Các nam công nhân vất vả một thì nữ công nhân vất vả gấp nhiều lần. Đơn cử như việc thiếu nước sạch. Nhiều nơi phải lấy nước dùng từ khe núi. Thế nên rất ít công nhân nữ có thể trụ lại được. Nếu có thường là những người đứng tuổi, hoặc phận gái theo chồng.
Bởi thế ở ga Đồng Chuối chỉ có một công nhân nữ bám trụ được, nhưng được lãnh đạo ga phân công làm cấp dưỡng cho đỡ nhọc nhằn. Còn ở cung đường Khe Nét cũng chỉ có một công nhân nữ cũng được phân công cấp dưỡng cho cả cung đường. Nữ công nhân này là vợ của anh gác đường ngang trên đèo.
Có nghe họ tâm sự mới thấu hiểu hơn cái những vất vả, nhọc nhằn mà họ gánh chịu. Ban đêm chồng đến phiên trực gác, một mình ở nhà chăm con giữa đường đèo hoang lạnh mà tủi phận. Ban ngày, một mình lo lắng cơm ăn, nước uống cho gần 20 công nhân ở cung đường. Mà giữa nơi núi thẳm rừng sâu, chuyện đi chợ không phải dễ. Thường các chị phải dậy từ sớm để vượt gần 20km mới ra thị trấn mua được mớ rau, con cá. Những ngày mưa, càng nhọc. Một thân một mình phận nữ nhi ở cung đường nên nhiều lúc các chị cũng không biết tâm sự cùng ai, dù nhiều khi nỗi ưu tư trĩu nặng.
Nhưng các chị bảo, lo nhất là khi con đến tuổi đi học, không tìm đâu ra lớp giữa vùng núi heo hút này. Các chị đã tính gửi con về quê, nhưng không phải ai cũng có người thân để nhờ vả. Bao nỗi lo cứ thế đeo đẳng, đè nặng khiến các chị có phần già trước tuổi.
Mỗi ngày bao chuyến tàu qua Khe Nét, nhưng không có chuyến nào dừng lại ở cung đường. Vì có tàu dừng lại, ít ra cũng có vài người đồng giới cho chị trò chuyện, hàn huyên. Phận nữ nhi cắm chốt trên đèo sao cứ chênh vênh.
Thiện Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận