Nhiều bất cập tồn tại
Sáng 14/2, Đoàn công tác của Uỷ ban ATGT Quốc gia do Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia - Thượng tá Phạm Việt Công dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT lễ hội Xuân 2023 tại Hoà Bình.
Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cùng Đoàn công tác kiểm tra tình hình đảm bảo TTATGT tại cảng Bích Hạ (Hoà Bình)
Trực tiếp kiểm tra tàu HB - 0617 tại cảng Bích Hạ, Thượng tá Phạm Việt Công lo ngại trước tình trạng các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và phao lai dắt cứu hộ được chủ phương tiện đặt tại khu vực hầm chứa đồ, gây khó khăn trong việc sử dụng khi gặp sự cố bất ngờ.
Chứng kiến cảnh nhân viên phục vụ trên tàu ghi chép danh sách hành khách thủ công và nộp luôn cho Cảng vụ đường thuỷ nội địa để lưu giữ quản lý, Thượng tá Công đề nghị, chủ tàu cũng cần phải giữ 1 bản để phục vụ lực lượng chức năng kiểm tra nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ số lượng hành khách trên tàu trong suốt hành trình, tránh trường hợp di chuyển sang các bến khác nhận thêm hành khách, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Đáng chú ý, qua kiểm tra, Đoàn công tác phát hiện tàu HB - 0617 không có đăng ký luồng tuyến, Thượng tá Phạm Việt Công đề nghị các lực lượng rà soát, hướng dẫn chủ tàu bổ sung theo đúng quy định.
Bà Bùi Thị Hoà Bình, Phó Giám đốc Sở GTVT Hoà Bình báo cáo công tác đảm bảo TTATGT trên địa phương tại buổi làm việc với Đoàn công tác
Bà Bùi Thị Hoà Bình, Phó Giám đốc Sở GTVT Hoà Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh có 10 tuyến vận tải đường thuỷ đã được công bố nhưng chỉ có 2 tuyến được khai thác thường xuyên với khoảng 260 phương tiện hoạt động trên vùng lòng hồ. Trong số này, chỉ có 86 phương tiện vừa qua đã được cấp đăng kiểm, đủ điều kiện hoạt động, 44 phương tiện hoạt động tại bến Thung Nai và 42 phương tiện hoạt động ở cảng Bích Hạ.
Thời gian vừa qua, các lực lượng công an, thanh tra giao thông (TTGT) đã vào cuộc quyết liệt xử lý vi phạm TTATGT đường thuỷ trên tuyến, nhờ đó, các hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn đã chấp hành nghiêm quy định chỉ đưa phương tiện đủ điều kiện vào khai thác trên tuyến.
Đối với các phương tiện không đủ điều kiện, hiện “dạt” ra các bến không phép xung quanh lòng hồ để đỗ, Sở GTVT đã đề nghị công an xã thường xuyên túc trực, rà soát để ngăn các phương tiện này xuất bến, ra ngoài tuyến tham gia chở khách.
“Đến nay, cơ bản không có tàu không đủ điều kiện tham gia giao thông trên vùng lòng hồ Hoà Bình”, bà Bình nói và cho biết, các phương tiện này chủ yếu được đóng theo phương thức truyền thống đã hoạt động nhiều năm, không có hồ sơ thiết kế ban đầu, hoạt động tự phát, chưa được quản lý cấp đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về đăng kiểm phương tiện thủy được nâng lên với yêu cầu cao về chất lượng, việc thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy còn lại gặp khó khăn do người dân phải sửa chữa hoán cải với chi phí lớn (dao động từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, hiện có 1 trạm bờ AIS và chưa lắp đặt trạm VHF. Tuy nhiên, hệ thống các trạm bờ AIS và phần mềm nghiệp vụ thu nhận tín hiệu, quản lý hiện trạng AIS của Cục Đường thủy nội địa VN quản lý, do một số khó khăn nên đến nay vẫn đang tạm dừng hoạt động.
Từ đó, bà Bình kiến nghị Bộ GTVT xem xét miễn giảm hoặc gia hạn việc trang bị thiết bị AIS cho các phương tiện hoạt động trên vùng hồ Hòa Bình và ban hành các quy định áp dụng cho vùng SIII như tiêu chuẩn cho phương tiện hoạt động tại vùng lòng hồ này.
Theo bà Bình, hiện nay, các phương tiện tại hồ Hoà Bình đang phải thực hiện theo tiêu chuẩn tàu SII nhưng khu vực lòng hồ sóng nhỏ chỉ tầm 70cm trở xuống, nếu được áp dụng tiêu chuẩn tàu SIII sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho bà con đóng mới tàu sử dụng, đảm bảo đủ điều kiện hoạt động và đảm bảo ATGT.
Thượng tá Bùi Phương Nghị, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đối với các tàu không đủ điều kiện tham gia chở khách, CSGT tuần tra phát hiện đã cương quyết yêu cầu tàu quay đầu về bến và chủ động liên lạc các tàu khác đủ điều kiện phục vụ hành khách. Tuy nhiên, do chưa có nơi tạm giữ phương tiện nên việc neo giữ các phương tiện vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Thượng tá Nghị đề xuất Sở GTVT, Ban ATGT tỉnh Hoà Bình tham mưu UBND tỉnh phân rõ trách nhiệm của các cấp từ xã, huyện, tỉnh, các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, giám sát, nhất quyết không cho tàu thuyền không đăng ký, không đăng kiểm xuống các bến để chở khách, yêu cầu phải đưa về nhà neo đậu.
Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia đề nghị phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, lực lượng nhằm quản lý chặt hoạt động vận tải thuỷ, đảm bảo TTATGT trên địa bàn
Phân cấp phân quyền để quản lý chặt hoạt động vận tải thuỷ
Ông Hoàng Minh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa VN cho biết, muốn đảm bảo TTATGT đường thuỷ phải quản lý được phương tiện, các cảng bến phải nghiêm túc kiểm tra phương tiện có đủ đăng ký, đăng kiểm, đủ điều kiện hoạt động mới cấp giấy cho xuất bến.
UBND tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ người dân về tín dụng để có nguồn vốn sửa chữa, đóng mới phương tiện sao cho đủ điều kiện hoạt động.
Đối với công tác quản lý cảng bến, cần có quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ rõ ràng đối với các lực lượng: CSGT, Thanh tra đường thuỷ, chính quyền địa phương, Sở GTVT và Cảng vụ đường thuỷ, cương quyết dừng và giải toả các bến bãi không phép, không có phương tiện vào các bến này.
Ngoài ra, địa phương nên có phương án xây dựng vùng neo đậu cho các phương tiện, khi tàu ra vào đón khách sẽ lên phương án thu phí. Song song với đó, thành lập Ban Quản lý để điều hành, sắp xếp các tàu vào vùng neo đậu để đón khách sao cho quy củ, thống nhất.
Thượng tá Phạm Việt Công đề nghị các cơ quan, đơn vị cần tham mưu đề xuất UBND tỉnh rà lại chủ trương, chính sách để thực hiện và có kế hoạch đảm bảo TTATGT trên địa bàn sao cho hiệu quả. Thực hiện phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thành viên của Ban ATGT tỉnh để công tác đảm bảo ATGT được triển khai sâu rộng, thực chất.
Đối với đường thuỷ, sắp tới sẽ tổ chức sơ kết 6 năm thực hiện Chỉ thị 23 của TTCP về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới, đề nghị địa phương rà soát, tổng kết quá trình thực hiện để có những kiến nghị, đề xuất góp ý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Nhấn mạnh công tác đảm bảo TTATGT đường thuỷ trên địa bàn còn rời rạc, chưa có sự liên kết giữa các lực lượng, cơ quan đơn vị, Thượng tá Phạm Việt Công đề nghị cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn, ban hành quy chế phân công nhiệm vụ cụ thể và thường xuyên có sự trao đổi thông tin về phương tiện, bến bãi, luồng rạch để đảm bảo hiệu quả trong quá trình quản lý, TTKS, phòng ngừa vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận