Chiến thắng đột phá nhờ biết địch biết ta
Hãng thông tấn Nga RIA Novosti cuối tuần qua đã đăng tải đoạn video dài 3 phút cho thấy một quả tên lửa Storm Shadow được các kỹ sư quân sự Nga tháo dỡ trong đó có nhiều thành phần quan trọng như động cơ của quả tên lửa này.
Vị kỹ sư này được cho là thuộc nhóm chuyên gia về tên lửa của Nga được điều đến để nghiên cứu về các loại vũ khí phương Tây và cách thức vô hiệu hóa chúng một cách an toàn. Những chỉ dẫn này sau đó sẽ được chia sẻ với các đơn vị rà phá bom, mìn và vũ khí khác.
Trong trường hợp của quả tên lửa Storm Shadow này, các chuyên gia cho rằng, qua quá trình nghiên cứu, quân đội Nga có thể dễ dàng tìm cách phát hiện, đánh chặn và tiêu diệt mục tiêu.
"Những quả tên lửa này liên tục được cải tiến nhưng chúng tôi cũng liên tục củng cố hệ thống phòng không, chính vì thế chúng tôi cần hiểu một số bộ phận cũng như các thuật toán dùng cho quả tên lửa Storm Shadow", vị chuyên gia này nói thêm.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga Zvezda ngày 7/4, ông Oleg Ryazantsev, CEO Hệ thống Vũ khí Chính xác cao thuộc tập đoàn quốc phòng Nga Rostec cho biết: "Tên lửa Storm Shadow đã bị tàu mang tên tổ hợp tên lửa Pantsir-M bắn hạ. Nói cách khác, đây là lần sử dụng thành công và hiệu quả đầu tiên của Pantsir-M".
Theo Sputnik, hiện chiếc tàu duy nhất thuộc Hạm đội Biển Đen mang tổ hợp tên lửa Pantsir-M là tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Cyclone thuộc Dự án 22800. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên tổ hợp tên lửa Pantsir-M có mặt trên chiến trường Ukraine và loại tên lửa này đã dễ dàng tiêu diệt tên lửa hành trình Storm Shadow - một trong những loại tên lửa được đánh giá là đáng sợ nhất của châu Âu có thể hủy diệt các công trình kiên cố, mục tiêu di động và cố định của đối phương.
Hơn thế nữa, Shadow Storm còn được cho là cực kỳ khó bắn hạ khi được trang bị động cơ phản lực giúp nó đạt vận tốc tối đa lên đến 1.000km/h cùng khả năng tàng hình khiến radar và hệ thống phòng không của đối phương gần như không thể phát hiện.
Tên lửa có trọng lượng 1.300kg cùng đầu đạn đa chức năng với tầm bắn 250-300km hoàn toàn vượt trội so với những hệ thống mà Mỹ cung cấp cho Ukraine như Bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) hoặc hệ thống pháo phản lực di động cao HIMARS.
Pantsir-M đáng sợ như thế nào?
Pantsir-M là phiên bản dùng cho Hải quân của tổ hợp pháo tự hành kết hợp tên lửa đất đối không và pháo phòng không Pantsir nhưng được thiết kế tối ưu cho điều kiện hoạt động trên biển để đối phó với những tàu chiến và căn cứ trên biển của đối thủ.
Tổ hợp Pantsir-M được phân loại là hệ thống vũ khí cận chiến có khả năng đánh chặn tên lửa, máy bay không người lái, máy bay… của đối phương khi chúng cách các tàu hoặc căn cứ trên biển được trang bị tổ hợp này khoảng 20km ở độ cao lên tới 15km. Để làm được điều này, Pantsir-M được trang bị 8 tên lửa đất đối không Germes-K gắn 2 bên sườn của hệ thống, mỗi bên 4 quả cùng tổ hợp điều khiển phức hợp, các trang thiết bị liên lạc và truyền dữ liệu.
Ngoài ra, Pantsir-M còn được trang bị vũ khí phụ là 2 pháo xoay nòng AO-18KD 30x165mm tầm bắn 5 km và tốc độ bắn lên tới 10.000 phát/phút. AO-18KD là biến thể của pháo tự động phòng không 6K30GSh do Liên Xô chế tạo và đưa vào sử dụng lần đầu vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước.
Pantsir-M có thể cùng lúc đánh chặn 4 mục tiêu và là hệ thống phòng thủ duy nhất trên thế giới tích hợp cả vũ khí cận chiến, tên lửa đất đối không và hệ thống điều khiển radar quang học có khả năng tự tìm mục tiêu, lựa chọn và bắn hạ mục tiêu chỉ trong một thiết bị duy nhất. Tổ hợp này có thời gian phản ứng từ 3-5 giây và có thể bắn hạ mục tiêu bay với vận tốc 1000m/s. Hệ thống radar mảng pha chủ động trên Pantsir-M có tầm phát hiện mục tiêu lên đến 75km.
Tổ hợp Pantsir-M có trọng lượng 7.100kg (bao gồm cả vũ khí) giúp chúng có thể triển khai lắp đặt trên cả những tàu cỡ nhỏ và cỡ lớn như các tàu hộ vệ tên lửa thuộc Dự án 22800 của Nga vốn chỉ có lượng giãn nước khoảng 870 tấn.
Hải quân Nga dự định trang bị Pantsir-M lên toàn bộ tàu chiến mới từ tàu hộ vệ tên lửa đến tuần dương hạm và nâng cấp các hệ thống tàu hiện tại bằng hệ thống này theo lộ trình hiện đại hóa vũ khí. Cụ thể, Pantsir-M dự kiến sẽ thay thế tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Kortik trên những con tàu này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận