360 độ thể thao

Pháp đối mặt “sóng ngầm” trước thềm Olympic

12/05/2024, 09:12

Chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa, Olympic Paris sẽ chính thức khai mạc. Tuy nhiên, ngay trong lòng nước Pháp đến nay vẫn còn những bất ổn, chia rẽ.

Nước Pháp phân hóa vì Olympic

Ngày 20/4, trong cuộc họp báo đánh dấu mốc 100 ngày hướng tới Olympic Paris 2024, ông Tony Estanguet, Trưởng ban tổ chức Thế vận hội tuyên bố: "Chúng tôi đã sẵn sàng". Tuy nhiên, nhiều người dân ở Paris và toàn nước Pháp vẫn phản đối kế hoạch tổ chức ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh tại kinh đô ánh sáng.

Pháp đối mặt “sóng ngầm” trước thềm Olympic- Ảnh 1.

Olympic Paris 2024 vẫn còn nhiều nỗi lo. Ảnh: AP.

Theo cuộc thăm dò do Đài phát thanh Europe 1 thực hiện với sự tham gia của 1.200 người khắp nước Pháp, 47% cho rằng đất nước đã sẵn sàng đăng cai Olympic. Trong khi 52% nói rằng Pháp không nên làm chủ nhà kỳ đại hội này. Báo chí phương Tây cũng nhận định, Olympic 2024 đã làm bùng lên mâu thuẫn vốn đang âm ỉ trong lòng nước Pháp.

Theo đó, 2/3 số người ủng hộ Đảng Xã hội Pháp tin rằng, Thế vận hội sẽ diễn ra tốt đẹp, trong khi 67% thành viên của Đảng Cực hữu, trước đây gọi là Mặt trận Quốc gia đưa quan điểm ngược lại.

Ở diễn khác, theo một cuộc khảo sát mới đây của tờ Spectator, gần 44% người dân Paris cho rằng, Thế vận hội là một "điều tồi tệ", trong khi 52% đang cân nhắc việc rời Paris trong thời gian diễn ra Thế vận hội để tránh đối diện với những áp lực về giao thông khi đón hàng triệu du khách từ khắp thế giới.

Xung quanh các địa điểm thi đấu Olympic ở trung tâm thành phố, người dân sẽ cần giấy tờ để về nhà. "Ở đây đã chật kín người. Tôi không dám tưởng tượng sẽ như thế nào nếu có thêm hàng triệu du khách", Anais 38 tuổi, một nhân viên y tế cho biết.

Emma 20 tuổi, một sinh viên lo ngại về sự quá tải của hệ thống vận tải công cộng của Paris: "Chúng tôi được khuyên nên đi bộ vì tàu điện ngầm sẽ là một cơn ác mộng. Rõ ràng di chuyển mới là bài toán khó nhất, không phải việc giành những tấm huy chương".

Lo ngại an ninh

Đó là chưa kể đến nguy cơ đình công, biểu tình trong khu vực công. Không nói đâu xa, hôm 1/5 vừa qua đã diễn ra hàng loạt các cuộc tuần hành vì quyền lao động kết hợp với các cuộc biểu tình chống Thế vận hội ở các thành phố lớn như Paris, Lyon, Marseille, Bordeaux. Một nhóm người biểu tình ở Paris thậm chí đốt các vòng tròn biểu tượng Olympic.

Một số công trình lớn chậm tiến độ

Theo Nicolas Ferrand, Giám đốc điều hành Solideo - công ty chịu trách nhiệm xây dựng toàn bộ các công trình phục vụ Olympic, tính tới đầu tháng 5, trên khoảng 88% công việc đã được hoàn thành. Tuy nhiên, một số công trình trọng điểm như Trung tâm điều hành Grand Palais, ba tòa nhà ở Làng Olympic và bể bơi Colombes - trung tâm huấn luyện bơi đồng bộ đang chậm tiến độ.

Giới quan sát nhận định, không có gì đảm bảo những cuộc biểu tình không lặp lại vào tháng 7 và tháng 8, thời điểm diễn ra Thế vận hội, có thể "hủy hoại bữa tiệc" tại Paris. Ngoài ra là nguy cơ khủng bố khi an ninh toàn cầu đang rất căng thẳng. Cũng bởi vậy, vấn đề an ninh đang được quan tâm hơn cả.

Các nhà tổ chức Paris 2024 cho biết, họ cần 22 nghìn nhân viên an ninh tư nhân làm việc trong và xung quanh các địa điểm tổ chức Thế vận hội, trong khi 35 nghìn sĩ quan cảnh sát và 18 nghìn quân nhân bảo vệ các không gian công cộng. Nhưng tình trạng thiếu lao động ở khu vực an ninh tư nhân sẽ khiến mọi việc trở nên khó khăn.

Ông Pierre Brajeux, Chủ tịch Liên đoàn an ninh tư nhân Pháp cho biết: "Vấn đề là lực lượng lao động. Liệu chúng ta có đủ lực lượng bảo vệ để đảm bảo an ninh cho Thế vận hội không vẫn đang là dấu hỏi. Qua bốn vòng đấu thầu cho thấy, hầu hết các công ty trong lĩnh vực này đều không hào hứng bởi khối lượng công việc quá lớn".

Trong khi đó, Giám đốc an ninh Olympic Paris 2024, Bruno le Ray thừa nhận trên tờ Le Monde: "Chúng tôi đã không thuyết phục được các công ty tham gia buổi lễ khai mạc, nơi dự kiến quy tụ khoảng 300 nghìn người trong một không gian mở".

Kỳ vọng thúc đẩy kinh tế

Bất chấp những thách thức, Ban tổ chức Olympic Paris 2024 tuyên bố, sự kiện này sẽ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nhờ hơn 181 nghìn việc làm được huy động. Con số này bao gồm các công việc trước, trong và sau Thế vận hội. Bên cạnh đó, việc dự kiến thu hút khoảng 15 triệu khách du lịch cũng sẽ giúp Paris tạo ra nguồn thu lớn, nhất là từ lưu trú và ăn uống.

Tuy nhiên, Giáo sư Martin Muller của Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) lại không mấy lạc quan về cú hích mà Olympic sẽ mang lại cho Paris: "Với chi phí bỏ ra lớn, hầu hết các nước chủ nhà Olympic đều thua lỗ. Doanh thu từ bản quyền truyền hình là khoản thu lớn nhất sẽ bị Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thâu tóm phần lớn. Còn khách du lịch, những người đến Olympic phần lớn sẽ thay thế cho khách khác lẽ ra đã đến. Bởi vậy, hiệu quả kinh tế mà Paris có thể thu về là không đáng kể".

Nhận định của ông Muller hoàn toàn có căn cứ bởi tính từ Olympic 1976 tại Montreal (Canada) tới Olympic 2016 tại Rio de Janeiro (Brazil), chỉ có 3 kỳ Thế vận hội chủ nhà có lãi là Los Angeles (Mỹ) 1984, Sydney (Australia) 2000 và Atlanta (Mỹ) 1996, nhưng cũng không đáng kể.

Nhìn chung, doanh thu từ các trò chơi mang lại không tương xứng với số tiền thành phố đăng cai bỏ ra. Investopedia cho biết, London đã tạo ra doanh thu 5,2 tỷ USD so với 14,6 tỷ USD chi tiêu. Năm 2010, Vancouver chi 7,6 tỷ USD cho Thế vận hội nhưng chỉ thu về 2,8 tỷ USD. Năm 2008, khoản đầu tư 42 tỷ USD của Bắc Kinh chỉ tạo ra doanh thu 3,6 tỷ USD.

Trên thực tế, mọi Thế vận hội kể từ năm 1960 đều vượt quá ngân sách. Một phân tích từ Đại học Oxford (Mỹ) cho thấy, các Thế vận hội đã vượt quá chi phí trung bình 172%.

Trở lại với Thế vận hội 2024, theo IOC, Paris dự kiến sẽ nhận được lợi ích kinh tế khoảng 12,2 tỷ USD. Trong khi thành phố này đã chi 9,7 tỷ USD nên khoản lãi về mặt lý thuyết sẽ là 2,5 tỷ USD.

Mặc dù vậy, tờ The Week cho rằng, rất khó để thủ đô nước Pháp thu về khoản tiền trên. "Ngay cả khách du lịch cũng sẽ cân nhắc khi đặt chân tới Paris dịp hè này bởi sự đông đúc, an ninh và giá cả tăng cao. Barcelona, Sydney và Vancouver đều chứng kiến du lịch tăng nhẹ. Trong khi London, Bắc Kinh và Salt Lake lại sụt giảm lượng khách du lịch khi đăng cai Thế vận hội", The Week phân tích.

Việt Nam đã có 11 vé dự Olympic Paris 2024

Tính đến 9/5, Thể thao Việt Nam có 11 suất tham dự Olympic Paris 2024 gồm: Nguyễn Thị Thật (xe đạp); Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng); Võ Thị Kim Ánh (boxing); Nguyễn Huy Hoàng (bơi); Trịnh Văn Vinh (cử tạ); Nguyễn Thùy Linh, Nguyễn Thị Hương (canoeing); Phạm Thị Huệ (rowing) và Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông).


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.