Sau phiên họp khẩn cấp đặc biệt ngày 7/4, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Liên bang Nga trong Hội đồng Nhân quyền LHQ có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong số 193 thành viên của ĐHĐ, có 93 nước bỏ phiếu ủng hộ; 24 nước bỏ phiếu chống; 58 nước bỏ phiếu trắng.
Nghị quyết được tính là thông qua nếu có đến 2/3 số phiếu thuận và không tính phiếu trắng.
Đại diện thường trực của Ukraine tại Liên hợp quốc Sergiy Kyslytsya phát biểu tại phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh - Reuters
Phó đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Gennady Kuzmin cho rằng động thái này là bước đi không hợp pháp, mang động cơ chính trị và thông báo Nga đã quyết định kết thúc sớm tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2021 - 2023.
Cùng ngày 7/4, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra thông báo chính thức về việc kết thúc sớm nhiệm kỳ thành viên của Hội đồng nhân quyền.
Thông báo nêu rõ "Moscow coi nghị quyết được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua trước đó cùng ngày tại New York (đình chỉ tư cách thành viên của Liên bang Nga tại Hội đồng Nhân quyền LHQ) là bước đi phi pháp và mang động cơ chính trị nhằm trừng phạt một cách ngang ngược một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ vốn theo đuổi một chính sách đối nội và đối ngoại độc lập".
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, mặc dù quyết định kết thúc sớm nhiệm kỳ của mình song Moscow sẽ tiếp tục đóng góp vào việc bảo vệ các quyền con người.
Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Gennady Kuzmin. Ảnh - Reuters
Nga đang ở năm thứ 2 của nhiệm kỳ 3 năm (2021-2023) của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Theo nghị quyết ngày 7/4, sau này, ĐHĐ LHQ vẫn có thể quyết định chấm dứt việc đình chỉ với Nga nhưng Nga đã quyết định kết thúc sớm nhiệm kỳ.
Mỹ cũng từng quyết định kết thúc sớm nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền vào năm 2018 vì bất đồng của Mỹ trong vấn đề Israel. Song năm ngoái, Mỹ đã được tái đắc cử vào hội đồng này.
Việc đình chỉ tư cách thành viên của 1 trong 47 thành viên Hội đồng Nhân quyền là rất hiếm.
Năm 2011, từng có Libya bị đình chỉ vì hành động bạo lực chống lại người biểu tình của lực lượng trung thành với lãnh đạo khi đó là Muammar Gaddafi.
Hội đồng Nhân quyền có 47 thành viên, không thể đưa ra các quyết định mang tính ràng buộc về pháp lý nhưng mang thông điệp chính trị quan trọng. Đồng thời, hội đồng này có thể uỷ quyền để tổ chức điều tra.
Tháng trước, hội đồng đã mở cuộc điều tra về những cáo buộc hành vi vi phạm nhân quyền bao gồm tội ác chiến tranh (có thể có) tại Ukraine.
Cùng ngày 7/4, Đại hội đồng Liên hợp quốc bày tỏ “vô cùng quan ngại về cuộc khủng hoảng nhân quyền và nhân đạo tại Ukraine”, đặc biệt là về những báo cáo lạm dụng nhân quyền từ Nga.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine để “phi quân sự hoá”, “phi phát xít hoá” nước này từ ngày 24/2, theo đề nghị của lãnh đạo các vùng ly khai miền Đông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận