Nhân viên trực tổng đài theo dõi, quản lý các phương tiện đang lưu thông qua thiết bị giám sát hành trình - Ảnh: Tạ Tôn |
Điều này cho thấy hiệu quả rõ rệt của TBGSHT trong việc quản lý, tạo môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, bình đẳng.
100% địa phương sử dụng dữ liệu để phạt nguội
Một lái xe khách trên tuyến Hà Nội – Vinh (Nghệ An) cho biết, từ khi có TBGSHT, cánh lái xe gần như không dám chạy quá tốc độ vì toàn bộ các lỗi đều được hệ thống TBGSHT báo về trung tâm. Nếu có lỡ vượt quá tốc độ sẽ bị nhân viên trực tổng đài tại công ty gọi điện nhắc nhở ngay. Nếu cố tình vi phạm nhiều lần sẽ bị công ty trừ lương. Trường hợp bị Sở GTVT xử lý lỗi vi phạm đối với doanh nghiệp, lái xe phải chịu liên đới trách nhiệm.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Lê Trung Hải, chuyên viên Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Lào Cai), người được phân công theo dõi, phân tích dữ liệu hệ thống TBGSHT cho biết, trước đây, để theo dõi vi phạm của các đơn vị vận tải, mỗi Sở GTVT phải cử ít nhất một người trực hệ thống. Với cách làm này, mỗi phòng quản lý vận tải mất đứt một nhân viên trực hệ thống trong khi nhân lực quá ít. Từ khi Tổng cục Đường bộ VN cải tiến công nghệ theo hướng hệ thống dữ liệu TBGSHT tự động phân tích và thống kê các trường hợp vi phạm, việc theo dõi thuận tiện hơn rất nhiều.
"7 tháng đầu năm 2016, các Sở GTVT đã xử lý vi phạm đối với 4.043 phương tiện vi phạm tốc độ. Riêng tháng 7 có trên 72% số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống. Tổng cục Đường bộ VN vừa liên tiếp có các văn bản yêu cầu các Sở GTVT có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vận tải chưa thực hiện việc truyền dữ liệu quy định”. Ông Đỗ Công Thủy |
“Vào ngày 6 hàng tháng, tôi mở máy và nhận toàn bộ các thống kê vi phạm mà hệ thống chuyển về để đối chiếu, xác minh rồi lập danh sách các trường hợp vi phạm trình lãnh đạo Sở GTVT ra văn bản xử lý. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Sở GTVT Lào Cai đã ra quyết định xử phạt 86 trường hợp vi phạm qua dữ liệu TBGSHT. Dữ liệu được chuẩn hóa nên từ gần một năm nay các doanh nghiệp vận tải đều “tâm phục, khẩu phục”, không còn khiếu nại như trước”, anh Hải cho biết.
Ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, trước đây một số Sở GTVT còn chưa chú ý đến việc sử dụng dữ liệu TBGSHT để xử lý vi phạm. Lý do chủ yếu mà các Sở GTVT đưa ra là thiếu nhân lực theo dõi hệ thống và thống kê vi phạm. Trước kiến nghị của địa phương, Tổng cục Đường bộ VN đã xây dựng phần mềm tự động thống kê, phân tích vi phạm để giúp các Sở GTVT thuận tiện hơn khi xử lý dữ liệu và ra quyết định xử lý vi phạm.
“Khi chưa có phần mềm này, việc trực hệ thống tại các Sở GTVT mất rất nhiều thời gian, công sức do phải ngồi máy theo dõi hàng nghìn phương tiện đang hoạt động. Với phần mềm thống kê, phân tích vi phạm, các Sở GTVT chỉ cần một lần truy cập hệ thống là biết toàn bộ các trường hợp vi phạm trong tháng để làm cơ sở xử lý”, ông Thủy nói và cho biết, do hệ thống rất thuận lợi nên đến nay các địa phương đều đã sử dụng dữ liệu TBGSHT để xử lý vi phạm. Riêng trong tháng 6, ba địa phương không xử lý vi phạm bằng dữ liệu TBGSHT đã bị Tổng cục Đường bộ VN nhắc nhở và sau đó đã thực hiện nghiêm.
Chuẩn hóa dữ liệu, lái xe hết chối
Cũng theo ông Đỗ Công Thủy, việc xử lý vi phạm qua dữ liệu TBGSHT căn cứ vào Thông tư số 10 của Bộ GTVT. Theo đó, các Sở GTVT sẽ có bộ phận theo dõi để xử lý, thu hồi phù hiệu đối với các vi phạm đã được lưu trữ trên hệ thống. Chỉ những trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng, có hành vi nguy hiểm được dư luận phản ánh, Tổng cục mới tiến hành trích xuất dữ liệu và yêu cầu các Sở GTVT kiểm tra, xử lý.
“Hệ thống dữ liệu hiện nay đã có sự thống nhất về thuật toán nên các số liệu thống kê trên toàn hệ thống từ Tổng cục đến các Sở GTVT và hệ điều hành của các nhà cung cấp thiết bị đều thống nhất. Đến nay, các đơn vị vận tải đều nghiêm chỉnh chấp hành khi bị xử lý. Các lái xe khi được trích xuất dữ liệu vi phạm cũng tâm phục, không có tình trạng khiếu nại như trước nữa”, ông Thủy nói và cho biết, trước đây còn tình trạng doanh nghiệp phản ánh tại một số khu vực mất sóng, TBGSHT không ghi nhận được, tuy nhiên hiện cơ bản điều này đã được khắc phục.
Để có sự thống nhất về dữ liệu, theo giám đốc một đơn vị cung cấp TBGSHT, sau khi có những ý kiến của đơn vị vận tải, các đơn vị cung cấp thiết bị và cơ quan quản lý đã cùng thống nhất cách tính toán và phương pháp thống kê. Điều này khiến các doanh nghiệp vận tải phải tâm phục với các kết quả được ghi nhận trên hệ thống.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc điều hành Công ty Vận tải Hà Sơn – Hải Vân cho biết, nhờ có hệ thống TBGSHT nên đến nay việc quản lý, điều hành của doanh nghiệp vận tải rất thuận lợi vì có thể nắm được toàn bộ các hoạt động của phương tiện, lái xe trên hành trình. “Chúng tôi bố trí hai nhân viên trực hệ thống, khi lái xe lỡ vượt quá tốc độ sẽ được nhắc nhở để điều chỉnh ngay. Những trường hợp cố tình vi phạm nhiều lần sẽ bị doanh nghiệp xử lý từ mức cảnh cáo đến trừ lương, thậm chí cho nghỉ việc”, ông Công cho biết.
Được biết, hiện Tổng cục Đường bộ VN đang xây dựng hệ thống bản đồ số nhằm mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc sử dụng TBGSHT để phạt nguội. Khi có bản đồ số, việc xác định các vi phạm sẽ rất cụ thể, chi tiết. Chẳng hạn như đối với vi phạm tốc độ hiện nay, việc xử lý vi phạm chỉ căn cứ vào tốc độ tối đa với từng loại phương tiện mà chưa thể cập nhật với tốc độ cụ thể trên từng cung đường khác nhau. Vì thế, nếu bản đồ số có cập nhật tốc độ của phương tiện ứng với tốc độ quy định trên từng đoạn đường cụ thể thì phương tiện sẽ phải chấp hành quy định tốc độ theo từng hành trình một cách tuyệt đối.
Theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ KHCN&HTQT (Tổng cục Đường bộ VN), hiện Tổng cục đã trình Bộ GTVT đề án này và dự kiến đầu năm 2017 hệ thống bản đồ số chính thức đi vào hoạt động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận