Từ ngày 2/4, cư dân chung cư sẽ bị phạt nếu nói tục chửi bậy |
Thông tư 02/2016/TT-BXD về việc Ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 2/4. Theo đó, nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong việc sử dụng nhà chung cư như: Gây mất an ninh trật tự, nói tục, chửi bậy, gây ồn ào, chăn thả gia súc, gia cầm trong nhà, đốt vàng mã...
Chưa phạt được ai
Ngay khi nghe nói về quy định cấm nói tục, chửi bậy và gây ồn ào ở nhà chung cư, anh Đào Nguyên Bình (cư dân khu chung cư Xa La, Hà Đông, Hà Nội) tỏ ra lo lắng. Anh Bình cho biết, do sống một mình nên thường xuyên rủ bạn bè đến nhà chơi, anh em họ hàng ở quê cũng hay lên thăm nhà.
Nếu khách cứ nói tục, chửi bậy hoặc làm ồn mà bị phạt thì chẳng khác gì “làm khó” chủ nhà. “Bạn bè tôi đều là thanh niên, chuyện vui đùa, trêu nghịch nhau bằng cách nói suồng sã là điều thường xuyên. Bản thân chúng tôi chẳng ai cảm thấy phiền lòng về điều đó. Nhưng nếu vì thế mà bị phạt chắc tôi chẳng dám mời khách về nhà nữa”, anh Bình lo lắng.
Trong khi đó, anh Lê Hoàng Anh (cư dân khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) thẳng thắn: “Tôi cũng hay nói tục, nhưng chỉ là lúc bực mình chửi đổng vài câu để xả stress chứ chẳng nhằm vào ai cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Không lẽ như thế tôi cũng bị phạt?”.
Theo tìm hiểu, quy định trên khá trùng khớp với Quyết định 08/2008/QĐ-BXD đã được nhiều chung cư trên địa bàn TP Hà Nội đưa vào áp dụng từ lâu. Trong đó, có quy định rõ những điều cư dân không được làm như: Đốt vàng mã, đốt lửa trong nhà; Nuôi súc vật; Tổ chức tang lễ… Tuy nhiên, khi được hỏi về xử phạt những trường hợp vi phạm, hầu hết đại diện các tòa chung cư đều khẳng định khó thực hiện và chưa xử phạt được trường hợp nào.
Không thể cấm ở nhà riêng “Vấn đề nói tục, chửi bậy nên ngăn chặn bằng phương pháp tuyên truyền, giáo dục thì tốt hơn. Nếu nói tục, chửi bậy ở chốn công cộng thì phạt là đương nhiên, nhưng nhà riêng là chốn riêng tư, làm sao cấm được? Không lẽ rình ở ngoài nghe rồi nhảy xổ vào phạt? Như thế còn là xâm phạm không gian tự do cá nhân”. Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn |
Ông Việt Anh, Ban Quản trị tòa CT13 (thuộc Khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, từ khi tòa nhà đưa vào sử dụng, Ban Quản trị tòa nhà đã xây dựng một quy chế riêng dựa trên những quy định của Bộ Xây dựng. Bản nội quy này được niêm yết tại tầng 1 tòa nhà. Tuy nhiên, ông Việt Anh thừa nhận từ lúc quy chế được niêm yết, Ban Quản trị tòa nhà chưa xử phạt trường hợp nào mặc dù sai phạm có xảy ra.
Tương tự, ông Đặng Đức Khoa, Ban Quản trị chung cư An Lạc (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khẳng định, Ban Quản trị chung cư này cũng xây dựng một quy chế riêng để đưa vào áp dụng từ lâu nhưng việc xử phạt những trường hợp vi phạm rất khó thực hiện. “Quy chế thì có, những hành vi nghiêm cấm cũng được quy định cụ thể, nhưng không dễ để xử phạt những trường hợp vi phạm vì chưa có quy định xử phạt cụ thể”, ông Khoa cho hay.
Cần ban hành thông tư liên tịch?
Trước những lo ngại của người dân, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nội dung cấm gây mất trật tự, nói tục chửi bậy... trong chung cư chỉ áp dụng khi được Hội nghị nhà chung cư của tòa nhà đó thông qua.
Trường hợp người dân vi phạm các hành vi bị cấm thì việc xử lý sẽ do Hội nghị nhà chung cư quyết định cụ thể trong nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư đó. Trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, những hành vi như nói tục, chửi bậy thuộc lĩnh vực văn hóa, đạo đức, do đó nên chịu sự điều chỉnh của quy phạm đạo đức chứ đưa vào danh sách cấm của văn bản quy phạm pháp luật sẽ rất khó để thực hiện. Đó là chưa kể, để xử phạt những vi phạm này là điều vô cùng phức tạp và khó khả thi. “Phải làm rõ, nói như thế nào là nói tục, chửi bậy?
Quy định cụ thể từ nào là từ tục, từ bậy mới có cơ sở để xử phạt. Hơn nữa, muốn xử phạt thì phải có bằng chứng. Không lẽ lắp camera hoặc mang máy ghi âm vào tận nhà người ta để lấy bằng chứng? Điều này là bất khả thi. Đấy là chưa kể, muốn phạt cũng phải làm rõ ai là người được quyền phạt? Bảo vệ tòa nhà được phạt hay phải gọi công an? Rồi phạt bao nhiêu? Tiền phạt nộp vào đâu? Tiền phạt sẽ sử dụng để làm gì?...
Rất nhiều thứ cần phải làm rõ”, luật sư Diện phân tích. Ngoài quy định cấm nói tục, chửi bậy, các hành vi cấm khác mà Thông tư 02 của Bộ Xây dựng đưa ra như gây ồn ào, xả rác bừa bãi, chăn nuôi gia súc, gia cầm…; Theo luật sư Diện, xử phạt những hành vi này là cả một vấn đề. Luật sư phân tích, mỗi tòa chung cư có hàng trăm hộ gia đình với hàng nghìn nhân khẩu, trong khi Ban Quản trị tòa nhà lực lượng lại mỏng, không dễ để kiểm soát hết được.
“Theo tôi, để những quy định cấm trên có tính khả thi thì cần ban hành Thông tư Liên tịch do nhiều Bộ, ngành cùng đưa ra và nhiều đơn vị chức năng cùng vào cuộc thì mới khả thi được. Ví dụ như hành vi nói tục, chửi bậy thì lực lượng văn hóa, thông tin xử lý, hành vi xả rác bừa bãi thì do lực lượng cảnh sát môi trường, hành vi gây ồn ào, mất trật tự thì do công an, nuôi động vật thì do thú y…”, luật sư Diện cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận