cũng nhận định rằng: Trung Quốc không phải là vị cứu tinh của Trung Đông và Trung Quốc không bao giờ muốn thay thế vị trí của Mỹ tại Trung Đông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận