Hư hỏng trên QL14 khi chưa được sửa chữa. |
Khi người dân phát hiện những bất cập và hư hỏng công trình đường bộ ảnh hưởng đến lưu thông và ATGT có thể gọi điện hoặc nhắn tin cho lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN qua đường dây nóng để kịp thời sửa chữa, chấn chỉnh.
Báo cáo bằng tin nhắn trước khi gửi văn bản
Bắt đầu từ cuối tháng 3/2015, Tổng cục Đường bộ VN đã mở đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ tổ chức, cá nhân, báo chí phản ánh về công trình đường bộ đang khai thác, đang đầu tư xây dựng có hư hỏng, ảnh hưởng đến ATGT.
Tổng cục Đường bộ VN đã yêu cầu các Cục QLĐB, Sở GTVT, Ban QLDA, nhà đầu tư và các doanh nghiệp, tổng công ty làm chủ dự án khi phát hiện hoặc nhận được thông tin từ tổ chức, cá nhân, báo chí phản ánh về công trình đường bộ đang khai thác, đang đầu tư xây dựng bị hỏng, ảnh hưởng đến ATGT phải kịp thời báo cáo bằng tin nhắn cho lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN trước khi báo cáo bằng văn bản.
Do thực hiện Công điện 27 của Bộ trưởng và sự chỉ đạo cụ thể, rốt ráo của Tổng cục Đường bộ VN nên việc phát hiện, xử lý các hư hỏng đã kịp thời hơn, hiệu quả hơn, công tác đảm bảo ATGT được chú trọng hơn trước. Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì đường bộ |
Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, đơn vị này đã yêu cầu các Cục QLĐB, Sở GTVT, Chi cục, phòng, ban khi phát hiện các hư hỏng công trình đường bộ, các bất cập ảnh hưởng đến ATGT có trách nhiệm báo cáo kịp thời bằng tin nhắn vào số điện thoại 0913.228315 của lãnh đạo Tổng cục và số điện thoại 0903.479808 của Vụ Quản lý bảo trì đường bộ. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân cũng có thể thông báo bằng tin nhắn về hư hỏng đường theo hai số điện thoại trên.
Cũng theo ông Điệp, sau hai tháng thực hiện, Tổng cục đã nhận và xử lý nhiều tin nhắn, nhiều báo cáo về việc hư hỏng ở các tuyến đường. “Cụ thể như khi nhận được tin nhắn vào buổi đêm về sự cố gãy dầm cầu Vàng Gián trên QL18 đoạn qua địa bàn tỉnh Hải Dương vào đêm 18/5, sáng hôm sau chúng tôi đã triển khai ngay việc sửa chữa tại hiện trường, kịp thời xử lý, tổ chức phân luồng đảm bảo ATGT góp phần cho nhân dân đi lại được êm thuận, an toàn thông suốt”, ông Điệp nói.
Hoặc như, thời gian gần đây một số vệt hằn lún trên các tuyến quốc lộ chưa bàn giao, hoặc mới bàn giao đang trong giai đoạn bảo hành, cũng như một số bất cập khác cũng đã được các cục QLĐB, các chi cục báo cho Tổng cục Đường bộ VN. Tổng cục đã thông tin lại cho các ban QLDA, các sở GTVT yêu cầu sửa chữa, khắc phục kịp thời.
Dùng kinh phí dự phòng để xử lý hỏng đường
Bên cạnh việc các cục QLĐB và các sở GTVT đã tự giác xử lý hư hỏng, Tổng cục Đường bộ VN đã tăng cường công tác kiểm tra, qua đó phát hiện một số đơn vị làm chưa tốt ở một số khâu và Tổng cục cũng đã đề nghị lên Bộ GTVT nghiêm khắc phê bình đối với Sở GTVT Khánh Hòa và Sở GTVT Ninh Thuận trong quản lý, bảo trì QL27B. Tổng cục đề nghị Sở GTVT Tuyên Quang kiểm điểm, và giảm trừ kinh phí đối với đơn vị bảo trì QL37 do tuần đường không phát hiện khe co giãn cầu Trầm đã bị hư hỏng.
Qua những việc làm trên, tinh thần và trách nhiệm trong quản lý đường được nâng lên. Những hư hỏng của các tuyến đường trên địa bàn cả nước được sửa chữa kịp thời, số lượng các tin nhắn phản ánh của người dân, báo chí về hư hỏng các tuyến đường đã được xử lý kịp thời và ngày càng ít dần đi.
Về một số ý kiến lo ngại khi tin nhắn báo việc hỏng đường nhưng khó xử lý vì không có trong dự toán năm, ông Điệp khẳng định, trường hợp này sẽ có hai nguồn để xử lý bao gồm: nguồn thứ nhất khi xây dựng kế hoạch bảo trì, Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư cho phép giữ lại khoản dự phòng bằng 10% tổng vốn bảo trì hàng năm, khoản dự phòng này dùng cho nhiều việc như: phòng chống lụt bão, xử lý những tình huống cấp bách và những hư hỏng phát sinh. Nguồn thứ hai là điều hòa từ lượng vốn dư do kết quả đấu thầu rộng rãi của các gói thầu, do đấu thầu nên tiết kiệm hơn so với giá dự toán.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận