Lái xe khủng ném tiền vào trạm cân nói dối về hành trình?
Xe chở hàng “siêu khủng” bị tạm giữ ở Bình Thuận |
Tiếp tục làm rõ hành trình kỳ lạ của chiếc xe khủng chở biến áp chỉ trong hơn hai ngày đi từ Huế ra Hà Tĩnh, Hà Nội rồi bị bắt giữ tại Khánh Hòa, Bình Thuận phóng viên thấy có nhiều điểm không thực tế.
Một cán bộ thanh tra Sở GTVT Bình Thuận cho biết, với tải trọng lớn, xe 51C - 42545 chỉ có thể đi với tốc độ 40 - 50 km/h, hoàn toàn không thể thực hiện được hành trình hàng ngàn cây số trong hơn 2 ngày như lái xe Nguyễn Văn Hưng khai báo trong 3 lần bị CSGT xử phạt.
Nhiều khả năng lái xe này đã nói dối quanh về hành trình để phù hợp với giấy phép lưu hành đặc biệt được cấp. Ông Huỳnh Ninh Thạch, Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Thuận (nơi đang tạm giữ chiếc xe siêu khủng) cho biết giấy phép lưu hành đặc biệt được Tổng cục Đường bộ VN cấp cho xe Howo 51 C - 42545 chỉ giới hạn đường đi tại các tỉnh phía Nam và Cần Thơ, trên một số tuyến quốc lộ. Do vậy, chỉ riêng việc lái xe khai báo đi từ Gia Lâm (Hà Nội) vào tới Bình Thuận là đã đi sai luồng tuyến được cấp phép, chưa kể việc chở hàng quá giới hạn quy định. Ông Thạch cho biết đã đề nghị Tổng cục Đường bộ VN kiểm tra việc cấp giấy phép này.
Lái xe Nguyễn Văn Hưng cũng là người từng ném một vỏ bao thuốc lá trong đó có 2 triệu đồng vào trạm cân tại Thừa Thiên Huế vào ngày 30/8. Tại đây, Hưng đã bị lập biên bản chở quá tải và tạm giữ GPLX.
Thông tin mới nhất phóng viên Báo Giao thông nhận được là chiếc xe đã được phép của UBND tỉnh và Tổng cục Đường bộ cho phép chở biến áp di chuyển lên Khu công nghiệp Hàm Kiêm (Bình Thuận) để phục vụ đóng điện khai trương khu công nghiệp vào ngày 9/9 tới. Đến chiều nay, xe đã quay trở về điểm tạm giữ tại Bình Thuận để chờ xử lý.
Chánh thanh tra Huỳnh Ninh Thạch cho biết đã thông báo cho chủ hàng, chủ xe tới làm việc với CSGT Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa nơi tạm giữ GPLX của lái xe, giấy tờ đăng kiểm của xe trước khi quay về nộp đủ hồ sơ để xử lý tại Bình Thuận.
Phạt cả chủ hàng và lái xe
Chiếc xe sẽ tiếp tục bị tạm giữ tại trạm cân để xử phạt với các lỗi như: Vận chuyển hàng sai nội dung ghi trong giấy phép lưu hành, không có sổ đăng kiểm, không có GPLX. Đặc biệt, tài xế có hành vi cố tình vi phạm pháp luật khi phương tiện và các giấy tờ xe liên quan bị CSGT tạm giữ ở Khánh Hòa vẫn lái xe trốn chạy sẽ bị xử phạt nặng. Chủ xe cũng bị phạt với lỗi giao xe cho tài xế chở hàng quá tải trọng.
Chiếc xe chở hàng không đúng giấy phép được cấp, lốp không đúng kích cỡ, chở người quá quy định trên cabin và đã bị bắt giữ xử phạt tại 3 trạm CSGT trên QL 1 thuộc Công ty TNHH Nguyên Lợi.
Liên quan đến chiếc xe chở hàng “siêu khủng” bị tạm giữ ở Bình Thuận sau khi lọt nhiều trạm kiểm soát trên QL1, ông Nguyễn Thanh Long, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Thuận cho biết, do xe này có nhiều trục nên không thể cân tải trọng của toàn bộ xe và hàng bằng cân hiện tại. Tuy nhiên, qua các thông số hàng hóa ghi bên ngoài, có thể xác định trọng lượng của máy biến áp này là từ 63 tấn đến 72 tấn.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Quốc Bảo, quản lý Phòng Vận tải Công ty TNHH Nguyên Lợi xác nhận chiếc xe này thuộc Công ty. Thời gian gần đây do mưa bão, lượng máy biến áp ở TP HCM bị hư hỏng nhiều nên tài xế Nguyễn Văn Hưng có liên hệ với công ty để thuê xe chở hàng. Theo ông Bảo, ban đầu lái xe này chỉ thông báo chở máy biến áp loại nhỏ (nhỏ hơn máy bị bắt tại Bình Thuận), không quá tải nhiều chỉ vượt chiều cao nên Công ty chỉ xin giấy phép thông thường. Về trách nhiệm nghĩa vụ liên quan, ông Bảo cho biết sẽ chấp hành xử phạt hành chính theo quyết định của cơ quan chức năng. |
Chiều 4/9, ông Nguyễn Công Thanh, Phó Cục trưởng Cục QLĐB IV cho biết, đầu tháng 8/2014 đơn vị có nhận được giấy đề nghị cấp phép lưu hành xe quá khổ của Công ty TNHH vận tải Nguyên Lợi đối với đầu kéo biển số 51C-425.45 và sơ-mi rơ-moóc BKS 51R-001.84 vận chuyển hàng hóa là thiết bị máy phát điện.
Theo Giấy phép số 2220/CQLĐBIV-GLHX cấp ngày 15/8/2014 (hết hạn 15/9/2014), chiếc xe BKS 51C-425.45 kéo rơ-moóc 51R-001.84 có tổng trọng tải khi lưu thông trên đường và cầu có biển hạn chế tải trọng là 43,98 tấn. Trong đó, trọng lượng bản thân của xe là 10,38 tấn, của rơ-moóc là 16,50 tấn và hàng hóa là 17,1 tấn. Chiều dài của xe và hàng là 19,5 m, chiều rộng 3,595 m và chiều cao là 4,2 m. Tuy nhiên, tại thời điểm bị kiểm tra tại Trạm kiểm tra tải trọng Bình Thuận, chiều cao của xe và hàng đo được là 4,60 m.
Cũng theo ông Thanh, Thông tư 03/2011/TT-BGTVT “Quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng” quy định: Khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục xin cấp phép, chỉ sau hai ngày là có giấy phép lưu hành.
Tuy nhiên, điều bất cập hiện nay là Tổng cục Đường bộ VN là đơn vị cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, quá khổ nhưng thực tế xe đó lưu hành như thế nào, rất khó kiểm soát. Trong giấy phép lưu xe quá tải trọng, xe quá khổ chỉ ghi các thông số về tuyến quốc lộ được đi, loại hàng chở, trọng lượng, chiều dài hàng hóa được chở… Thế nhưng, xe đó chở hàng không đúng với giấy phép, chở hàng vượt tải trọng, thẩm quyền xử lý thuộc về các đơn vị kiểm soát trên đường như CSGT, TTGT.
Một cán bộ Cục QLĐB IV cho rằng, cần có quy định chi tiết hơn về lộ trình vận chuyển hàng hóa của xe quá khổ, quá tải. Chẳng hạn chủ phương tiện phải nêu rõ điểm lên, xuống hàng hóa ở đâu, hành trình đi trên các tuyến đường như thế nào.
Phan Tư - Vĩnh Phú - Duy Lợi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận