Nhiều nhà văn hóa, lịch sử, chuyên gia đường sắt và cả người dân lo cho “số phận” các ga đường sắt kiến trúc Pháp này.
Công trình kiến trúc độc đáo, giàu ý nghĩa lịch sử
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện cả nước có 5 công trình nhà ga còn lưu giữ nét kiến trúc tiêu biểu từ thời Pháp thuộc trên các tuyến đường sắt Việt Nam gồm: Hải Phòng, Đà Lạt, Huế, Nha Trang, Hà Nội.
Ga Hải Phòng vẫn giữ được kiến trúc thời Pháp thuộc, được nhiều du khách ưa thích
Trong đó, ga Đà Lạt được xây dựng từ những năm đầu thế kỉ 20, là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây với kiến trúc nhà rông Tây Nguyên, được công nhận là di tích kiến trúc cấp quốc gia vào năm 2001.
Đến nay, nhà ga gần như vẫn giữ được nguyên vẹn các nét kiến trúc xưa và đã được thành phố đưa vào khai thác du lịch cùng tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Trại Mát.
Phải quy định bằng văn bản cụ thể về việc bảo tồn các công trình di tích này, có thể tôn tạo thành bảo tàng để người dân tham quan, tìm hiểu nơi ghi dấu một công trình cả trăm năm gắn với lịch sử đường sắt Việt Nam và lịch sử phát triển đô thị. Trường hợp nhất thiết phải xây dựng các công trình hiện đại tại đất khu ga, vẫn nên giữ lại công trình kiến trúc nhà ga vì diện tích không lớn, chỉ vài trăm mét vuông. Hơn nữa, xung quanh nhà ga có thể làm thêm các khu vực như vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em, tạo thành khu phức hợp văn hóa, vui chơi...
Chuyên gia giao thông Nguyễn Ân
Với các nhà ga còn lại, do trải qua chiến tranh nên đều bị ảnh hưởng, nhiều kiến trúc cũ bị phá hủy.
Trong đó, ga Hà Nội và ga Hải Phòng được đưa vào khai thác năm 1902 cùng tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Khi đó, ga Hà Nội có tên ga Hàng Cỏ, được ví như cung điện bởi công trình kiến trúc nguy nga.
Nhưng trải qua chiến tranh, năm 1972 gian sảnh chính giữa lại bị trúng bom, sau này phải xây dựng lại nên chỉ công trình hai bên còn giữ được phần kiến trúc xưa.
Ông Đặng Tiến Mạnh, Trưởng ga Hải Phòng cho biết, nhà ga này bị trúng bom Mỹ năm 1972. Một bên dãy nhà 1 tầng bị san phẳng, sau xây lại thành nhà 2 tầng, không giữ được kiến trúc cũ.
Tuy nhiên, với phần còn lại gồm nhà 2 tầng sảnh chính và dãy nhà phụ gần như vẫn giữ như cũ, chỉ cải tạo một số nội thất cho phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện nay.
Các nhà ga này đều gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử phát triển và là điểm nhấn về kiến trúc của thành phố. Vì thế, các ga được công nhận là di tích lịch sử.
Như ga Hải Phòng năm 2005 được thành phố công nhận là di tích lịch sử kháng chiến; Ga Hà Nội năm 2007 được công nhận di tích cách mạng kháng chiến; Ga Nha Trang công nhận là di tích lịch sử cách mạng.
Với ga Huế, ông Lê Quang Châu, Phó giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Thừa Thiên - Huế cho biết vẫn chưa có văn bản nào công nhận ga Huế là di tích lịch sử hay di tích văn hóa mặc dù nhà ga gắn nhiều với lịch sử phát triển cố đô, được nhiều khách du lịch tham quan, yêu thích.
Đáng nói, các ga này hiện đều ở khu đất vàng đô thị, diện tích lớn, như khu ga Hà Nội hơn 100.000m2, khu ga Hải Phòng hơn 63.000m2, ga Huế hơn 60.000m2...
Mặt khác, lại ở khu vực dân cư đông đúc, tàu ra vào ga phải đi qua nhiều tuyến phố, giao cắt đồng mức, dễ gây ùn tắc cục bộ, đe dọa an toàn. Đây cũng chính là “cớ” mà các tỉnh đưa ra khi đề xuất di dời ga.
Cần lưu giữ, tôn tạo
Ga Nha Trang vẫn giữ được kiến trúc châu Âu, được ví là nhà ga đường sắt đẹp thứ nhì Đông Dương
Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, các ga kiến trúc Pháp này vẫn khai thác bình thường. Ngoài ga Đà Lạt ở tuyến riêng biệt, các ga còn lại hiện đều giữ vai trò quan trọng trên các tuyến đường sắt quốc gia cũng như trong khai thác vận tải hành khách vì ở trung tâm đô thị, thuận tiện cho hành khách đi lại và kết nối với các phương thức vận tải khác.
Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Cục Đường sắt VN cho biết, Bộ GTVT đang lập Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, tư vấn lập quy hoạch đề xuất phương án đối với một số ga đầu mối hoặc cần điều chỉnh quy hoạch thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia.
Trong đó, ga Hà Nội được đề xuất là ga đường sắt đô thị. Ga Nha Trang, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ cải tạo chỉ còn chức năng ga khách; Giai đoạn tầm nhìn đến 2050, cải tạo ga Nha Trang thành bảo tàng du lịch và chuyển toàn bộ chức năng vận tải khách, hàng sang ga mới Vĩnh Trung nằm ngoài nội đô.
“Dự thảo quy hoạch hiện nay chỉ là quy hoạch mạng lưới. Sau khi quy hoạch này được phê duyệt, sẽ tiếp tục lập quy hoạch chi tiết, lúc đó mới bàn đến phương án các ga, các tuyến”, ông Thịnh nói.
Lo ngại các ga kiến trúc Pháp còn lại ít ỏi này sẽ bị “san phẳng” để phục vụ mục đích khác, ông Khuất Minh Trí, nguyên Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN cho rằng, dù các nhà ga sẽ là ga đường sắt quốc gia hay đường sắt đô thị, vẫn nên giữ lại công trình kiến trúc nhà ga vì mang tính văn hóa, lịch sử.
“Về kiến trúc, đây là công trình kiến trúc đẹp và là điểm đến du lịch, tham quan hấp dẫn. Các nước khác cũng vậy, họ luôn tôn tạo các nhà ga kiến trúc cũ, đồng thời tổ chức khai thác thành một điểm tham quan, du lịch với các dịch vụ đi kèm, nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa lịch sử... Do đó, với các công trình nhà ga kiến trúc từ thời Pháp của Việt Nam nên giữ và tu bổ, vừa mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa vừa có thể khai thác tham quan, du lịch”, ông Trí nói.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Ân cho rằng, nếu thực sự vì nhu cầu quy hoạch phát triển, hiện đại hóa đô thị của các tỉnh, thành, cùng đó xét theo quy hoạch đường sắt quốc gia, cần phải đưa ga đường sắt ra khỏi nội đô thì vẫn nên ủng hộ. Tuy nhiên, với công trình ga cũ phải có quy định rõ ràng để giữ lại công trình kiến trúc nhà ga.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận