Giao thông

Phạt hành chính, ghi sổ đen nhà thầu vi phạm

25/12/2018, 08:14

Bộ GTVT, chủ đầu tư các dự án sẽ áp dụng những giải pháp cứng rắn để chấn chỉnh tình trạng nhà thầu...

16

Nhà thầu vi phạm hợp đồng do chậm sửa chữa, khắc phục khi công trình còn bảo hành sẽ bị chủ đầu tư xử phạt hành chính và bị trừ điểm khi đấu thầu các dự án tiếp theo

Trừ điểm khi tham gia đấu thầu dự án tiếp theo

Thời gian qua, một số dự án mở rộng QL1, nhất là đoạn tuyến qua khu vực miền Trung xảy ra tình trạng hư hỏng cục bộ, xuất hiện ổ gà. Mặc dù, công trình đang trong thời gian bảo hành, nhưng nhiều nhà thầu cố tình không khắc phục sửa chữa. Điển hình là những nhà thầu đảm nhiệm thi công các đoạn tuyến mở rộng QL1 qua tỉnh Phú Yên. Theo đại diện Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư), hiện nay, dự án còn 1,5 năm bảo hành, tuy nhiên, 6 nhà thầu thi công dự án chây ì, không thực hiện trách nhiệm sửa chữa khi công trình xảy ra hư hỏng, xuất hiện ổ gà trong thời gian bảo hành.

"Chúng ta phải đánh vào kinh tế, bởi đây là con đường chuẩn xác nhất để loại bỏ những đơn vị làm ăn yếu kém ra khỏi các công trình xây dựng giao thông”.

PGS. TS. Trần Chủng
Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)

Từ thực trạng trên, Ban QLDA Thăng Long đang rà soát lại các quy định của pháp luật để báo cáo Bộ GTVT xử lý đối với các đơn vị thi công dự án mở rộng QL1 qua Phú Yên vi phạm hợp đồng đã ký trong công tác bảo hành công trình, đặc biệt là các nhà thầu chậm khắc phục trong thời gian qua gồm: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Trường Sơn 185, Công ty CP 475, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông 9; Công ty CP Đầu tư và phát triển Trường An, Tổng công ty CP Xây dựng 789.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, sắp tới, đơn vị sẽ lập danh sách những nhà thầu vi phạm hợp đồng bảo hành công trình tại dự án mở rộng QL1 qua Phú Yên và kiến nghị Bộ GTVT xem xét trừ điểm các nhà thầu này khi tham gia đấu thầu các dự án tiếp theo do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

“Trước mắt, chúng tôi sẽ dùng tiền bảo hành công trình còn giữ lại của 6 nhà thầu vi phạm hợp đồng để chi trả cho các nhà thầu khác thực hiện công tác sửa chữa, bảo hành công trình tại dự án mở rộng QL1 qua Phú Yên”, ông Roãn nói và cho biết, đến ngày 30/12, khi công tác khắc phục sửa chữa hoàn thành, Ban QLDA Thăng Long sẽ có báo cáo tổng thể để kiến nghị Bộ GTVT xử lý đối với các nhà thầu vi phạm hợp đồng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Quang Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, trong các hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu đều ràng buộc quy định: Nếu nhà thầu vi phạm hợp đồng sẽ xử phạt theo điều khoản hợp đồng và xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 121/2013. Căn cứ vào hợp đồng đã ký, trước mắt, chủ đầu tư có quyền xử phạt về mặt hành chính đối với các nhà thầu vi phạm.

Nhà thầu “dính chàm” rất khó trúng thầu dự án mới

PGS. TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, chủ đầu tư không thể cấm các nhà thầu vi phạm hợp đồng về trách nhiệm bảo hành công trình tham gia đấu thầu các dự án tiếp theo, nhưng được quyền trừ điểm của nhà thầu có lịch sử vi phạm hợp đồng.

“Trong quá trình đấu thầu, chúng ta có tính đến điểm kỹ thuật, đơn giá, uy tín của đơn vị tham gia đấu thầu. Nhà thầu nào làm nhiều công trình đạt chất lượng tốt sẽ được cộng điểm, nhà thầu có lịch sử vi phạm không hoàn thành hợp đồng sẽ bị trừ điểm”, ông Chủng nói và cho biết, nhà thầu bị điểm trừ về chất lượng, điểm trừ do lịch sử vi phạm hợp đồng sẽ rất khó thắng thầu ở các dự án tiếp theo.

Cũng theo ông Chủng, chủ đầu tư cũng có quyền xử lý hành chính đối với những nhà thầu này. Bởi, trong các hợp đồng ký kết, thông thường chủ đầu tư sẽ giữ lại từ 2- 5% giá trị hợp đồng để bảo hành công trình. Chủ đầu tư có quyền dùng nguồn kinh phí đó để thuê đơn vị khác tiến hành sửa chữa, bảo hành công trình”, ông Chủng nói.

Cũng theo ông Chủng, trường hợp kinh phí bảo hành giữ lại của nhà thầu không đủ để sửa chữa hư hỏng công trình, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sửa đổi và ban hành quy định rõ ràng về việc chủ thể liên quan phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và phải đền bù toàn bộ thiệt hại khi công trình xảy ra hư hỏng do lỗi của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.