Trong Hệ Mặt trời, sao Kim vốn được xem là "hành tinh chị em" với Trái đất vì có kích thước, gia tốc hấp dẫn và quỹ đạo tương đồng. Tuy nhiên, hành tinh thứ 2 trong Thái dương Hệ lại là một thế giới khắc nghiệt, không sự sống - khác hẳn với chúng ta.
Nhưng, một nghiên cứu mới đây nhất cho thấy: Trong Hệ Mặt trời này, sao Kim chính là hành tinh có nhiều đặc điểm quan trọng giống Trái đất cách đây hàng tỷ năm trước. Thậm chí, sao Kim có thể đã từng năng động hơn và giống Trái đất hơn người ta nghĩ trước đây, New York Times đưa tin.
Sao Kim tồn tại sự sống thuở sơ khai?
Cụ thể, theo một nhóm các nhà khoa học do các nhà nghiên cứu của Đại học Brown, Mỹ dẫn đầu viết trên tạp chí Nature Astronomy, sao Kim có thể đã từng có những chuyển động mảng kiến tạo tương tự như những gì được cho là đã xảy ra trên Trái đất thuở sơ khai.
Ngày càng có nhiều nhà khoa học hành tinh quan tâm đến ý tưởng về “Sao Kim có thể sinh sống được sớm”. Nguồn: Astrobites
Phát hiện này đặt ra những kịch bản liên quan đến khả năng có sự sống sớm trên sao Kim cũng như quá khứ tiến hóa của nó và lịch sử của Hệ Mặt trời.
Các nhà khoa học Mỹ sau khi sử dụng dữ liệu khí quyển từ sao Kim và mô hình máy tính đã chỉ ra rằng thành phần của khí quyển hiện tại và áp suất bề mặt của nó chỉ có thể có được nhờ vào hoạt động kiến tạo mảng ban đầu - một quá trình quan trọng đối với sự sống bao gồm nhiều mảng lục địa đẩy, kéo và trượt bên dưới nhau.
Trên Trái đất, quá trình này diễn ra trong hàng tỷ năm, hình thành các lục địa và núi mới, đồng thời dẫn đến các phản ứng hóa học giúp ổn định nhiệt độ bề mặt hành tinh, tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho sự phát triển của sự sống.
Mặt khác, sao Kim lại đi theo hướng ngược lại và ngày nay có nhiệt độ bề mặt đủ nóng để làm chì tan chảy (nhiệt độ nóng chảy của chì là 327 độ C).
Sao Kim là hành tinh có khí hậu khắc nghiệt nhất Hệ Mặt trời. Ảnh: NASA GODDARD SPACE FLIGHT CENTER
Để giải thích sự phong phú của Nitơ và Carbon dioxide (CO2) có trong bầu khí quyển của sao Kim, các nhà nghiên cứu kết luận rằng sao Kim phải có hoạt động kiến tạo mảng sau khi hành tinh này hình thành, khoảng 4,5 tỷ đến 3,5 tỷ năm trước.
Chuyển động kiến tạo ban đầu này, giống như trên Trái đất, bị hạn chế về số lượng các mảng di chuyển và mức độ chúng dịch chuyển.
"Một trong những điểm đáng chú ý của nghiên cứu này là rất có thể chúng ta có hai hành tinh trong cùng một Hệ Mặt trời có hoạt động kiến tạo mảng cùng lúc - một hoạt động quan trọng cho phép tồn tại sự sống mà chúng ta thấy trên Trái đất ngày nay" - Matt Weller, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Sứ mệnh DAVINCI sắp tới của NASA sẽ đo các chất khí trong bầu khí quyển sao Kim, có thể giúp củng cố các phát hiện của nghiên cứu.
DAVINCI là sứ mệnh Điều tra Khí quyển sâu của Sao Kim về các Khí quý, Hóa học và Hình ảnh. Theo NASA, DAVINCI, một phòng thí nghiệm hóa học phân tích bay, sẽ lần đầu tiên đo lường các khía cạnh quan trọng của hệ thống khí quyển-khí hậu khổng lồ của sao Kim.
DAVINCI dự kiến ra mắt vào tháng 6 năm 2029 và đi vào bầu khí quyển sao Kim vào tháng 6 năm 2031.
Ảnh minh họa DAVINCI, một phòng thí nghiệm hóa học phân tích bay, ở sao Kim. Nguồn: NASA
Trong khi chờ đợi, các nhà nghiên cứu có kế hoạch đi sâu vào câu hỏi quan trọng mà bài báo đặt ra: Điều gì đã xảy ra với hoạt động kiến tạo mảng trên sao Kim?
Lý thuyết trong bài nghiên cứu cho rằng hành tinh này cuối cùng đã trở nên quá nóng và bầu khí quyển của nó quá dày, làm khô các thành phần cần thiết cho chuyển động kiến tạo.
Daniel Ibarra, giáo sư tại Khoa Khoa học Trái đất, Môi trường và Hành tinh của Đại học Brown và đồng tác giả của bài báo, cho biết: "Sao Kim về cơ bản đã cạn kiệt năng lượng ở một mức độ nào đó và điều đó đã khiến quá trình này bị hãm lại".
"Bước quan trọng tiếp theo trong việc tìm hiểu sao Kim là hoạt động kiến tạo mảng diễn ra như thế nào? Sự tiến hóa của nó và cuối cùng là số phận của Trái đất - Điều kiện như thế nào sẽ buộc chúng ta di chuyển theo quỹ đạo giống sao Kim và điều kiện nào có thể cho phép Trái đất có thể sinh sống được?"
Nguồn: Phys.org, NASA
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận