Quản lý

Phạt nguội: Lãng phí vì đầu tư chồng chéo và thiếu cơ chế

04/12/2018, 09:53

Do vướng mắc về cơ chế, dự án giám sát, xử lý vi phạm qua camera, nhà đầu tư phải tháo dỡ thiết bị...

7

Công ty FPT tháo dỡ thiết bị giám sát xử "phạt nguội"

Nhà đầu tư phải tháo thiết bị hàng chục tỷ

Năm 2015, Ủy ban ATGT Quốc gia, Công ty CP Công nghệ FPT và Công ty TNHH MTV Hanel xây dựng Đề án thí điểm hình thức “phạt nguội” vi phạm giao thông qua hệ thống camera quan sát trên hai tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Nội Bài - Phú Thọ) và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đây là hai dự án đầu tiên về giám sát xử lý vi phạm tại Việt Nam được Bộ GTVT triển khai theo hình thức xã hội hóa với mục đích nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Triển khai dự án trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, FPT đã ứng trước toàn bộ 60 tỷ đồng kinh phí lắp đặt đã hoàn thiện, đưa vào vận hành thử nghiệm từ năm 2016. Sau 3 tháng vận hành thử, từ giữa năm 2016 đã thí điểm “phạt nguội” vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát trên tuyến cao tốc này.

Thời điểm đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ FPT hào hứng chia sẻ, sau 2 tháng thí điểm, hệ thống đã tự động phát hiện, ghi hình trên 800 trường hợp vi phạm trật tự ATGT trên đường cao tốc kèm theo hình ảnh, video đủ chứng cứ để lập biên bản vi phạm hành chính, phù hợp với tiêu chuẩn của Bộ Công an. Tuy nhiên, trong suốt thời gian đó đến tháng 7/2018, do không xác định được cơ chế và nguồn vốn, nên nhà đầu tư là Công ty CP FPT đã phải xin dừng thí điểm và tháo dỡ thiết bị khỏi tuyến cao tốc này.

"Hiện các tuyến cao tốc cũng như trung tâm ITS chưa thống nhất một chuẩn công nghệ. Trong khi Trung tâm ITS đường cao tốc TP HCM - Trung Lương sử dụng công nghệ của Hàn Quốc thì Trung tâm Điều hành giao thông cao tốc khu vực phía Bắc xây dựng theo công nghệ Nhật Bản. Điều này khiến mỗi tuyến cao tốc được đầu tư hệ thống ITS lại phải ban hành một khung tiêu chuẩn riêng, một quyết định riêng về tiêu chuẩn kỹ thuật gây khó khăn trong việc kết nối”.

Ông Tô Nam Toàn
Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Tổng cục Đường bộ VN)

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ FPT cho biết, vướng mắc lớn nhất là không tìm được nguồn hoàn vốn lắp đặt hệ thống nên không thể ký hợp đồng với chủ dự án là TCT Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC). Điều này khiến nhà đầu tư không thể tiếp tục vận hành và phải tháo dỡ thiết bị.

“Đầu tiên, nguồn vốn cho dự án được xác định trích một phần từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức thuê dịch vụ CNTT đúng với tinh thần của Nghị quyết 36a của Chính phủ. Tuy nhiên, phía VEC không đồng ý với lý do tiền thu phí chưa đủ để trả nợ phần vốn vay ADB cho dự án. Tiếp đó, nguồn vốn được chuyển sang lấy từ Quỹ Bảo trì đường bộ, nhưng do không đúng mục đích của quỹ này nên không thực hiện được. Lần thứ 3, nguồn thu cho dự án được xác định trích từ nguồn xử phạt, nhưng theo Luật Ngân sách tiền này phải nộp vào Kho bạc Nhà nước nên không thực hiện được”, ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, vì điều này khiến FPT phải dừng thí điểm, tháo dỡ thiết bị. Toàn bộ giá trị thiết bị đã đầu tư với số tiền hàng chục tỷ đồng do nhà đầu tư tự chịu vì sau 3 năm thiết bị đã hết khấu hao không sử dụng được nữa.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, căn cứ vào quyết định phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung dự án thí điểm hệ thống giám sát xử lý vi phạm tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Tổng cục Đường bộ VN đã thống nhất chủ trương dừng thí điểm dự án với điều kiện Công ty FPT phối hợp với các bên liên quan chủ động tháo dỡ thiết bị, tự chịu kinh phí tháo dỡ và không tranh chấp về mặt pháp lý với các bên liên quan.

Một dự án thí điểm khác trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Hanel làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 150 tỷ đồng. Ban đầu, hình thức thu hồi vốn của nhà đầu tư cũng sẽ được áp dụng tương tự như việc thu hồi vốn tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Tuy nhiên, dự án do Hanel làm chủ đầu tư không áp dụng được theo hình thức này nên đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Bà Bùi Thị Hải Yến, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel cho biết, Hanel là công ty Nhà nước nên khi đầu tư dự án vẫn phải theo đúng quy trình đầu tư dự án công. Hanel không thể thỏa thuận với VEC để làm chủ đầu tư dự án vì nếu làm như vậy sẽ sai quy chế tài chính. Theo quy định của quản lý nhà nước, khi Hanel đầu tư dự án thì phải căn cứ vào quyết định cụ thể và ghi rõ nguồn vốn chi trả.

8

Công ty  FPT tháo dỡ thiết bị giám sát xử phạt nguội trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Đầu tư chồng chéo, thiếu kết nối

Từ năm 2010 đến nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai hàng loạt dự án ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) để quản lý giao thông. Tuy nhiên, việc đầu tư chồng chéo, không có sự kết nối và chưa có một tiêu chuẩn chung dẫn đến không phát huy hết hiệu quả to lớn của ITS.

Năm 2015, hệ thống ITS trên cao tốc TP HCM - Trung Lương được Bộ GTVT đưa vào hoạt động với 38 camera theo dõi giao thông được lắp đặt suốt 40km cao tốc. Tuy nhiên, đến tháng 12/2016, Cục CSGT đã đưa vào vận hành hệ thống giám sát xử lý vi phạm trật tự ATGT trên tuyến cao tốc này với 15 camera được lắp đặt dọc tuyến để phạt trực tiếp hoặc “phạt nguội”. Hệ thống camera giám sát của Cục CSGT lại tồn tại độc lập, gần như không tích hợp vào với hệ thống ITS của tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Theo quy hoạch, hệ thống ITS của các đoạn tuyến đường cao tốc sẽ được tích hợp tại Trung tâm ITS khu vực phía Nam để thuận tiện điều hành giao thông. Tuy vậy, việc kết nối dữ liệu các tuyến cao tốc đến nay vẫn còn trở ngại. Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VEC) cho biết, do hệ thống ITS của cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đang trong giai đoạn bảo hành, chưa bàn giao về cho VEC quản lý nên việc kết nối liên thông chưa thể thực hiện được. Phải đến sau năm 2019, khi dự án hết bảo hành, bàn giao cho chủ đầu tư, lúc đó mới tính đến việc có kết nối được hay không.

Tuy nhiên, bà Phương cũng băn khoăn, sự khác nhau về công nghệ giữa các hệ thống sẽ ảnh hưởng đến việc kết nối. Cùng đó, nguồn kinh phí để tích hợp ai sẽ chịu; đơn vị nào sẽ vận hành hệ thống sau khi tích hợp?

Đúng như lo lắng của bà Phương, hiện nay, các hệ thống ITS được đầu tư với những công nghệ khác nhau, bởi phần lớn phụ thuộc vào nguồn vốn của các nhà đầu tư. Chẳng hạn, hệ thống ITS cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sử dụng vốn vay ODA từ Nhật Bản nên được đầu tư theo công nghệ nước này. Tương tự, cao tốc TP HCM - Trung Lương đầu tư theo công nghệ Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, do hệ thống ITS cao tốc TP HCM - Trung Lương được đầu tư theo công nghệ Hàn Quốc, nên khi muốn thay bất cứ thiết bị nào, chẳng hạn các con chíp ở trong máy, phải sử dụng thiết bị của nhà thầu Hàn Quốc. Nếu mua ở bên ngoài vào, không tương thích với toàn bộ hệ thống.

Đánh giá về thực trạng này, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng, vấn đề cốt lõi của hệ thống ITS là sự đồng bộ, kết nối, ăn khớp của tất cả các ứng dụng. Hầu hết các tuyến cao tốc đã được đầu tư hệ thống ITS nhưng lại đang dùng các công nghệ khác nhau dẫn đến khó kết nối liên thông. “Nguyên nhân khiến các dự án giao thông thông minh vẫn đang “giậm chân” tại mức thí điểm, đề án chính là thiếu nguồn vốn đầu tư và những bất cập trong “câu chuyện” quản lý giao thông. Trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, lại phải dàn trải cho nhiều lĩnh vực cấp thiết nên khó có thể ưu tiên cho đầu tư phát triển ITS”, ông Tuấn nói.

Cũng theo TS. Tuấn, điều quan trọng của phát triển ITS nằm ở các cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các thành phố phải có một quy hoạch chung về quản lý giao thông. Trên cơ sở đó là các giải pháp về chính sách thu hút vốn đầu tư mới giải quyết được tình trạng hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.