Bộ GTVT đang lấy ý kiến các địa phương về Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không”, trong đó có việc phân cấp địa phương quản lý một số cảng hàng không (CHK), sân bay.
Bộ GTVT đề xuất thí điểm phân cấp quản lý CHK quốc tế Cát Bi cho UBND TP Hải Phòng
Nhà nước chỉ quản lý những sân bay trọng yếu
Trong đề án đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, các cảng hàng không, sân bay trên cả nước được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 là các CHK quốc tế quan trọng quốc gia, vùng gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Long Thành.
Nhóm 2 là các CHK đang hoạt động hỗn hợp dân dụng và quân sự với vai trò quân sự quan trọng gồm: Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa.
Đây là các CHK có hoạt động quân sự chiến lược của lực lượng không quân Việt Nam, triển khai song song hoạt động khai thác hàng không dân dụng và quân sự, huấn luyện quân sự.
Tài sản kết cấu hạ tầng CHK (đường cất hạ/cánh, đường lăn...) của các cảng này do Bộ Quốc phòng quản lý, không thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.
Nhóm 3 là các CHK còn lại gồm: Điện Biên, Nà Sản, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.
Trên cơ sở phân nhóm CHK như trên, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ (thông qua Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) tiếp tục sở hữu các CHK và giao cho doanh nghiệp Nhà nước là ACV quản lý, khai thác và huy động nguồn lực để đầu tư đối với nhóm 1 và nhóm 2.
Riêng nhóm 3, Bộ GTVT đề xuất phân cấp cho UBND các tỉnh quản lý thông qua việc chuyển quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu các công trình tại các CHK từ cơ quan Trung ương cho UBND các tỉnh.
“Việc này để phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương để đầu tư phát triển các CHK”, Bộ GTVT cho biết.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, quan điểm khi xây dựng đề án là tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; Vừa đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững lĩnh vực hàng không, vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước.
Đồng thời, đảm bảo doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước giữ quyền đầu tư, quản lý, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay. Không làm suy yếu vai trò chủ đạo và nguồn lực của thành phần kinh tế nhà nước trong đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống CHK trên cả nước.
“Phân cấp bảo đảm Bộ GTVT quản lý Nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với lĩnh vực hàng không; phát huy quyền tự chủ, chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện quản lý và đầu tư phát triển CHK trên địa bàn theo quy định của pháp luật, phục vụ phát triển KT-XH địa phương”, ông Thắng nói.
Thí điểm trước CHK Cát Bi
Cho biết việc phân cấp quản lý cho địa phương đối với các CHK nhóm 3 chưa quy định tại Luật Hàng không dân dụng VN, tuy nhiên, Bộ GTVT đề xuất thí điểm phân cấp quản lý CHK quốc tế Cát Bi cho UBND TP Hải Phòng.
Đề xuất trên của Bộ GTVT được đưa ra theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Những việc chưa có quy định hoặc vượt quá quy định thì mạnh dạn đề xuất làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, thực hiện từng bước chắc chắn, không cầu toàn, không nóng vội”.
Lý do thí điểm với Cát Bi, theo Bộ GTVT, mặc dù sân bay này hiện nay chưa hoạt động có lãi nhưng có tiềm năng phát triển rất tốt. Cùng đó, Hải Phòng có tiềm năng kinh tế để hỗ trợ đầu tư phát triển CHK quốc tế Cát Bi. Hiện, Hải Phòng cũng có kinh nghiệm hỗ trợ xây dựng đường cất/hạ cánh, đường lăn.
Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch HĐQT TCT Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết, ACV hoàn toàn ủng hộ đề án của Bộ GTVT. Mặc dù vậy, ông Thanh cho rằng, cần làm rõ hơn nội dung phân cấp.
“Phân cấp quản lý CHK là một khái niệm rất rộng nên cần làm rõ hơn nữa nội hàm của việc phân cấp. Chẳng hạn, với việc kêu gọi đầu tư cần phân cấp những gì, cơ quan Nhà nước nào có thẩm quyền trong kêu gọi đầu tư”, ông Thanh cho hay.
Với đề xuất thí điểm phân cấp quản lý sân bay Cát Bi cho Hải Phòng, ông Thanh nói: “Theo đề án, việc thành lập công ty con hạch toán độc lập quản lý CHK quốc tế Cát Bi sau đó sẽ chuyển đại diện chủ sở hữu công ty này cho UBND TP Hải Phòng. Tuy nhiên, việc chuyển quyền sở hữu về địa phương rất khó khả thi vì liên quan đến các quy định của pháp luật về sở hữu”.
Nguồn tin của Báo Giao thông cho hay, hiện một số địa phương đã gửi ý kiến góp ý về đề án. Tuy nhiên, UBND TP Hải Phòng - địa phương được đề xuất thí điểm phân cấp quản lý sân bay Cát Bi vẫn chưa phản hồi.
Phía Hà Nội, trong văn bản gửi Bộ GTVT do Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn ký, UBND TP Hà Nội khẳng định nội dung đề án đã phân tích đánh giá được toàn diện về thực trạng trong công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không trên địa bàn cả nước trong thời gian qua và căn cứ vào tình hình thực tiễn nhu cầu cũng như bài học kinh nghiệm được tổng kết để đưa ra các đề xuất, giải pháp về quản lý, phân cấp quản lý cũng như định hướng huy động nguồn lực đầu tư đảm bảo tính khả thi, giảm áp lực ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh lực này.
Ba bước triển khai phân cấp
Tại dự thảo đề án, Bộ GTVT cũng nêu rõ ba bước triển khai. Trong đó, bước đầu tiên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV thành lập Công ty con quản lý CHK quốc tế Cát Bi và thực hiện hạch toán độc lập.
Sau đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và ACV chuyển đại diện chủ sở hữu Công ty quản lý CHK quốc tế Cát Bi cho UBND TP Hải Phòng; đồng thời Bộ GTVT chuyển giao tài sản khu bay (đường cất/hạ cánh cũ, đường lăn…) cho UBND TP Hải Phòng.
Bộ Quốc phòng thực hiện thủ tục chuyển giao đất được quy hoạch cho hàng không dân dụng và đất dùng chung cho UBND TP Hải Phòng.
Về lâu dài, để triển khai được công tác phân cấp quản lý CHK từ Trung ương cho UBND cấp tỉnh, Bộ GTVT cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hàng không dân dụng VN theo hướng bổ sung quy định UBND cấp tỉnh, thành phố có đủ điều kiện và năng lực được Chính phủ phân cấp quản lý CHK nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận